Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Gà Đồi Yên Thế (Bắc Giang)
Ngày 1-12, tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), Sở Công thương Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Yên Thế tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế. Tham dự hội nghị có đại diện một số sở Công thương, đơn vị tiêu thụ, kinh doanh gà đồi tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... và hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Nghề chăn nuôi gà đồi phát triển mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn của huyện Yên Thế. Toàn huyện có khoảng 12 nghìn hộ chăn nuôi, trong đó nhiều hộ có quy mô đàn từ 1 đến 2 nghìn con/lứa, mỗi năm xuất bán khoảng 4 triệu con, chủ yếu là gà lông. Hiện trên địa bàn có hai cơ sở chế biến gà thương phẩm nhưng số lượng không đáng kể.
Tổng giá trị sản phẩm mang lại mỗi năm hơn 1,5 nghìn tỷ đồng. Qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo. Mặc dù vậy, nghề chăn nuôi gà ở Yên Thế vẫn chưa thực sự phát triển bền vững do chi phí sản xuất lớn; một số hộ chăn nuôi chưa quan tâm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ...
Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, bảo vệ thương hiệu gà đồi Yên Thế. Ngành chức năng cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm thương hiệu, chất lượng sản phẩm; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho gà đồi Yên Thế xâm nhập các thị trường tiềm năng như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng gia cầm nhập lậu; chỉ đạo sớm xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển… Đồng thời, các ngành chức năng, địa phương tiếp tục quan tâm giúp đỡ xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ.
Nhân dịp này, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho Công ty cổ phần Giang Sơn. UBND huyện Yên Thế cũng trao giấy khen cho 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế năm 2014.
Related news
Quả hồng giòn ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) rớt giá thê thảm khiến các hộ nông dân gặp khó khăn trong việc tái tạo vườn cây…
Hiện nay có đến 80% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi “thâu tóm” được phần lớn các vựa thanh long tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc “vô tư” làm giá, không chỉ với các thương lái người Việt mà cả với người Trung Quốc yếu cơ hơn…
8 tháng của năm 2015, nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) đã chuyển dịch từ đất lúa và màu sang cây ăn trái trên 1.239 héc-ta, nâng diện tích trồng cây ăn trái của địa phương từ 2.448 héc-ta (năm 2014) lên trên 3.805 héc-ta.
Đồng USD tăng giá mạnh, nhiều nước giảm giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn. Xuất khẩu bế tắc không chỉ khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó mà nông dân cũng lao đao.
Những người nuôi ong ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi các trại ong của họ bị phá, các tủ nuôi bị xịt thuốc diệt côn trùng khiến ong chết. Nhiều người nuôi ong vì muốn yên thân đã phải tháo chạy khỏi những địa bàn này vì không muốn đối mặt nguy cơ sạt nghiệp.