Quảng Ngãi Ngư Dân Ăn Tết
Đời ngư dân quanh năm lấy thuyền làm bạn, xem biển là nhà và đánh bắt hải sản cốt sao vò gạo gia đình không bị vơi. Thế nhưng, nhiều khi biển "nổi sóng" lại khiến họ lắm phen lao đao, đơn cử như Xuân Giáp Ngọ năm nay…
Ấy là kết luận của nhiều ngư dân. Ý là những ai có tàu lớn, vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển phía bắc, phía nam thì ăn Tết…no vì tôm cá đầy khoang, lại được giá. Ngược lại, nhiều ngư dân khai thác gần bờ thì lại buồn! Nguyên nhân, phần vì thuyền nằm bờ dài ngày do trời hết mưa lại bão, phần cá mực ít.
Anh Nguyễn Thuận ngụ thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) - người gắn bó với vùng biển ven bờ trong tỉnh gần chục năm nay chỉ vào chiếc ghe nhỏ cùng mớ lưới cũ rích, bảo: “Thuyền nhỏ, biển lớn, trời lại động nên tôm, cá lặn mất tăm”.
Mà đúng là năm 2013, thời tiết quá khắc nghiệt. Hết mưa bão đến áp thấp nhiệt đới, rồi không khí lạnh kéo dài khiến biển động liên tục. Những người như anh Thuận vì thế không thể dong thuyền ra khơi câu mực hay đánh bắt cá gần bờ. Những lúc trời yên biển lặng, dù ăn trên thuyền, ngủ trên biển, nhưng anh Thuận vẫn than: “Cá về chỉ đủ đong gạo mua mắm, lấy đâu dư mà sắm Tết!”.
Khổ hơn, những người đánh lộng như anh Thuận là các ngư dân không may “vướng” thiên tai và rủi ro trên biển. Với họ, Tết này đúng là “buồn não ruột”. Đơn cử như chủ tàu Nguyễn Vũ ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Sau một tuần hăm hở dong thuyền vươn khơi, anh Vũ trở về trong sự vui mừng lẫn tiếc nuối khi mà chiếc tàu lẫn toàn bộ ngư lưới cụ trị giá bạc tỷ đã bị nhấn chìm ở vùng biển tỉnh Phú Yên. Dẫu tính mạng của chủ tàu lẫn người đi bạn được bảo toàn, nhưng nghĩ đến số tài sản mà vợ chồng vừa tích góp, vay mượn bỗng chốc tan như bọt biển, anh Vũ gần như bỏ ăn, mất ngủ.
Trái ngược với cái buồn trên là nụ cười mãn nguyện của ngư dân trên những con tàu trở về từ các ngư trường lớn, chủ yếu là Trường Sa. Ngoài khoang tàu đầy cá chuồn, cá nục, cá cu... thì giá bán cũng tăng vài bậc khiến ngư dân "vui như Tết" dù hôm tàu cập bến chỉ mới 23 tháng Chạp.
Hôm ấy, chủ tàu Nguyễn Vang ở xã Bình Châu “mở hàng” cho cảng cá Sa Kỳ với khoang cá chuồn cồ cùng cá hồng. Kế đến là anh Quân, ông Tân cũng lần lượt bật khoang cá nục trong niềm hân hoan, phấn khởi của hàng chục lao động. Họ bảo “đợt này trúng lộc, có tiền nên ăn Tết đầy đủ hơn !”.
Tết giữa đại dương
Giữa lúc các ngư dân như anh Vang, anh Quân, ông Tân được đoàn tụ Tết với gia đình trong căn nhà khang trang, ấm cúng thì rất nhiều tài công lẫn bạn chài lại ăn Tết giữa đại dương. Trong số này, có người vì đang phiên biển; nhưng cũng có không ít ngư dân vươn khơi vào những ngày giữa tháng Chạp với hy vọng săn được nhiều lộc Tết ngay trong Tết.
Vì nói như chủ tàu Nguyễn Tấn Cư ở xã Bình Châu thì: “Tết, ông trời hiền tính nên biển êm, cá mực cũng nhiều. Cộng với giá mực cá ra Giêng cao nên anh em ai cũng muốn tranh thủ vớt vát sau một năm thất thu”. Có lẽ vì vậy mà dù đã đến ngày 20 tháng Chạp nhưng ông Cư vẫn chất đá, đổ dầu, xếp thực phẩm cùng dưa món, bánh tét, thịt heo muối… rồi cho tàu thẳng tiến hướng Trường Sa.
Trước ông Cư, tàu của ngư dân Lưu Đình Dũng cũng vươn khơi đón Tết dù năm qua, tàu này được xếp vào hạng “có của ăn của để” ở xã biển Bình Châu với liên tiếp những phiên biển đầy. Thế nhưng vì lý do “đón Tết ở Trường Sa khác lắm, thiêng liêng lắm. Ai thử một lần là… ghiền luôn!”, nên sau chuyến trở về đầy cá hồi cuối tháng 11, ông Dũng lại tranh thủ bổ sung nguyên nhiên liệu cho tàu rồi tiếp tục lên đường ra Trường Sa khai thác hải sản và đón Tết trên biển.
Không chỉ Bình Châu, mà ở cảng cá Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), Phổ Thạnh (Đức Phổ)... đâu đâu cũng bắt gặp cảnh đón Tết với tâm trạng trái chiều của ngư dân. Người căng thẳng quăng lưới vây cá câu mực những mong có thêm tiền để kịp sắm Tết. Người day dứt vì “đi thì lo, không đi thì tiếc”. Người lại hào phóng sơn nhà sắm đồ đạc vì trúng lộc biển.
Và cũng có người tạm xa gia đình trong Tết vì mãi bận mưu sinh nơi biển cả. Nhưng dẫu hoàn cảnh nào, tâm trạng nào, tất cả vẫn không giấu được sự hân hoan lẫn niềm tin vào một cái Tết “đầy” vì “biển giả mà. Biết đâu mấy ngày cuối năm trời thương, cho lưới mình nặng cá”.
Related news
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 kèm mưa to, gió mạnh vừa qua đã khiến nhiều diện tích rau trong tỉnh bị dập nát, hư hỏng. Người trồng rau vì thế cũng phập phồng, lo lắng khi quyết định xuống giống rau vụ đông, bởi mùa mưa bão đã bắt đầu...
Tuy không thuộc diện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến năm 2015, nhưng nhờ có lợi thế về điều kiện kinh tế-xã hội, nhất là sự đồng thuận của nhân dân, nên huyện Tây Sơn và tỉnh đồng ý bổ sung xã Tây Xuân vào lộ trình hoàn thành XDNTM vào năm 2015.
Đó là anh Nguyễn Ngọc Quà, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (TX An Nhơn). Từ chỗ nghèo khó, nhờ theo nghề trồng mai mà gia đình anh có “của ăn, của để”. Anh còn giúp nhiều hộ trong thôn về kỹ thuật trồng mai kiểng, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Nếu không có sự chuyển biến về mặt chất lượng và thay đổi về chuỗi giá trị, 20 năm tới xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cứ ì ạch như hiện nay, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, cảnh báo.
Vừa qua, Tổ chức Tầm nhìn thế giới phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa triển khai 12 lớp tập huấn ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Emic cho trên 600 lượt hộ nông dân tham gia.