Đầu Tư Ồ Ạt Giống Xoài Úc
Dịch bệnh và thị trường bấp bênh đã khiến nhiều nông dân trồng xoài tại xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chuyển đổi giống xoài Thủy Triều và xoài Bồ sang giống xoài Úc.
Ồ ạt thay giống
Hiện nay, tại xã Cam Hải Tây, nhiều vườn xoài Thủy Triều (còn gọi là xoài Tây, xoài Canh Nông) và xoài Bồ đã được nông dân chuyển đổi sang cấy ghép giống xoài Úc.
Những gốc xoài Thủy Triều hàng chục năm tuổi được cắt trơ trọi, đầu cành tua tủa mắt ghép được bọc ni-lon trắng xóa. Ông Phan Tỏ (thôn Tân Hải) cho biết: “Năm nay, vườn xoài của tôi bị bọ trĩ phá hoại, chủ yếu trên các giống xoài Tây và xoài Bồ. Tuy tôi đã xịt đủ loại thuốc nhưng vẫn bị thiệt hại về năng suất dẫn đến thất thu nặng.
Không chỉ thế, giá xoài quá rẻ, đầu vụ xoài Bồ bán giá 15.000 đồng/kg, nhưng chính vụ chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Xoài Tây giá chỉ vài ngàn đồng/kg...”. Trước tình hình đó, ông mạnh dạn chuyển đổi 4 sào (4.000m2) xoài Tây và xoài Bồ (khoảng 120 gốc) sang ghép toàn bộ giống xoài Úc.
Ông Lê Như Hồng (thôn Tân Hải) cũng vừa mới cưa xong hàng loạt gốc xoài cũ, già cỗi. Đợi khi có mưa, cây xoài bắn đọt non, ông sẽ tiến hành cấy ghép. “Bọ trĩ, sâu rầy ngày càng khó trị. Cả vụ, tôi xịt 11, 12 lần thuốc nhưng không ăn thua. Bệnh trên các giống xoài Tây và xoài Bồ dễ cảm nhiễm, làm giảm chất lượng trái nên thương lái chê. Xoài Úc ít bệnh hơn, cả vụ chỉ xịt 3 lần thuốc; giá bán xoài luôn duy trì ở mức cao...”, ông Hồng nói.
Người trồng xoài so sánh, nếu giá xoài Úc chỉ 10.000 đồng/kg thì trồng xoài Úc vẫn có lợi hơn vì chi phí chăm sóc thấp do ít dịch bệnh.
Không nên chuyển đổi quá nhiều
Vụ xoài năm 2014 mất mùa, toàn xã thiệt hại hơn 70% sản lượng, chất lượng xoài cũng giảm sút, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trước tình hình đó, Hội Nông dân (HND) xã vận động nông dân chuyển đổi các giống xoài cũ, thoái hóa, kém giá trị sang giống xoài có hiệu quả kinh tế hơn. Nông dân Cam Hải Tây đã lựa chọn xoài Úc, giống R2E2 (trái lớn, thịt dày, ngon, năng suất cao) để chuyển đổi.
Hiện nay, toàn xã đã có khoảng 100ha xoài Tây, xoài Bồ được ghép với xoài Úc (75ha đang được nông dân chuyển đổi và 25ha đã chuyển đổi từ trước). Việc cấy ghép rất đơn giản, ai cũng có thể làm được, bình quân 1 cây ghép 50 - 100 hom.
Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện: Không chỉ có xã Cam Hải Tây diễn ra việc chuyển đổi ồ ạt giống xoài, mà nhiều địa phương khác như: Cam Đức, Cam Hiệp Bắc, Suối Tân… cũng có hiện tượng này. Lãnh đạo huyện có chủ trương xây dựng các vùng chuyên canh xoài tập trung nên đã đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư thí điểm vườn xoài theo phương thức tiên tiến, sử dụng hệ thống tưới phun tại các xã: Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và thị trấn Cam Đức. Việc này đã được Bộ chấp nhận và cho phép khảo sát.
Lý giải cho việc chọn lựa giống xoài Úc để chuyển đổi, ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch HND xã cho biết: Có thể do giống xoài Úc vỏ dày, mủ nhiều nên bọ trĩ không thích, vì thế mà bệnh cũng ít hơn các giống xoài khác. Hiện nay, bệnh bọ trĩ rất khó trị dù nông dân đã dùng đủ mọi cách. Điều này làm tăng chi phí đầu tư. Trong khi đó, xoài Úc ít bệnh, giá bán lại cao.
Thời gian qua, xoài Úc không rớt giá, bình quân 35.000 - 40.000 đồng/kg, dịp Tết cao gấp đôi. Hiện nay, xoài Úc cũng đã được nông dân can thiệp cho quả trái vụ.
Đến thời điểm này, HND xã khuyến cáo nông dân tạm dừng việc chuyển đổi giống vì sợ mất kiểm soát. “Chúng tôi đã khuyến cáo tạm dừng việc chuyển đổi nhưng nông dân vẫn tiếp tục ghép xoài Úc. Nếu mất kiểm soát, nguồn gen quý từ giống xoài Thủy Triều có thể bị mai một. Mặt khác, khi sản lượng xoài Úc tăng đột biến sẽ phá vỡ cân bằng thị trường...” - ông Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, xoài Úc và những giống xoài có giá trị kinh tế nằm trong định hướng chuyển đổi của huyện nhằm ổn định thu nhập cho người trồng xoài. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt có thể làm mất cân đối, dẫn tới chuyện được mùa mất giá. Việc chuyển đổi ồ ạt cũng làm mất nguồn gen quý từ giống xoài Thủy Triều (giống xoài bản địa đã tồn tại hàng trăm năm), gây khó khăn cho việc cấy ghép cũng như chọn giống về sau.
Related news
Không chỉ nuôi cá trên đồng ruộng, ông còn đào thêm hồ nuôi cá giống phục vụ nhu cầu nuôi cá cho bà con. Mảnh vườn rộng chừng 5 sào, ông Cân trồng các loại rau như xà lách, cải, ngò, mướp đắng, bầu bí… để hằng ngày cung cấp cho các chợ ở huyện Triệu Phong. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 4 con lợn cái, 18 con lợn thịt và 4 con bò để tăng thu nhập.
Ước tổng lượng mưa toàn vụ đông xuân 2014 – 2015 trên địa bàn tỉnh có khả năng chỉ đạt từ 65 – 75% so với những năm trước. Mưa ít khiến dung tích nhiều hồ chứa lớn trong tỉnh đạt thấp nên nguy cơ hạn hán xảy ra ngay trong vụ đông xuân tới rất lớn.
Sau hơn 10 năm được tách ra hoạt động độc lập từ Ngân hàng phục vụ người nghèo, đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã lên tới trên 2,1 nghìn tỷ đồng, với hơn 112 nghìn khách hàng còn dư nợ. Tuy nhiên, trong tổng nguồn vốn này, mới có hơn 1% là của ngân sách địa phương chuyển sang….
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có xấp xỉ 21 nghìn ha chè, trong đó diện chè thành phẩm chiếm khoảng gần 18 nghìn ha, tăng gần 1 nghìn ha so với năm 2013. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng chè búp tươi chỉ đạt khoảng 193 nghìn tấn, thấp hơn 7 nghìn tấn so với kế hoạch đề ra.
Với truyền thống cần cù, chịu khó, bà con nhân dân các thôn đã tích cực phát triển kinh tế, đưa cây chè là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Diện tích chè của 3 xóm là 56 ha, trong đó có khoảng 40% diện tích đã dược chuyển đổi sang trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, PH1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên.