Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyển đổi cây trồng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long cần giải pháp đồng bộ

Chuyển đổi cây trồng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long cần giải pháp đồng bộ
Publish date: Wednesday. August 19th, 2015

Tín hiệu lạc quan

Anh Lâm Văn Sáu, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), tâm sự: “Vợ chồng tôi có 4 công đất lúa sản xuất 3 vụ mỗi năm, cộng với làm mướn thêm, vậy mà kinh tế cứ mãi chật vật. Suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo, cuối cùng tôi quyết định bỏ lúa chuyển sang lên vườn trồng quýt đường. Thời gian đầu cây quýt đường còn nhỏ, nên tôi áp dụng trồng rau màu trên liếp để “lấy ngắn nuôi dài”. Quay đi quay lại thì quýt đường cho trái và không ngờ khi thương lái tìm mua tận vườn với giá 30.000 đồng/kg. Nhờ đó mà chỉ 4 công quýt đường, nhưng năm rồi thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”. Theo ông Trần Hoàng Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), qua theo dõi thì cây quýt đường cho hiệu quả kinh tế khá cao nên thời gian qua bà con chọn để chuyển đổi. Đây cũng là loại cây thế mạnh của địa phương.

Ông Đặng Văn Chen, Trưởng ban nhân dân ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) bộc bạch, vùng này trước đây người dân chỉ trồng lúa, nhưng giá lúa thấp quá nên buộc bà con phải tìm cây trồng khác thay thế. Theo đó, nhiều hộ chọn các loại hoa kiểng như cúc mâm xôi, cúc tiger, sứ, vạn thọ, cỏ nhung,... để chuyển đổi và đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Hiện tại, diện tích hoa kiểng của xã Tân Khánh Đông tăng lên hơn 117ha, đa phần là chuyển đổi từ đất lúa. Ông Lê Ngọc Lề, ngụ phường Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ) tiết lộ, nhiều năm làm lúa 3 vụ mà không giàu được. Riêng vụ Hè thu 2015 này, không làm lúa mà chuyển sang trồng mè. Kết quả 3 công mè trúng mùa, thu được hơn 23 triệu đồng, gấp mấy lần lúa…

Canh cánh nỗi lo rớt giá

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014, toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi khoảng 78.375ha đất lúa sang trồng rau, dưa hấu, mè, cây ăn trái, đậu, bắp,… Riêng tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi 2.414ha đất lúa sang trồng 1.079ha bắp và 1.335ha rau các loại. Việc chuyển đổi bước đầu cho thấy cây màu, cây ăn trái hiệu quả cao hơn lúa; đồng thời giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Luân canh cây trồng cũng góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa và giảm được áp lực nước tưới trong thời điểm nắng hạn. Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng làm tăng thêm nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu; từ đó giảm giá thành chăn nuôi.

Mặt được là vậy, tuy nhiên khi triển khai nhân rộng đã gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Cao Miên, Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình (Vĩnh Long), trăn trở: “2 năm trước giá hành lá lên đến 700.000 đồng/tạ giúp nông dân lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. Sau đó, nông dân huyện Bình Tân ào ạt chuyển đổi đất lúa để trồng hơn 1.000ha hành lá thì đầu năm 2015 đến nay giá rớt thảm hại. Hiện giá hành chỉ còn 150.000-300.000 đồng/tạ, khiến nông dân lỗ nặng”. Tương tự như hành lá, thời gian qua khi thấy giá thanh long ở mức cao từ 20.000-40.000 đồng/kg trở lên, thì hàng loạt hộ ở ĐBSCL “chạy đua” bỏ đất lúa, để trồng thanh long; nay giá thanh long sụt còn 4.000-6.000 đồng/kg, khiến nông dân chới với. Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, nhiều mô hình chuyển đổi bước đầu mang lại hiệu quả cao khi diện tích ít; đến lúc phát triển nhiều lên thì lập tức rớt giá, khó tiêu thụ và nông dân bị lỗ. Đây là vấn đề nhức nhối cho thấy việc nhân rộng sản xuất với nhu cầu tiêu thụ chưa ăn khớp.

Cục Trồng trọt lưu ý: Giữa doanh nghiệp thu mua với nông dân sản xuất chưa kết nối được về giá cả, đầu tư, bao tiêu,... Một số nơi việc chuyển đổi còn tự phát, chưa theo quy hoạch về diện tích, sản lượng, chủng loại, mùa vụ, nên thường gặp khó khi tới lúc thu hoạch. Hệ thống thủy lợi lâu nay chủ yếu phục vụ cây lúa, nay ào ạt chuyển sang cây trồng khác đã gặp trở ngại. Khắc phục những hạn chế trên, tới đây các địa phương cần xác định những sản phẩm chủ lực để chuyển đổi phù hợp thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc chuyển đổi cần hướng tới phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó định hướng cho sản xuất; cơ cấu mùa vụ, sản lượng hợp lý, chú ý rải vụ để tránh rớt giá…


Related news

Làm Giàu Từ Cây Nhãn Chín Muộn Làm Giàu Từ Cây Nhãn Chín Muộn

Với ưu điểm quả ngon, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên những năm gần đây, nhãn chín muộn đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn phường Phố Cò, T.X Sông Công (Thái Nguyên).

Tuesday. August 13th, 2013
Mô Hình “Bò Nuôi Rẽ” Giúp Nhau Phát Triển Kinh Tế Mô Hình “Bò Nuôi Rẽ” Giúp Nhau Phát Triển Kinh Tế

“Bò nuôi rẽ” là tên gọi do các gia đình tham gia mô hình đặt. Với mô hình này, người có bò sẽ cho người nghèo, người không có vốn sản xuất nhận nuôi. Sau khi bò mẹ đẻ bò con, người nhận nuôi được các chủ bò chia một nửa tổng giá trị.

Tuesday. August 13th, 2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường

Mấy năm trở lại đây, nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chuyển đổi diện tích vườn cây kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi,... Riêng ấp Phương Bình, xã Phương Phú, nông dân đã chuyển gần 200ha sang trồng quít đường, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Tuesday. August 13th, 2013
Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ

Các con vật lạ thường khó nuôi nhưng anh Mai Thế Hệ (ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) lại có đam mê tìm hướng làm ăn từ những vật khó nuôi đó và bước đầu anh đã đạt những kết quả khả quan.

Tuesday. August 13th, 2013
Nông Dân Cao Trung Kiên Khá Lên Nhờ Trồng Ổi Nông Dân Cao Trung Kiên Khá Lên Nhờ Trồng Ổi

Gần đây có nông dân đột phá với mô hình trồng ổi xốp Đài Loan cho năng suất và lợi nhuận cao, đó là anh Cao Trung Kiên (người bên trái) - ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.

Tuesday. August 13th, 2013