Xúc Tiến Thương Mại Quốc Gia Ngành Nông Lâm Thuỷ Sản Một Năm Nhìn Lại
Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Agritrade, Bộ NN- PTNT) luôn coi sự tồn tại phát triển của các DN như sự tồn tại, phát triển của đơn vị mình.
Những năm gần đây, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) hằng năm đều giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Agritrade, Bộ NN- PTNT) làm đầu mối thực hiện từ 1 – 2 chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia thuộc lĩnh vực nông lâm thuỷ sản ở nước ngoài, như Hội chợ thực phẩm, đồ uống tại các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Đức, Pháp...
Năm 2014, Trung tâm được giao 2 chương trình tham gia Hội chợ Foodex Nhật Bản (tháng 3) cho 14 DN và Hội chợ SIAL Pháp (tháng 10) cho 16 DN. Hầu hết các DN tham gia gian hàng tại các chương trình trên đều đánh giá cao công tác tổ chức tương đối chuyên nghiệp của Trung tâm.
Từ việc chọn được vị trí đẹp trong khu Hội chợ Quốc tế, khu gian hàng được dàn dựng ngày càng tốt hơn, góp phần thu hút khách tham quan, giao dịch; các gian hàng đều trưng bày kết hợp thử nếm tại chỗ được khách hàng đánh giá cao với các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hạt điều, chè, thuỷ sản, bánh phồng tôm, bánh hỏi, rau quả tươi và đóng hộp...
Năm 2014, mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chậm, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng XK nông lâm thuỷ sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, luỹ kế 10 tháng đầu năm kim ngạch XK đạt 25,95 tỷ USD, tăng 13,2%, thặng dư thương mại đạt gần 7,95 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Đạt được thành tích trên có sự đóng góp đáng kể của các DN đã tham gia chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức, như Cty CP Long Sơn, Cty TNHH Thuận Phong, Cty CP Thực phẩm Miền Tây, Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao, Cty CP Sa Giang, Cty CP Thực phẩm Bích Chi, Cty CP Thực phẩm Nghệ An, Cty CP Thực phẩm G.O.C...
Những năm gần đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp thường xuyên giữ liên lạc với các đơn vị đã tham gia các chương trình để tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của họ, từ đó lựa chọn địa điểm, thời gian, quy mô, tính chất của các hội chợ cho phù hợp với nhu cầu XK, mở rộng thị trường cũng như lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Trung tâm luôn coi sự tồn tại phát triển của các DN như sự tồn tại, phát triển của đơn vị mình. Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ DN kể cả việc giao dịch với khách hàng, trước, trong và sau hội chợ. Chính vì vậy Trung tâm ngày càng được nhiều DN tin tưởng, hợp tác, đăng ký tham gia các chương trình do Trung tâm đứng ra tổ chức đúng như câu slogan “Đồng hành cùng phát triển”.
Các chương trình XTTM của Trung tâm đều phối hợp tốt với Đại sứ quán và bộ phận Thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại để được tư vấn giúp đỡ trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện và cả sau khi đã kết thúc chương trình.
Các DN cũng được tư vấn về mẫu mã sản phẩm, phương thức giao nhân hàng, thanh toán để tránh rủi ro trong quá trình XK hàng hoá, cũng như tìm kiếm các DN nước ngoài có nhu cầu NK đến giao dịch tại khu gian hàng Việt Nam.
Hy vọng Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia tại các thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Nga, Brazil, Trung Đông… trong năm 2015 và các năm tiếp theo thành công, tạo điều kiện để nông lâm thuỷ sản Việt Nam ngày càng vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
Một nội dung khác mà Trung tâm cũng đã thực hiện khá tốt trong thời gian gần đây là làm trung gian liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ giữa DN với các địa phương. Trung tâm đã tổ chức đoàn quan chức và DN thành phố Asakikawa, tỉnh Hokaido, Nhật Bản gặp gỡ với các địa phương, DN của tỉnh Ninh Bình,Tuyên Quang, Lạng Sơn ... để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể kết nối tỉnh Irabaki với tỉnh Hưng Yên để tìm mua chuối, gừng, nghệ XK sang Nhật Bản; với Tuyên Quang và Hà Giang để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ XK của Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao.
Đến nay riêng hai tỉnh này đã xây dựng vùng nguyên liệu ngô ngọt, lạc tiên, đậu rau, gấc khoảng 300 ha, Hà Giang hơn 200 ha, Tuyên Quang 80 ha. Cty G.O.C Bắc Giang cũng xây dựng được vùng nguyên liệu tại Lạng Sơn gần 200 ha. Theo ông Lê Tiến Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT Tỉnh Tuyên Quang, nhờ chương trình này thu nhập của bà con nông dân tăng gấp 3 lần so với sản xuất thông thường.
Đi liền với các Hội chợ Quốc tế, các DN cũng rất chú trọng thị trường trong nước, thông qua việc nhiều lần gửi hàng mẫu và catolouge cho Trung tâm trưng bày tại các hội trong nước như Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc, Lạng Sơn 2014, Hội chợ hạt gạo thơm, thuỷ sản sạch, trái cây ngon, Thương mại và Du lịch ĐBSCL, Sóc Trăng 2014 và hiện nay đang tham gia Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2014, do Trung tâm tổ chức tại Hà Nội.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, nhất là sau khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hồi tháng 6/2014 về tình hình XK nông lâm thuỷ sản, hai Bộ trưởng đã nhất trí tăng số lượng cũng như quy mô của các chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia cho lĩnh vực nông lâm thuỷ sản.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134577/kinh-te/xuc-tien-thuong-mai-quoc-gia-nganh-nong-lam-thuy-san-mot-nam-nhin-lai.html
Related news
Chỉ mới vụ thu hoạch đầu tiên nhưng bắp (ngô) chuyển gen đã và đang mang lại niềm vui cho hàng ngàn hộ dân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân (ND) tỉnh Sóc Trăng đã có thêm 8 chi hội ND không còn hội viên nghèo, nâng tổng số chi hội không còn hộ hội viên nghèo lên 53. Có được kết quả này là nhờ các cấp Hội ND đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ hội viên, ND.
Sáng 7.10, tại Hà Nội, Ban tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”. Đây là năm thứ ba chương trình được tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam vào thị trường Singapore.