Để Hạt Lúa Giống Nảy Mầm Đều Hơn
ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân và đang chuẩn bị xuống giống vụ xuân hè. Ở những vùng có đê bao, chủ động bơm tưới nước thường làm 3 vụ/năm, vì thế lịch thời vụ rất khẩn trương. Thường là sau khi thu hoạch lúa đông xuân, đa số nông dân đốt đồng và dùng ngay lúa mới thu hoạch (vì vụ này ít người có hạt giống cũ) để làm giống sạ cho vụ mới, trong đó có nhiều người sạ chui (đốt đồng, không xới đất) nên từ khi thu hoạch đến khi xuống giống vụ mới chưa tới 10 ngày.
Đặc điểm của các giống lúa cao sản ngắn ngày thường có thời gian ngủ nghỉ sau khi thu hoạch, thời gian này kéo dài từ 15-20 ngày tùy từng giống. Nếu lúa giống gặt về trong khoảng thời gian này mà lấy làm giống sạ lại cho vụ xuân hè mà không xử lý thì tỷ lệ hạt giống nảy mầm sẽ không đều, hạt nảy trước, hạt nảy sau và tỷ lệ nảy mầm cũng rất thấp dẫn đến lượng hạt giống cần dùng nhiều, gây lãng phí và khó khăn cho việc xuống giống. Với những ruộng lúa sạ theo hàng mà hạt giống nảy mầm không đều thì có khi phải bỏ giống. Lượng giống bà con nông dân thường dùng từ 180-200 kg/ha. Hạt giống nảy mầm tốt thì lượng giống chỉ cần 150 kg/ha cũng cho mật số cây tương đương với lượng giống trên. Để giúp bà con nông dân có được tỷ lệ hạt giống nảy mầm cao, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm dùng acid nitric (HNO3) để xử lý hạt giống giúp hạt giống nảy mầm nhanh và đều. Cách làm như sau:
Hạt giống sau khi thu hoạch cần phơi khô, đãi sạch những hạt lững lép. Đem hạt giống đổ vào dụng cụ ngâm như lu, khạp, thùng mủ...Pha dung dịch acid: acid mua tại các đại lý vật tư nông nghiệp, chai được đóng sẵn là 100ml. Đong 100 lit nước sạch vào lu sành hoặc thùng mủ, sau đó đổ từ từ 100 ml dung dịch acid vào nước, khuấy đều rồi đổ vào lu chứa lúa (lượng nước này ngâm được 100 kg lúa giống) và ngâm từ 24-36 giờ. Sau đó vớt lúa ra, mang lúa ra sông hay ao hồ đãi sạch hết nước chua, đổ lúa lên tấm đệm và đem ủ kỹ bằng rơm khô, bao bố hoặc tấm đệm (nếu trời lạnh thì cần ủ thật kỹ bằng rơm khô). Ủ được 24 giờ, kiểm tra thấy đống lúa có nhiệt độ cao và lúa đã nứt nanh đều thì bỏ đồ che phủ ra và tưới đều cho lúa từ trên xuống dưới và ủ lại thêm 24 giờ nữa , lúa sẽ nảy mầm đều.
Cần chú ý khi xử lý lúa bằng acid:
- Thật cẩn thận khi thao tác, cần đeo găng tay không thấm nước và áo quần bảo hộ. Không để dung dịch acid vương vào người, quần áo.- Dụng cụ chứa bằng sành sứ, mủ. Không dùng dụng cụ bằng kim loại, acid sẽ ăn mòn và làm hư hỏng đồ dùng.
- Đổ từ từ acid vào nước chứ không đổ acid vào thùng trước rồi mới đổ nước sau.- Rửa sạch dụng cụ sau khi xử lý bằng nước sạch.
Related news
Bệnh lem lép hạt lúa hiện nay trở nên phổ biến trên ở các vùng trồng lúa ở nước ta, có xu hướng gia tăng về diện tích lẫn mức độ tác hại; mùa vụ nào chân ruộng nào cũng có bệnh, chưa có giống lúa nào chống chịu được bệnh. Lem lép hạt lúa là tên gọi để chỉ chung hiện tượng hạt lúa có vỏ trấu sậm màu biến đổi từ màu nâu đến đen; từ đen lốm đốm đến đen toàn bộ vỏ trấu...
Bệnh lúa von là loại bệnh do loài nấm Fusarium moniliforme Shel gây nên do nguyên nhân truyền nhiễm hoặc lây nhiễm. Nấm bệnh có thể phát triển ở điều kiện nhiệt độ từ 10-37oC (thích hợp nhất ở điều kiện 24-32oC), ẩm độ cao và ánh sáng yếu. Trên đồng ruộng, bào tử phân sinh có thể tồn tại và sống trong đất từ 4-6 tháng
Trứng hình bầu dục dẹt, mới đẻ có màu trắng, sau chuyển màu nâu, gần nở màu đen. Trứng đẻ thành ổ xếp dạng vảy cá ở mặt trên phiến lá hoặc bẹ lá (trên bẹ lá chiếm 80%). Sâu non đẫy sức có màu nâu nhạt, trên thân có 5 vạch dọc màu nâu xẫm. màu trắng sữa, đầu màu nâu vàng. Móc bàn chân bụng có 51-56 cái xếp thành hình tròn
Đất phèn, đất chua phèn hay đất chua là các thuật ngữ khác nhau để chỉ loại đất có độ pH thấp, thường là từ 5,5 trở xuống. Có khi pH chỉ còn 3 hoặc 2. Thủ phạm chủ yếu trong đất phèn là nhôm (Al) và Sắt (Fe).
Làm sạch hạt lúa trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt trong nước muối 15% trong thời gian 5-10 phút, loại bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp. Trước khi gieo sạ 6 giờ, không nên tưới nước cho hạt giống để dễ gieo sạ