Bí Đỏ Bí Đầu Ra

Hiện người trồng bí ở các xã Ninh Thân, Ninh Xuân, Ninh Thượng…TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang khóc ròng vì bí đỏ đã quá thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn vắng bóng người mua...
Nông dân Võ Văn Cường, thôn Suối Méc, xã Ninh Thân (TX Ninh Hòa), một người trồng bí đỏ có thâm niên cho biết: Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên cây bí sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất tương đối ổn định, dao động từ 12-15 tấn/ha, tăng từ 2-3 tấn/ha so với năm ngoái.
Tuy nhiên, người trồng bí đỏ chưa kịp vui mừng thì giá bí ngay đầu vụ đã rớt thê thảm, chỉ còn 800-2.000đ/kg, giảm 3 lần so với năm ngoái. Dù giá thấp nhưng hiện hàng chục tấn bí đỏ nằm la liệt trên đồi Dốc Thị vẫn vắng bóng người mua, khiến nông dân khóc ròng.
Ông Cường còn cho biết, như gia đình ông với diện tích 2 ha trồng bí đỏ, ước tính năm nay sẽ thu hoạch được 25 tấn, tăng 2 tấn so với năm ngoái. Nhưng đến nay bí đỏ đã đến kỳ thu hoạch quá 1 tháng, nhưng ruộng bí vẫn chưa tiêu thụ được.
Vì vậy ông Cường lo lắng nếu trong vòng 7-10 ngày nữa vẫn không bán được thì số bí trên sẽ bị hư thối, chỉ còn cách đổ cho bò, cho heo ăn. Được biết, vụ bí đỏ năm ngoái với diện tích trên, gia đình ông Cường thu hoạch được 23 tấn, bán với giá 6.000đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng.
Còn gia đình anh Võ Duy Nghi, người cùng thôn, thở dài ngao ngán khi nhắc đến bí đỏ: “Vụ bí đỏ năm nay gia đình tôi đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng đầu tư trồng hơn 2 ha. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thu được đồng nào bởi bí bán chưa được. Còn nếu thu hoạch mang về nhà cũng chẳng bán được, nên vẫn để ngoài đồng”.
May mắn hơn gia đình ông Cường, anh Nghi, gia đình anh Lương Ngọc Diệp, thôn Tân Phong được thương lái quen thu mua 15 tấn bí, với giá 2.000đ/kg cách đây 2 tuần. Gặp chúng tôi, anh Diệp cho biết: “Nhiều năm trước, bí đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây nên diện tích ngày càng được mở rộng.
Nếu như năm ngoái loại bí vẫn được thương lái tấp nập đến tận nơi thu mua với giá 5.000-6.000đ/kg thì năm nay, ngay đầu vụ giá chỉ còn 800-2.000đ/kg (tùy loại). Gia đình nào nhanh tay bán còn thu được chút vốn, không thì mất trắng”.
Ông Nguyễn Văn Đến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thân cho biết: Vụ bí đỏ năm nay toàn xã trồng 71 ha, tăng khoảng 15 ha so với năm ngoái. Tuy nhiên do không có đầu ra nên hiện nay hàng ngàn tấn bí đã quá thời kỳ thu hoạch vẫn đang tồn đọng chờ thương lái. Vì thế đời sống của người trồng bí gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết người dân nơi đây đều mua nợ phân bón từ các đại lý và cam kết khi thu hoạch sẽ thanh toán.
Tương tự, tại xã Ninh Xuân, Ninh Thượng, hiện người trồng bí nơi đây cũng đang thấp thỏm chờ thương lái đến thu mua.
Ông Trương Văn Tiến, người ở xã Ninh Thân nhưng trồng bí ở xã Ninh Xuân cho biết: Gia đình trồng 3 ha bí đỏ, giống bí 2 mũi tên, có quả hình thuôn dài, sinh trưởng rất mạnh, khả năng kháng virus cao, thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày tính từ khi trồng đến khi thu hoạch, phẩm chất quả tốt (ngọt, bở) thịt quả có màu vàng cam, dày, trọng lượng từ 2-3kg, vỏ quả cứng màu vàng có phấn phủ, do vậy mà bảo quản, vận chuyển rất tốt. Nếu được giá như mọi năm, trung bình 1 ha gia đình anh thu hoạch lãi khoảng 25 triệu đồng, nhưng hiện nay coi như mất trắng, bởi hơn 1 tháng nay vẫn chưa tiêu thụ được.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/bi-do-bi-dau-ra-post135674.html
Related news

Cung cấp nước tưới giúp khai hoang, tăng diện tích sản xuất lúa 2 vụ; cung cấp gỗ để làm nhà; tăng thu nhập từ các sản phẩm lâm sản phụ. Và mới đây nhất là 42/42 hộ của bản Mới được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Sau 5 năm huyện Sơn Hà kiên trì triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Huyện Sơn Hà đang nỗ lực thực hiện những giải pháp mới nhằm đưa nghị quyết này vào cuộc sống.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đưa ra gói hỗ trợ vốn cho con tôm, thông qua việc gia tăng mức tín dụng để các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm trên diện tích 1.811 ha, đạt 73% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh và giảm 5,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nền nhiệt độ cao, nên đã xảy ra dịch bệnh tôm nuôi.

Đó là nội dung được nêu trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2014. Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp ới các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định trình ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.