Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyện Dài Nuôi Cá Bè Xứ Lụa

Chuyện Dài Nuôi Cá Bè Xứ Lụa
Publish date: Saturday. February 1st, 2014

Đã qua mùa nước lớn, sông Tiền vẫn mênh mang, khoáng đạt như sóng lụa dạt dào bao quanh xứ lụa Tân Châu (An Giang). Tưởng vẫn còn nghe đâu đây câu hò :“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A, Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần...”. Những bè nuôi cá lồng quây quần thành từng cụm rải rác hai bờ sông từ lâu đã thành một phần không thể thiếu để hoàn thiện bức tranh sông nước sống động.

Mất gần chục cú điện thoại hỏi đường, chúng tôi lần xuống bờ sông tìm làng bè đoạn giáp ranh giữa phường Long Sơn và phường Long Thạnh của thị xã Tân Châu. Thở ra đằng tai mới đi hết con đường đất ẩm ướt ngập trong cỏ dại ngang xóm bãi, lại phải nín thở qua cây cầu khỉ dài thượt được ghép bằng đủ loại vật liệu cũ, từ cây luồng vỡ toác đến con thuyền nát tận dụng làm lối vượt bãi sình.

Ghé thuyền lại đón chúng tôi ra làng bè, anh Huỳnh Văn Lên sốt ruột huơ mái chèo: “Cứ bước mạnh lên anh ơi, ván cũ đong đưa coi vậy chớ chắc lắm, còn lâu mới gãy”.

Chèo nhẹ nhàng để con thuyền nhỏ xíu không tròng trành, có 3 người ngồi mà nước đã mấp mé mạn, anh Lên cho biết, nghề nuôi cá ở Tân Châu bắt đầu từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, tuy không quy mô bằng ở Châu Đốc nhưng bề dày truyền thống thì chẳng kém.

Hồi đầu, bà con vớt cá giống trên sông trong mùa nước nổi về nuôi trong hầm, dần dà mới chuyển sang đóng bè nuôi cá. Sản phẩm tùy theo thị hiếu từng giai đoạn, người ta nuôi cá lóc bông, cá mè vinh, cá he, cá hú, cá tra,… rồi phát triển “cực thịnh” với con cá basa. Ngày đó, cá basa giống phải đặt bắt bên Campuchia mang về.

Đến những năm cuối thế kỷ 20, khi nguồn cá giống được lai tạo thành công trong nước và cá basa xuất khẩu đang hút hàng, An Giang tới giai đoạn vàng son của nghề nuôi cá bè, có tới vài ngàn bè cá ken nhau trên sông Hậu kéo dài từ Long Xuyên lên Châu Đốc, thì làng bè sông Tiền ở Tân Châu cũng đông vui lắm.

Nhiều người thành tỷ phú chỉ sau một vụ cá. Người ta bảo nhau "muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt" để rồi đua nhau gom tiền, vay vốn ngân hàng, vay nợ lãi suất cao đóng thêm bè nuôi cá.

Ánh mắt người dân theo nghiệp sông nước vẫn lấp lánh khi nhớ lại một thời niềm tự hào của Châu Đốc, Tân Châu là những chiếc nhà bè hoành tráng đầy đủ tiện nghi như biệt thự nổi, nhiều bè lớn đóng toàn bằng gỗ sao, bề thế gấp đôi cái nhà trên bờ. Mỗi kỳ thả lứa mới, tiền mua con giống của một hộ có khi lên tới cả trăm cây vàng, rồi thức ăn nuôi cá mỗi ngày cũng hết cả tấn. Nhưng rồi “cực lạc sinh bi”, nghề nuôi cá bè cũng nổi chìm theo con nước.

Cá nuôi quá nhiều, tồn đọng mấy ngàn tấn không tiêu thụ được, lại khiến nguồn nước ô nhiễm, cá chết do dịch bệnh... Sau liên tiếp mấy vụ cá rớt giá, nhiều đại gia làng bè lâm cảnh nợ nần, những chiếc bè trên sông cứ thưa vắng dần. Hàng loạt nhà bè phải “xẻ thịt” bán phế liệu.

Anh Lên bảo: "Nuôi cá bè ở Tân Châu không rầm rộ bằng Châu Đốc, nên khi bĩ cực cũng đỡ thê thảm hơn, nhưng cũng có lúc muốn bỏ bè lên bờ tìm việc khác. Song chắc là cái nghiệp lênh đênh nó đeo đẳng, lại bám bè chuyển sang nuôi cá lóc, cá bông, cá mè vinh, cá diêu hồng, cá heo nước ngọt... Mà nói vậy chớ vẫn nhiều người tiếp tục sống được với con cá basa đó, như nhà Năm Đực kia có tới 8 bè basa lận”.

Không còn là thời đỉnh cao của nghề nuôi cá bè, mỗi chiếc bè loại lớn ở Tân Châu cũng phải đầu tư ngót 1 tỷ đồng mới đóng nổi. Năm Đực có tên thật là Nguyễn Văn Quách, 32 tuổi, to béo bệ vệ, đang loay hoay bên chiếc máy trộn thức ăn cho cá chạy rầm rầm, khói và bụi cám mờ mịt, nên chỉ ngoái lại mỉm cười ngoắc tay mời chúng tôi lên bè. Ngớt việc, Năm mới thư thả dẫn tôi tham quan các bè nuôi cá basa, từ cá bố mẹ, cá con đến cá thương phẩm.

Anh cho biết: “Bây giờ người ta nuôi cá tra nhiều, nhưng nuôi bè nước chảy thì cá basa vẫn hơn. Một hecta ao nuôi cá tra được cỡ 300 tấn/vụ, trong khi một bè cá basa của em đã khoảng 120 tấn. Cá basa hiện bán được khoảng gần 30.000 đ/kg, đắt hơn cá tra khoảng 6.000 – 7.000đ. Nếu nuôi basa từ khi trứng mới nở đến lúc thu hoạch được thì mất 2 năm, lâu gấp 3 lần so với một vụ cá tra hiện nay.

Nhưng em nuôi các kích cỡ cùng lúc nên quanh năm có cá bán”. Phương thức này cũng ngày càng được các hộ nuôi cá bè áp dụng rộng rãi, vì “chủ động” hơn so với thu hoạch ồ ạt theo mùa, gặp khi giá cá thấp thì bán cũng dở mà “găm” lại thêm ít lâu thì không chịu nổi chi phí thức ăn cho cá, nhất là đối với những người ít vốn hoặc phải vay vốn để nuôi cá.

Nói chuyện mà phải như gào lên để át tiếng máy đinh tai, Năm cho biết thức ăn gồm tấm cám trộn với ốc, cá con cho cá ăn dặm, có khi thêm cả thảo dược trị bệnh. Năm bảo, nuôi con cá basa trong lồng bè cũng khá vất vả. Vào mùa cạn nước chảy yếu, có khi phải đặt máy đuôi tôm trước đầu bè cho chân vịt quay để nước lưu thông mạnh hơn, vì cá basa không hợp với nước đứng.

Đó là chưa kể việc phải thường xuyên lặn xuống nước để kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi để “giữ sức khỏe” cho cá, phòng ngừa dịch bệnh. Nói thì đơn giản, nhưng công việc này đòi hỏi cả sức khỏe và kinh nghiệm, vì đáy bè phải sâu hơn hai mét, nhằm bảo đảm con cá hứng được nước chảy, cũng như tận dụng tối đa diện tích nuôi cá.

Sang bè khác, tháo bao thức ăn hất xuống cho đám cá cỡ lòng bàn tay sùng sục tranh mồi khiến nước văng tung tóe, Năm lại thủng thẳng: “Cá he đó anh. Em nuôi ghép để tận dụng thức ăn thừa của cá basa. Giống này phàm ăn hơn cả cá tra, mà cũng bán được 45.000đ/kg.

Em còn 2 lồng nuôi rô phi nữa”. Nhiều người dân làng bè đồng tình rằng con cá basa tuy đã qua rồi thời đình đám, nhưng vẫn còn đất sống; cũng như đa dạng hóa giống nuôi là hướng phát triển ổn định hơn cho nghề nuôi cá bè ở Tân Châu.

Có người đã manh nha ý tưởng thiết kế bè theo hướng kết hợp nuôi cá với làm du lịch và phục vụ các món ăn dân dã chế biến tại chỗ từ chính các “sản phẩm” trong lồng mà du khách chọn bắt lên. Được vậy thì khách thập phương về thăm xứ lụa sẽ có thêm địa chỉ hấp dẫn với những phút thư thái trên sông Tiền lộng gió lấp lánh nắng vàng.

Không có gì dễ dàng, nhưng những làng bè đã tồn tại qua ngót cả thế kỷ thăng trầm, chắc chắn sẽ viết thêm những trang mới cho câu chuyện dài nuôi cá bè xứ lụa…


Related news

Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm từ mô hình ương giống cá chạch lấu Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm từ mô hình ương giống cá chạch lấu

Mô hình ương giống cá chạch lấu, một loài cá ngon và hiện còn rất ít trong tự nhiên, giúp nông dân Hậu Giang thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Wednesday. July 18th, 2018
Mô hình luân canh tôm-lúa-tôm càng xanh Mô hình luân canh tôm-lúa-tôm càng xanh

Mô hình tôm lúa ở Sóc Trăng được thực hiện dưới hình thức quảng canh cải tiến phát triển chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu

Wednesday. July 25th, 2018
Trồng bưởi da xanh trên đất vải thiều, lãi 1 tỷ đồng/3ha/năm Trồng bưởi da xanh trên đất vải thiều, lãi 1 tỷ đồng/3ha/năm

Là một trong những hộ đầu tiên trồng bưởi da xanh trên đất trồng vải thiều, sau gần 8 năm anh Lê Duy Chứ thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/3ha/năm.

Thursday. July 26th, 2018
Thu tiền tỷ từ nuôi vịt theo phương thức mới Thu tiền tỷ từ nuôi vịt theo phương thức mới

Một nông dân ở Đồng Tháp đã thoát cảnh nghèo túng, vươn lên trở thành “đại gia nuôi vịt” và có cơ ngơi tiền tỷ ở vùng quê Tháp Mười.

Tuesday. July 31st, 2018
Làm giàu từ nuôi lươn Làm giàu từ nuôi lươn

Chịu khó tìm tòi, dám nghĩ, dám làm với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phan Văn Phú thành công mô hình nuôi lươn thịt trong bồn

Wednesday. August 1st, 2018