Bàu Bàng (Bình Dương) tìm đầu ra cho ổi lê Đài Loan

Qua hơn 2 năm thực hiện dự án, diện tích trồng ổi tăng từ 5,3 ha lên 12 ha hiện nay, bước đầu đã đem lại hiệu quả, tạo thêm thu nhập cho các hộ tham gia dự án.
Ông Lê Hoàng Châu ở ấp 4, xã Trừ Văn Thố - hộ tham gia dự án cho biết, trong tổng diện tích hơn 10 ha trang trại của gia đình có 2 ha trồng ổi lê Đài Loan. Với sự giúp đỡ về kỹ thuật của TTƯDTBKH&CN, hiện nay năng suất vườn ổi của gia đình đạt hơn 40 tấn/ha, lúc mới triển khai chỉ đạt 4 tấn/ha. Đây là giống ổi có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian thu hoạch nhanh (từ 3,5 - 4 tháng) và cho ra trái quanh năm nên cho thu nhập thường xuyên.
Tuy vậy, tìm hiểu thực tế được biết, do đây là giống ổi mới nên thị trường tiêu thụ chưa nhiều, chủ yếu bán ở các chợ, ở lề đường, trước các nhà máy tại địa phương để bán cho công nhân lao động. Chỉ có một số hộ trồng ổi này tìm được thị trường tiêu thụ ở siêu thị nhưng mới dừng lại ở việc chào hàng, bán thử với số lượng không nhiều.
Theo ông Châu, giống ổi này mới nên tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn do thị trường đầu ra chưa có, nhiều người tiêu dùng chưa biết đến loại ổi này. Bên cạnh đó, ổi từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có giá bán thấp hơn nên nhiều người thích mua hơn. Thực tế, tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội “Bình Dương - 40 năm xây dựng và phát triển” vừa qua, ông có 2 đầu mối thu mua ổi lê Đài Loan qua giới thiệu của Sở KH&CN nhưng chỉ dừng ở việc bán thử, trưng bày với số lượng 50 - 150kg.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trồng trọt, ông Châu cho rằng thổ nhưỡng khu vực xã Trừ Văn Thố rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, quýt đường, chôm chôm...; riêng cây ổi lê Đài Loan cho trái lớn, độ dòn đều và ngọt thanh. Để phát triển cây ổi lê Đài Loan trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu ổi Trừ Văn Thố như măng cụt Lái Thiêu, bưởi Bạch Đằng thì sản phẩm ổi lê Đài Loan tại địa phương mới phát triển được, qua đó thị trường sẽ chấp nhận và tiêu thụ sản phẩm.
Còn các hộ trồng ổi lê Đài Loan khác ở xã Trừ Văn Thố cho rằng, hiện nay nông dân tiếp thu khoa học - kỹ thuật rất nhanh nên rất mong Sở KH&CN tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật, còn máy móc, thiết bị thì người dân đầu tư được. Qua đó, không chỉ xây dựng được thương hiệu ổi lê Đài Loan của địa phương mà các sản phẩm từ ổi lê sẽ mang thương hiệu của Bình Dương với chất lượng không thua kém các sản phẩm nhập khẩu.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, ổi lê Đài Loan có hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo, dùng để lấy ngắn nuôi dài trong khi chờ thu hoạch từ các loại cây dài ngày khác. Ông Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc phụ trách TTƯDTBKH&CN cho biết, để hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án, trung tâm đang tiến hành hỗ trợ các thủ tục pháp lý để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho ổi lê Đài Loan Trừ Văn Thố. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đang nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ tiên tiến hỗ trợ sản xuất các sản phẩm từ ổi.
Để khắc phục tình trạng được mùa mất giá, các hộ thuộc Tổ hợp tác ổi lê Đài Loan xã Trừ Văn Thố đã thử nghiệm sản xuất các sản phẩm từ trái ổi như nước ép ổi, rượu ổi, mứt ổi...; trong đó nước ép ổi được một số người tiêu dùng dùng thử đánh giá cao, chất lượng hơn nước ổi ép nhập khẩu từ Đài Loan. Tuy nhiên, do làm theo phương pháp thủ công nên chất lượng chưa cao, mùi ổi chín vẫn còn nặng, chưa đạt yêu cầu so với nước ổi nhập khẩu. Tổ hợp tác cũng đã kiến nghị Sở KH&CN hỗ trợ về kỹ thuật, giới thiệu thiết bị, máy móc sản xuất.
Related news

Là một trong những người đầu tiên đưa giống ổi Đài Loan về trồng trên địa bàn xã vào năm 2011. Anh Lê Văn Luông, ngụ ấp 2 – xã Vĩnh Xương cho biết: thấy nhiều hộ nông dân ở các xã lân cận trồng ổi cho thu nhập khá cao, nhận thấy đây là loại cây dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương mình, anh đã tìm mua 200 cây giống ổi Lê Đài Loan về trồng trên 3.000 m2 đất nhà.

Thực tế, từ trước Tết Nguyên đán, giá lúa đông xuân ở ĐBSCL có xu hướng giảm. Sau đó, đã tăng nhẹ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn. Trong những ngày qua, hệ thống thương lái đã triển khai mua lúa hàng hóa của nông dân khá đông ở các địa phương, như: Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Theo đó, giá lúa được thương lái mua tại ruộng dao động từ mức 4.200 - 4.600 đồng/kg (tùy theo loại), tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.

Đặc biệt với nghề khai thác cá ngừ, tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đã phát triển, trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu chính ở khu vực miền Trung và cả nước. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến liên hệ và đặt vấn đề liên kết để khai thác, chế biến cá ngừ xuất khẩu với quy mô lớn.

Theo người dân nuôi nghêu ở xã Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), hiện tượng nghêu chết ở vùng này bắt đầu xuất hiện từ ngày 19-2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán), mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm để cứu nghêu, nhưng không có hiệu quả.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong tháng 2 năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 381 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ, đưa tổng sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 793.000 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác là 436.000 tấn, tăng 4,1%, nuôi trồng 331.000 tấn, tăng 2,3%.