Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đông trùng hạ thảo lên Tam Đảo

Đông trùng hạ thảo lên Tam Đảo
Publish date: Wednesday. September 30th, 2015

Sau gần một năm nghiên cứu thành công và đưa vào SX thử nghiệm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) tại Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật), nhiều quy trình kỹ thuật được Trung tâm tiếp tục nghiên cứu cải thiện. Trong khi đó, tín hiệu thị trường về sản phẩm này đang mở ra vô cùng sôi động.

Đột phá kỹ thuật SX

Cuối năm 2014, giới khoa học trong ngành nông nghiệp và y dược nhận tin vui khi Trung tâm Đấu tranh sinh học nghiên cứu thành công việc sản xuất ĐTHT. Tuy nhiên việc SX với số lượng lớn, nhất là trên ký chủ là nhộng tằm vẫn còn khó khăn.

Trước tình hình đó, gần một năm qua, nhóm nghiên cứu của Trung tâm do TS Phạm Văn Nhạ chủ trì đã tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật để SX được số lượng lớn, chất lượng cao loại dược thảo quý hiếm này.

Thay vì SX tại phòng thí nghiệm tại Hà Nội như trước đây, từ đầu tháng 8/2015, Trung tâm đã đưa vào vận hành cơ sở SX sản phẩm ĐTHT quy mô tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Theo TS Phạm Văn Nhạ, Tam Đảo là nơi rất lí tưởng, giúp cải thiện được rất nhiều điều kiện bất thuận, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bởi nơi đây độ ẩm luôn đạt trên 90%, nhiệt độ thường dưới 20 độ C, không khí rất trong lành do nằm trong Vườn quốc gia Tam Đảo. Tiêu chuẩn để SX ĐTHT là nhiệt độ phải dưới 20 độ C, độ ẩm trên 70%.

Trước đây khi còn SX tại Hà Nội, mặc dù phải sử dụng hệ thống điều hòa để duy trì nhiệt độ rất tốn kém, tuy nhiên vào mùa hè, để hạ được nhiệt độ từ 38 – 40 độ C xuống dưới 20 độ C thì đồng thời độ ẩm cũng bị tụt xuống rất thấp, dù phun sương thế nào cũng không khắc phục được.

Bên cạnh đó, yêu cầu không khí trước khi đưa vào buồng nuôi đều phải thông qua hệ thống xử lí tia cực tím để vô trùng, tuy nhiên không khí  tại Hà Nội tạp nhiễm rất cao nên xử lí mấy cũng vẫn lẫn tạp nhiễm, khiến chất lượng ĐTHT không cao, sinh trưởng kém…

Đối bộ giống nấm ĐTHT, đến nay Trung tâm đã NK được khá phong phú từ 5 nguồn khác ở 5 quốc gia, với 7 chủng giống bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, 2 chủng của Trung Quốc và một chủng của Nhật Bản.

Đây đều là các giống tốt nhất đang được SX tại các nước, mỗi nguồn giống đều có ưu điểm riêng. Ví dụ nguồn giống ĐTHT Trung Quốc có tốc độ sinh trưởng và khả năng cho sinh khối rất tốt, tuy nhiên chất lượng, hàm lượng các chất dinh dưỡng quan trọng lại không cao.

Trong khi đó, nguồn giống từ Mỹ và Hàn Quốc mặc dù sinh trưởng và cho sinh khối hạn chế, nhưng lại có hàm lượng hai chất Cordycepin và Adenosin rất cao (hai chất có ý nghĩa quan trọng trong phòng trị ung thư và y tế nói chung).

Vì vậy với mục tiêu lấy chất lượng làm quan trọng, Trung tâm đã lựa chọn hai chủng giống của Mỹ và Hàn Quốc là đối tượng SX chính.

Thành công lớn nhất của Trung tâm hiện nay, đó là đã nghiên cứu SX được sản phẩm ĐTHT trên ký chủ nhộng tằm với tỉ lệ thành công từ 72 – 75%, so với 7 – 8% ở giai đoạn ban đầu nghiên cứu.

Đây là sản phẩm độc đáo mà chưa đơn vị, DN nào tại Việt Nam SX được với số lượng, chất lượng đảm bảo do kỹ thuật hết sức phức tạp.

Theo TS Nhạ, hiện tại Việt Nam đã có khá nhiều đơn vị SX được ĐTHT, tuy nhiên đều chỉ dưới dạng SX trên giá thể là gạo lứt chứ không SX được trên ký chủ nhộng nguyên con.

TS Nhạ phân tích, về bản chất, ĐTHT là nấm ký sinh côn trùng nên chất lượng tốt nhất vẫn phải SX trên đối tượng ký sinh là nhộng côn trùng do sát hơn với bản chất tự nhiên.

Tuy nhiên, để SX được trên ký chủ nhộng tằm là không dễ, trong đó khó khăn lớn nhất là phải lây nhiễm nấm vào ký chủ nhộng khi nhộng còn sống.


Một cá thể ĐTHT ký sinh trên nhộng tằm

Muốn quả thể nấm sau này mọc dài, mọc dày đều trên thân nhộng đòi hỏi phải dày công nghiên cứu, khó nhất vẫn là xác định được các bào tử nấm có độc tính cao, có khả năng hình thành phức hệ en-zim có độc lực cao có thể làm chết được ký chủ nhộng, đồng thời phải xác định được giai đoạn mà nhộng tằm mẫn cảm nhất để lây nhiễm.

TS Nhạ tiết lộ thêm, để SX được ĐTHT có chất lượng, nguyên liệu nhộng tằm phải được đặt hàng ở các vùng SX nhộng có uy tín, chấp nhận giá cao. Theo đó, yêu cầu nông dân không được phun thuốc kích thích chín tằm. Bởi dư lượng thuốc kích thích chín tằm có thể hạn chế khả năng phát triển của nấm ĐTHT.

Điều này khác với việc SX ĐTHT trên giá thể gạo lứt, bởi chủng nấm nào cũng đều có thể dễ dàng phát triển.

“Hiện một số nơi cũng công bố SX được ĐTHT trên ký chủ nhộng tằm, tuy nhiên do không nghiên cứu tuyển chọn được bào tử nấm độc lực cao nên khi lây nhiễm trên nhộng tằm chỉ sinh ra được một quả thể dài 1 – 2 cm là cùng, mẫu mã rất xấu.

Đây là chủng loại sản phẩm chỉ thuộc diện phải loại bỏ khi SX ở Trung tâm mà thôi”, ông Nhạ cho biết.

Nhiều DN dược đặt hàng

Cùng với cải tiến kỹ thuật SX, nhiều tín hiệu vui về thị trường ĐTHT tại Việt Nam cũng đang mở ra triển vọng lớn cho sản phẩm dược liệu được mệnh danh “đắt hơn vàng” này.

TS Phạm Văn Nhạ cho biết, mặc dù cơ sở SX tại Tam Đảo hiện nay có thể SX được từ 200 – 250 kg ĐTHT/tháng so với quy mô 20 – 25 kg/tháng trước đây, tuy nhiên sản phẩm vẫn luôn “cháy hàng” do nhu cầu tăng liên tục.

Các cá nhân, đơn vị có nhu cầu cần tư vấn về sản phẩm, có thể trực tiếp liên hệ với TS Phạm Văn Nhạ, GĐ Trung tâm Đấu tranh sinh học, Viện BVTV (ĐT: 0982 248 922) để được giúp đỡ.

Khách hàng chính của Trung tâm hiện nay vẫn là các bệnh nhân điều trị ung thư tại các bệnh viện như Bệnh viện K, U bướu, Bạch Mai… được các bác sỹ khuyên dùng nên tự tìm mua.

Bên cạnh đó, hiện Trung tâm cũng được một Cty dược tại Hà Nội đặt hàng SX số lượng lớn để SX thuốc. Mới đây, một Cty dược của Nhật Bản cũng đã trực tiếp sang đàm phán về giá cả để đặt hàng làm nguyên liệu SX dược.

Theo như Cty Nhật Bản này tiết lộ, sản phẩm mà họ SX từ ĐTHT dạng viên nén (kèm tá dược) bán tại Nhật hiện tương đương khoảng 2,7 triệu đồng/hộp 60 viên, trong khi đó giá mua nguyên liệu để SX thấp hơn nhiều.

Mặc dù giá ĐTHT trên thị trường đang có xu hướng tăng, tuy nhiên để tạo điều kiện giúp khách hàng, nhất là các bệnh nhân ung thư tiếp cận với ĐTHT có chất lượng tốt nhất, hiện Trung tâm Đấu tranh sinh học chỉ duy trì giá bán sản phẩm ĐTHT thấp hơn từ 20 – 30% so với giá thị trường do các Cty dược cung ứng.


Related news

Thái Nguyên Xây Dựng Mô Hình Trồng Giảo Cổ Lam Thái Nguyên Xây Dựng Mô Hình Trồng Giảo Cổ Lam

Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh Thái Nguyên đang triển khai Dự án Xây dựng mô hình trồng Giảo cổ lam tại huyện Võ Nhai. Kinh phí hỗ trợ để thực hiện Dự án là trên 190 triệu đồng, được cấp từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Dự án sẽ kết thúc vào tháng 7-2016.

Thursday. September 4th, 2014
Thận Trọng Với Cây Bắp Biến Đổi Gen Thận Trọng Với Cây Bắp Biến Đổi Gen

Ngày 11-8-2014 vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức cho phép sử dụng bốn giống bắp biến đổi gen (BĐG) làm thức ăn cho người và cho động vật tại Việt Nam nhưng việc cho trồng hay không là quyết định cuối cùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thursday. September 4th, 2014
Mô Hình Rau Pó Xôi Tiền Tỷ Dưới Chân Núi LangBiang Mô Hình Rau Pó Xôi Tiền Tỷ Dưới Chân Núi LangBiang

Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, cây rau pó xôi đã phát triển tốt trong khu vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Thi ở xã Lát, Lạc Dương (Lâm Đồng). Với diện tích hơn 1ha trồng trong nhà kính, mô hình trồng rau pó xôi sạch này đã mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Thi tiền tỷ mỗi năm.

Wednesday. August 27th, 2014
Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh (Cao Bằng) Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh (Cao Bằng)

Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.

Wednesday. August 27th, 2014
Liên Kết Trồng Chuối Liên Kết Trồng Chuối

Hàng trăm hộ nông dân ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã tự nguyện liên kết với nhau mở rộng diện tích trồng chuối để hình thành vùng SX tập trung.

Thursday. September 4th, 2014