Cá chết trắng bè, người nuôi cá đem đến đổ trước nhà máy
Ngày 6-9, người dân nuôi cá lồng bè dưới cầu Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc về việc cá nuôi chết trắng khiến nhiều người chỉ sau một đêm trở nên trắng tay.
Chỉ sau một đêm cá đồng loạt chết trắng lồng
Ông Dương Văn Hùng (ngụ thôn 5, xã Long Sơn) cho biết từ khoảng 12 giờ, rạng sáng 6-9 ông phát hiện tình trạng cá ngoi lên mặt nước. Soi nước thấy có màu đen, bốc mùi hôi thối. Đến sáng sớm cùng ngày, 15.000 con cá chim và 3.000 con cá bớp giống cùng chết trắng lồng khiến ông Hùng chết lặng. Là bè cá thiệt hại nặng nhất, ông Hùng đau xót: “Toàn bộ tài sản đều đổ xuống bè để nuôi cá. Thiệt hại đợt này của tôi mất hơn 1 tỉ đồng”.
Không chỉ riêng ông Hùng mà khoảng 15 hộ dân nuôi cá lồng bè tại cầu Chà Và đều bị thiệt hại khi chỉ trong một đêm hàng ngàn con cá giống và cá nuôi đồng loạt chết sạch. Khi rọi đèn thấy nước ô nhiễm chảy về, nhiều người đã dùng cánh quạt của các cano chở hàng đẩy nước ô nhiễm đi để tránh cho cá ngợp chết nhưng không có hiệu quả.
Được biết, số tiền đầu tư để nuôi cá đa phần người dân đều vay của ngân hàng hoặc vay ngoài với lãi suất cao. Tình trạng cá chết thường xuyên khiến nhiều người đổ nợ đã “treo” bè, thậm chí có người bỏ bè, bỏ trốn.
Người nuôi cá điêu đứng khi trắng tay
Tình trạng cá chết đột ngột trên sông Chà Và không chỉ mới xảy ra mà đã xảy ra nhiều năm qua. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong thời gian 2 tháng trở lại đây đã 3 lần xảy ra tình trạng trên. Tuy nhiên, lần này mức độ nghiêm trọng hơn khiến người dân bức xúc và lo lắng.
Theo các hộ nuôi cá, nguyên nhân khiến cá chết là do nước thải ở một số nhà máy chế biến hải sản nằm gần cổng xả số 6 của khu chế biến thủy sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành đổ trực tiếp ra sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Sự việc đã được người dân nhiều lần báo lên các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành cũng như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Quá bức xúc trước sự việc trên, trưa 6-9, hàng chục hộ dân đã chở xác cá chết đến một số nhà máy chế biến hải sản đổ trước cổng và yêu cầu cơ quan chức năng sớm có câu trả lời để giải quyết dứt điểm sự việc trên. Nhiều người đã khóc khi bè cá của mình chết không còn một con.
Quá bức xúc, các hộ nuôi cá bè mang cá chết đến các cơ sở chế biến hải sản để đổ
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, ông Trần Tiến Dũng, Phó Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đến ghi nhận vụ việc. Ông cho biết sắp tới UBND tỉnh sẽ thành lập ban thanh tra liên ngành để kiểm tra những cơ sở sản xuất chế biển hải sản và giải quyết vụ việc trên. Cũng trong ngày, sở TNMT đã lấy mẫu nước, mẫu cá để mang đi đi xét nghiệm.
Related news
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, được nhận học bổng và học thạc sĩ tại ĐH Southern Taiwan (Đài Loan), nhưng chàng trai 8X Nguyễn Hoàng Hà đã từ bỏ nhiều cơ hội làm việc ở thành phố để về quê… nuôi lợn.
Phú Yên là tỉnh có tiềm năng NTTS rất lớn, nhất là nuôi tôm sú, tôm hùm... Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn, thú y thủy sản vào cuộc thì "việc đã rồi". Do trình độ chuyên môn hạn chế nên công tác phòng chống dịch bệnh như "ném đá ao bèo".
Như NNVN từng phản ánh, đợt rét đậm rét hại kèm sương muối năm 2010 đã hạ gục trên 1.000 ha cao su mới trồng tại Hà Giang. Sau cú sốc lớn, tỉnh Hà Giang thận trọng không mở rộng mà chỉ quyết tâm khôi phục diện tích cao su bị chết, nhưng sự đương đầu này quá mạo hiểm.
Còn hơn một tháng nữa là đến mùa trồng sắn, người dân không thể hiểu nổi giá sắn năm nay lại rớt thảm hại như vậy. Những tỉnh trồng nhiều sắn như Lào Cai, Yên Bái hiện còn cả chục ngàn ha sắn, nhổ cũng chết mà không nhổ cũng chết.