Đánh Bắt Cá Ngừ Kiểu Nhật Bản

Chất lượng của những con cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Cá tươi ngon hơn khi được đưa từ hầm tàu lên bờ.
Được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ kinh phí nâng cấp hầm lạnh, dụng cụ giết mổ cá, thiết bị đánh bắt mới và hướng dẫn cách bảo quản chất lượng cá ngừ đại dương (CNĐD) theo kiểu Nhật Bản, 2 chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đã hoàn thành chuyến biển trở về, ngư dân phấn khởi.
2 tàu cá mang số hiệu BĐ 9625 TS của chủ tàu La Tình (44 tuổi) và BĐ 96776 TS của chủ tàu Nguyễn Huê (44 tuổi) cùng ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) với sứ mệnh làm thử nghiệm cách đánh bắt và bảo quản CNĐD theo kiểu Nhật Bản vừa cập cảng cá Quy Nhơn.
Chất lượng của những con CNĐD do 2 chiếc tàu nói trên đánh bắt được khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Cá tươi ngon hơn khi được đưa từ hầm tàu lên bờ.
Vừa chỉ đạo thuyền viên đưa cá lên bờ cân bán, chủ tàu Nguyễn Huê vừa tâm sự: “Trước khi ra khơi, 2 tàu của chúng tôi được cải tạo, nâng cấp hầm bảo quản và một số thiết bị mới để đánh bắt, xử lý cá sau khai thác. Áp dụng khai thác thấy chất lượng cá tốt hơn nhiều, bán được giá cao hơn.
Ngoài ra, còn được ngành chức năng cung cấp một số dụng cụ giết mổ theo phương pháp của Nhật Bản như: Dao cắt vây đuôi, dao mổ nội tạng, dùi thông não, dao chọc tiết cá, dùi chọt não, búa cao su để cánh cá ngất và thẻ bài đánh dấu ngày khai thác từng con cá".
“Khi cá vừa được kéo lên boong tàu, tụi tui dùng búa cao su đánh vào phần đầu nằm giữa 2 mắt để cá ngất đi. Sau đó để con cá nằm dài, cầm vây nó kéo dựng đứng lên, dùng dao chọc tiết đâm thẳng vào đường vạch đen phân cách giữa lưng và bụng cá, sau gốc vây ngực từ 5 - 8 cm vết rạch sâu 2 cm vuông góc với gốc vây ngực cả 2 bên làm máu cá phun mạnh ra.
Do chiếc dao này đã được chế tạo theo tính toán sẵn về độ dài nên khi đâm vào sẽ trúng ngay mạch máu, huyết cá xả ra rất nhiều. Con cá được xả huyết càng nhiều thì chất lượng thịt càng tốt.
Tiếp tới dùng dùi chọc não; dùng dây thông não; rồi cắt vây đuôi để cá khỏi vùng vẫy; mổ bụng, mổ mang làm sạch nội tạng. Sau đó bỏ cá ngâm vào hầm lạnh gồm nước biển và đá lạnh xay nhỏ từ 4 - 6 tiếng đồng hồ rồi mới cho vào hầm ướp…”, ông Huê nói.
Lão ngư Nguyễn Văn An cho biết thêm, thiết bị đánh bắt được ngành chức năng cung cấp cho chuyến biển này trông như chiếc “rọ heo”, bên trong gắn những chiếc phao cao su. Khi bơm phồng lên, những chiếc phao có trách nhiệm khống chế sự vùng vẫy của cá trong bộ khung ép có hình dáng giống như cái nôm chụp cá. Cá bị ép tại phần đuôi và vây lưng sẽ không thể vùng vẫy nên chất lượng cá sẽ được tốt hơn.
“Tuy nhiên, thiết bị này chưa phát huy hết hiệu quả, vì nếu dính câu 1 lúc 4 - 5 con thì không thể xử lý được”, ông An bộc bạch.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & BVNLTS Bình Định chia sẻ: “Do phao nổi của bộ chụp lớn quá nên sóng gió làm chao đảo mạnh khiến ngư dân khó sử dụng. Chúng tôi sẽ khắc phục bằng cách sẽ không dùng phao hơi nữa mà sẽ sử dụng hệ thống cơ học trói vây lưng và vây đuôi không cho cá vùng vẫy”.
Cũng theo ông Vinh, Bình Định sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhiều tàu cá khác đi đánh bắt thử nghiệm với những thiết bị khai thác mới. Cụ thể cung cấp cho ngư dân bộ sốc điện làm cá ngất trước khi kéo lên khỏi mặt nước, đó cũng là cách không cho cá vùng vẫy làm mất chất lượng thịt.
Chủ tàu Nguyễn Huê cho biết, chuyến này tàu của ông đánh bắt được 38 con cá ngừ (gần 2 tấn). Nhờ cách đánh bắt và bảo quản cá mới được học, trong số sản phẩm đánh bắt được, nhiều con cá có chất lượng rất tốt nên được Cty CP Thủy sản Bình Định thu mua giá cao hơn giá thị trường 20%.
Related news

Đã qua mùa nước lớn, sông Tiền vẫn mênh mang, khoáng đạt như sóng lụa dạt dào bao quanh xứ lụa Tân Châu (An Giang). Tưởng vẫn còn nghe đâu đây câu hò :“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A, Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần...”. Những bè nuôi cá lồng quây quần thành từng cụm rải rác hai bờ sông từ lâu đã thành một phần không thể thiếu để hoàn thiện bức tranh sông nước sống động.

Đời ngư dân quanh năm lấy thuyền làm bạn, xem biển là nhà và đánh bắt hải sản cốt sao vò gạo gia đình không bị vơi. Thế nhưng, nhiều khi biển "nổi sóng" lại khiến họ lắm phen lao đao, đơn cử như Xuân Giáp Ngọ năm nay…

Mặc dù sản lượng, giá cá ngừ thấp nhưng những ngày giáp Tết Nguyên đán, ngư dân TP Tuy Hòa vẫn hồ hởi, tấp nập cho tàu cập bến, vận chuyển cá lên bờ bán cho các thương lái.

Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật, có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, khảo sát lập quy hoạch xây dựng làng nuôi trồng thủy sản.

Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn tỉnh Lào Cai, lượng thủy sản sẵn sàng cung ứng cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán hiện đã đạt trên 1.000 tấn.