Cựu Chiến Binh Thào A Của Làm Kinh Tế Giỏi

“Không chỉ nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội Cựu chiến binh mà đồng chí Thào A Của còn là tấm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo, được nhiều người trong xã, huyện học tập làm theo”. Đó là nhận xét của ông Mạ Pố Chừ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mường Nhé khi nói về cựu chiến binh Thào A Của.
Sau 14 năm tham gia quân ngũ, trong đó có cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1993 anh Thào A Của, bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé xuất ngũ trở về địa phương bắt tay phát triển kinh tế. Như bao người dân khác, vợ chồng ông chịu khó sớm tối lên nương trồng ngô, cấy lúa nhưng cuộc sống gia đình có năm còn thiếu ăn trong lúc giáp hạt.
Thấy làm nương vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao, ông vận động bà con trong bản tập trung khai hoang ruộng trồng lúa nước.
Sau một thời gian tích cực, cả bản đã khai hoang hơn 60ha ruộng, riêng gia đình cựu chiến binh Thào A Của khai hoang hơn 2ha. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình. Bên cạnh đó, nhờ có nguồn lương thực cộng với nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, dồi dào, gia đình ông mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đàn gia súc.
Ngoài được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò sinh sản, từ số tiền vay mượn và tích cóp của gia đình ông mua thêm 20 con trâu, bò để chăn nuôi. Có thời kỳ cao điểm, gia đình ông nuôi hơn 150 con trâu, bò sinh sản; gần 70 con lợn nái và lợn thịt cùng hàng trăm con gia cầm. Công việc chăn nuôi thuận lợi giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để phục vụ việc khai hoang ruộng nước và đào ao thả cá, năm 2006, gia đình ông bán 50 con trâu, bò lấy tiền đầu tư mua máy ủi, máy xúc với trị giá gần 1 tỷ đồng. Nhờ đó, không những mở rộng diện tích ruộng khai hoang, gần 1ha cây ăn quả với nhiều cây có giá trị kinh tế cao, như: bưởi, cam, quýt… gia đình ông còn đào 4ha ao nuôi cá thương phẩm cho thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, gia đình khai hoang, đào ao thuê cho hàng trăm người dân trong bản và xã. Bên cạnh đó, nhờ có tay nghề và máy móc, ông đứng ra nhận thi công các công trình xây dựng trên địa bàn huyện. Mỗi năm, ông thi công từ 2 – 3 công trình vừa và nhỏ; qua đó, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 25 – 30 lao động có thu nhập ổn định từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện ông đang nhận thi công 4 công trình: Công trình đường giao thông và nước sinh hoạt cho bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè; nhà văn hóa cộng động bản Huổi Núm, xã Nậm Vì và nhà văn hóa bản Nậm Vì, xã Chung Chải.
Thành công trong việc phát triển kinh tế không chỉ giúp cựu chiến binh Thào A Của nuôi các con ăn học nên người (hiện 4 người đang là cán bộ Nhà nước) mà còn giúp gia đình có nguồn thu nhập lên tới hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Của cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục nhận thi công các công trình xây dựng, gia đình tiếp tục sẽ đào ao thả cá, cùng với đó, là mở rộng chăn nuôi cũng như diện tích cây ăn quả để tăng nguồn thu.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%E1%BB%B1u-chi%E1%BA%BFn-binh-th%C3%A0o-c%E1%BB%A7-l%C3%A0m-kinh-t%E1%BA%BF-gi%E1%BB%8Fi
Related news

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai vừa phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa triển khai dự án quy hoạch cánh đồng mẫu lớn với cây cà phê tại huyện Xuân Lộc. Toàn huyện hiện có 1.250 hécta cây cà phê. Năng suất trung bình còn thấp, chỉ đạt gần 26 tạ/hécta/vụ do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác lạc hậu.

10 tấn khoai tây Đà Lạt được trồng trên giá thể (không dùng đất) theo quy trình khép kín đạt chuẩn VietGAP đã xuất hiện trên thị trường nông sản.

Do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều vườn hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên bị chết và không thể cho thu hoạch vào đầu năm 2015. Sản lượng giảm có thể giúp hồ tiêu tăng giá.

Tuy nhiên, trong vụ mùa năm 2014 này, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật (KH-KT) nên tại huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn người dân đã được mùa lớn bưởi Phúc Trạch, không chỉ cả về sản lượng, chất lượng quả rất tốt, hình thức đẹp như mong đợi mà còn bán được giá cao, góp phần hồi sinh lại quả đặc sản vốn nổi tiếng cả nước này.

Từ 2 triệu đồng tiền vốn, chị Trần Thị Nói, một người phụ nữ miền Tây đã vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi rắn hổ hèo.