Bốc thuốc trị vi phạm công trình thủy lợi bêu tên, xử nghiêm
Không để “người ngoài” thích làm gì thì làm
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ, từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước rất quan tâm phát triển ngành thủy lợi.
Nhưng chúng ta vẫn có tâm lý “đói thì phải ăn no, chưa tính đến ăn ngon”.
Vì thế, các đơn vị chỉ quan tâm đến số lượng và khối lượng.
Nguồn lực đầu tư lớn cho giải pháp công trình, nhưng khi dốc sức làm tốt “phần cứng” thì lại yếu “phần mềm”.
Kết quả là chúng ta đang có những hệ thống thủy lợi sử dụng nước thải sinh hoạt, SX để tưới cây và nuôi cá.
Do đó, lỗi trước hết là ở ý thức của chính chúng ta mà trực tiếp là các Cty KTCTTL.
“Bây giờ nhà nước đã giao cho các Cty thay mặt dân, chính quyền để quản lý các CTTL.
Phải coi CTTL là nhà của chính chúng ta, không thể để người ngoài thích vào là vào, thích làm gì thì làm.
Chúng ta đã có Nghị định 139, Cty kiểm tra, lập biên bản gửi đến các cơ quan nhà nước xử phạt.
Nếu họ không xử thì chúng ta phải có biện pháp đốc thúc chứ.
Chẳng lẽ ngồi không à?”, ông Tỉnh nhấn mạnh.
Ông Tỉnh cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành.
Không thể để tình trạng cấp trên sốt sắng chỉ đạo, cấp dưới bình chân như vại.
Có thể thanh tra những đối tượng được giao nhiệm vụ nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện chưa nghiêm, ví dụ như cấp xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, cần tham mưu để tất cả những vụ vị phạm và xử lý vi phạm được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó xã hội lên án.
Những cách làm hay
Năm 2013, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 3.600 trường hợp vi phạm CTTL, trong đó trên 1.400 trường hợp lấn chiếm làm nhà ở, trên 1.000 trường hợp làm lều quán, trên 610 trường hợp san lấp.
Các “điểm nóng” vi phạm CTTL liên tục mọc lên, trong khi nhiều cấp uỷ, chính quyền, nhất là ở cơ sở lại “nguội lạnh”, buông lỏng quản lý, thậm chí né tránh trách nhiệm, để tình trạng vi phạm diễn ra trong thời gian dài.
Một số chính quyền cấp xã, cán bộ thôn bán đất, cho thuê, đấu thầu đất trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật về đất đai và bảo vệ CTTL.
Trong khi đó, ngành NN-PTNT chưa tích cực tham mưu, đề xuất để ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ CTTL gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Vũ Văn Tú, GĐ Cty KTCTTL Hưng Yên cho biết, nhằm kiên quyết xử lý những vi phạm trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 21/3/2013 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường giải quyết, xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm, lấn chiếm CTTL trên địa bàn tỉnh.
Từ đấy, phong trào “bảo vệ CTTL” lan ra khắp các xã, phường.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Ngoài tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm, chính quyền đã thực hiện đối thoại, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL ngay từ cơ sở.
Tổ chức ký giao ước thi đua, ký cam kết không vi phạm các CTTL tới từng tổ chức, hộ gia đình. Chi bộ thôn thường xuyên đưa nội dung quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL vào nội dung sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Đến năm 2015, toàn tỉnh không còn xuất hiện vi phạm mới.
Cách làm của Hưng Yên là bài học cho các địa phương khác học tập.
Lựa chọn hướng giải quyết khác, đối với những “thành trì” vi phạm CTLL khó “công phá”, Cty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hưng Hải lại mời báo đài về thực địa để “bêu tên” và phản biện với chính quyền xã, phường giải thích khi để tình trạng vi phạm kéo dài.
Và khi được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng sẽ vào cuộc giải quyết mau chóng hơn.
Ông Bùi Minh Tuấn, PGĐ Cty Thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, để ngăn chặn tình trạng xả thải nước bẩn chưa qua xử lý vào hệ thống thủy lợi, Bộ NN-PTNT cần đề xuất với Chính phủ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp KTCTTL thiết bị giám sát chất lượng nước, gắn tại những họng cống xả tại các khu công nghiệp, làng nghề, nhà máy, bệnh viện… để phát hiện sai phạm ngay tức khắc và xử lý nghiêm minh.
Hà Nội là “rốn” vi phạm CTTL ở miền Bắc (hiện nay có trên 10.000 vụ).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Cty Đầu tư - phát triển thủy lợi Hà Nội và Cty KTCTTL Mê Linh là 2 trong số 5 đơn vị quản lý KTCTTL trên địa bàn thành phố không để xảy ra vi phạm phát sinh.
Có được thành tích đó là do các đơn vị này phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, tuyên truyền pháp luật về thủy lợi và vận động giải tỏa vi phạm công trình.
Riêng năm 2015, Sở NN-PTNT Hà Nội thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 70 bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng và khai thác cát, lập hồ sơ vi phạm hành chính với 51 tổ chức, cá nhân, đề nghị thanh tra Sở NN-PTNT ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với sô tiền 386 triệu đồng.
Đồng thời thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành trong hoạt động xả thải.
Tính đến tháng 10 năm 2015, đối với 5 tổ chức cá nhân xả thải, đoàn công tác đã lập biên bản với 1 tổ chức cá nhân đề nghị chánh thanh tra Sở ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7 triệu đông.
Số tiền đó không lớn và chưa thể hiện hết tình hình vi phạm CTTL trên địa bàn TP nhưng bước đầu cho thấy sự nhập cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng.
Theo ông Liên, cần nâng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi xả thải nước chưa qua xử lý vào hệ thống thủy lợi cao hơn để tăng tính răn đe.
Chồng chéo cơ chế, chính sách
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), tình trạng vi phạm CTTL diễn biến phức tạp trong những năm qua một phần xuất phát từ chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Nhiều trường hợp không được xử lý kịp thời, hoặc không xử lý dẫn đến hiện tượng tái phạm.
Bên cạnh đó, hiện nay quy định về cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi giữa Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT có sự khác nhau về đơn vị tiếp nhận hồ sơ, tham mưu cho UBND cấp tỉnh quản lý cấp phép và chồng chéo về phạm vi quản lý nguồn nước.
Cụ thể, tại khoản 2, điều 9 văn bản số 03/VBHN-BNNPTNT ngày 30/3/2015 quy định: “Sở NN-PTNT là cơ quan giúp UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp nhận và thẩm định hồ sơ cấp phép xả nước thải vào hệ thống CTTL”.
Còn tại khoản 2, điều 11 của Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 lại quy định: “Sở TN-MT có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh trong việc quản lý đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn;…”.
Tuy nhiên, một số tỉnh, TP chỉ giao cho Sở TN-MT tiếp nhận, thẩm định, tham mưu giúp UBND thực hiện cấp giấy phép cả trong và ngoài hệ thống CTTL như Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hậu Giang…
Như vậy là chưa phù hợp với quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho cơ quan cấp phép cũng như tổ chức, cá nhân cấp thay.
Related news
Những nông dân Việt Nam xuất sắc hôm nay là những người đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu.
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quản lý chặt việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Hôm 13.10, bên lề ngày làm việc đầu tiên của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu xung quanh các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển nhanh và bền vững…
Hiệp định TPP sẽ mang đến cơ hội song sẽ không thể tự biến thành lợi ích nếu nhà nước và doanh nghiệp không biết cách tận dụng.
Nhiều DN và trang trại ở Đông Nam bộ vẫn cho rằng, nếu liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị thực sự, gà trắng Việt Nam vẫn có thể đứng vững.