An Thịnh Giảm Nghèo Từ Cây Mía

Từ một thôn nghèo nhất xã, 3 năm trở lại đây, đời sống bà con thôn An Thịnh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đã có những thay đổi rõ rệt nhờ đẩy mạnh thâm canh cây mía, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao..
Thôn An Thịnh có 60 hộ gia đình, 328 nhân khẩu, 100% bà con là người dân tộc Tày. Do điều kiện về diện tích đất nông nghiệp ít, toàn thôn chỉ có 14 ha đất lúa, trong đó đất ruộng 2 vụ chỉ có 8,3 ha, nguồn nước lại không đảm bảo, nên bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, đời sống.
Cách đây 5 năm, An Thịnh được coi là một trong những thôn bản đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo 80%, cao nhất của xã Tân Thịnh. Nhưng nay, cùng với cây lúa, người dân trong thôn đã mạnh dạn đưa cây mía vào trồng trên toàn bộ diện tích đất màu đồi mà trước đây sản xuất kém hiệu quả với tổng diện tích trên 24 ha.
Nhờ cây mía mà nhiều hộ dân ở An Thịnh đã có nguồn thu nhập từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đặc biệt với hộ nghèo như gia đình anh Lý Văn Hợp, thì cây mía thực sự là cây xóa nghèo hiệu quả. Trước đây, với việc sản xuất 4.000 m2 ruộng lúa, trong đó có trên 2.000 m2 đất ruộng 1 vụ, mặc dù đã đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nhưng mỗi năm gia đình anh chị cũng chỉ đủ lương thực ăn trong năm.
Để có tiền cho con ăn học, anh chị phải bươn chải làm thuê, làm mướn bên ngoài. Vụ xuân năm 2010, thực hiện quy hoạch của huyện, xã đưa cây mía vào trồng trên đất soi bãi, màu đồi. Gia đình anh Hợp đã mạnh dạn đăng ký trồng trên 6.000 m2 đất bãi của gia đình.
Qua thu hoạch, ngay trong vụ đầu tiên trừ chi phí, gia đình anh Hợp đã thu lãi trên 40 triệu đồng. Năm 2011 gia đình anh mở rộng diện tích mía lên 8.000 m2, thu lãi hơn 60 triệu đồng. Nhờ có cây mía mà gia đình anh Hợp đã có nguồn thu nhập, có tích lũy để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm vật dụng và lo cho con cái ăn học. Năm 2012, gia đình anh Hợp đã mở rộng trồng mới được gần 3.000 m2 mía, nâng tổng diện tích mía của gia đình lên trên 1 ha hiện đang phát triển tốt.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hợp phấn khởi cho biết: “Phát triển cây mía nguyên liệu đúng là hướng thoát nghèo cho bà con An Thịnh. Mấy năm trước cứ đến mùa thu hoạch sắn, bà con phát khóc vì củ chỉ to hơn ngón chân cái, đất bãi mà trồng sắn lâu năm càng bạc màu. Đất này may mà hợp cây mía chứ không chẳng biết trồng gì cho hiệu quả”.
Đến An Thịnh thời điểm này, màu xanh của cây mía đã tràn từ đồi, bãi xống đồng ruộng. Tuy nhiên, để cây mía vào được đồng đất An Thịnh là kết quả vận động không mệt mỏi của cán bộ, đoàn thể thôn, trong đó cán bộ, đảng viên luôn là những người gương mẫu đi đầu thực hiện.
Bà Lý Thị Bào, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn An Thịnh cho biết, năm 2010, lần đầu tiên cây mía được đưa vào trồng trên đồng đất của An Thịnh chỉ với chưa đầy 10 ha, ngay vụ thu hoạch đầu tiên, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng. Vì vậy, sang vụ mía năm 2011 diện tích đã tăng lên 20 ha chủ yếu được trồng trên diện tích đất màu đồi sản xuất kém hiệu quả và một số diện tích đất ruộng 1 vụ.
Kết thúc vụ thu hoạch mía năm 2011, năng suất bình quân đạt từ 70 tấn/ha trở lên, đã khẳng định cây mía thực sự là cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân ở An Thịnh xóa được nghèo, phát triển kinh tế hộ. Hàng chục hộ nghèo như gia đình anh Lý Văn Hợp, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, ông Hà Cảnh Thường, ông Hà Đình Vũ… đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá trong thôn. Năm 2011, An Thịnh có trên 60% số hộ có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 8 hộ. Vụ mía năm 2012 An Thịnh có 24 ha mía, phấn đấu đến hết năm 2012, An Thịnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2 hộ.
Kinh tế phát triển, người dân ở An Thịnh có điều kiện tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động để thực hiện hoàn thiện trên 300 m2 đường bê tông nông thôn, tham gia xây dựng cầu tràn qua suối. Bộ mặt nông thôn ở An Thịnh đã có sự thay đổi rõ rệt, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để An Thịnh cùng với các thôn bản khác trên địa bàn xã Tân Thịnh tham gia tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Related news

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Kiên Giang để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Theo nhiều người dân, chưa có lúc nào các loại cá đồng ở Hậu Giang lại cao như thời điểm hiện nay. Cụ thể, giá cá lóc loại lớn lên đến 120.000 đồng/kg, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ; cá trê vàng từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg. Các loại cá khác, cua, ếch đều tăng cao so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý, mọi năm thường vào thời điểm này cá đồng được bày bán tại các chợ khá nhiều, nhưng năm nay nhiều điểm chợ không thấy bán cá đồng, hoặc có thì đa phần chỉ là cá nhỏ.

"Chỉ việc thả những chiếc bóng xuống lòng biển để dụ mực lá vào đẻ trứng, thế là có thu hoạch”, ngư dân Đặng Văn Tý - tổ dân phố Hòa Do 5B (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) chia sẻ về công việc bẫy mực, khiến chúng tôi không khỏi tò mò về cái nghề tưởng như làm chơi ăn thật này.
Với vị trí đầu nguồn, người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã biết khai thác nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tra, cá ba sa… Thời gian qua, yếu tố cung cầu của thị trường xuất khẩu bất lợi khiến giá các loại thủy sản này không còn sức hấp dẫn. Trước tình hình mới, anh Trương Văn Điền (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) quyết định tìm hướng đi riêng với mô hình nuôi cá lăng nha.

Sáng ngày 4/9, tại hộ anh Nguyễn Văn Thương, ấp 2 xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP HCM. Trung tâm Khuyến nông TP cùng Trạm khuyến nông Bình Chánh –Bình Tân thuộc Trung tâm Khuyến nông TP đã tổ chức buổi lượng giá "Mô hình nuôi cá chép Koi". Đến tham dự có ông Võ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm; đại diện các phòng ban Trung tâm, các cán bộ kỹ thuật của trạm, cùng đông đảo bà con mong muốn tham gia nuôi cá cảnh trên địa bàn.