Ða canh trên đất cà chua
Một lứa cà chua, nhiều lứa rau
Một ngày trời mưa, bên một cung đường bê tông nông thôn mới xã Ka Đô, Đơn Dương, tôi được anh Trịnh Văn Tùng dẫn lội bộ vào những thửa vườn cà chua mới sinh trưởng khoảng 2 tuần tuổi. Ước chiều cao cây cà chua đã vươn lên hơn nửa mét, nhưng dưới gốc đã trồng xen cây su su xanh non nụ chồi. Cà chua và su su cùng tỏa rễ dưới lớp màng phủ ni lông, thân và cành leo bò lên những nhánh tre cắm sâu vào đất. Mái lợp bên trên là những đường dây thép dọc ngang, giăng mắc cả không gian của thửa vườn.
Anh Tùng giới thiệu: “Đây là thửa vườn cà chua 1ha của hộ gia đình chúng tôi đã sản xuất hơn 10 năm theo 2 hình thức luân canh với các loại rau và xen canh với cây su su hàng năm…”. Theo đó, cứ chu kỳ 1 năm trên một đơn vị diện tích đất, hộ gia đình anh Tùng sản xuất theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 kéo dài trong 3 tháng trồng và thu hoạch luân canh với nhiều loại rau xanh ngắn ngày khác nhau. Giai đoạn 2 kéo dài trong 9 tháng trồng và thu hoạch cà chua với su su xen canh, trong đó, thời vụ cà chua kết thúc trong 4 tháng đầu và thời vụ su su kết thúc trong 5 tháng sau. “Với giá cả thị trường ổn định trong một năm vừa qua, hộ gia đình chúng tôi sản xuất đa canh với cà chua đã thu về thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha, cao hơn 100 triệu đồng/ha trồng thuần cà chua…” - anh Tùng hạch toán.
Nói về kinh nghiệm trồng xen canh su su với cây cà chua, anh Tùng cho biết, quy cách trồng cây cách cây 5m, cứ 5 hàng cà chua trồng xen thành một hàng su su; việc tưới nước, bón phân và phòng trừ sâu bệnh theo một chế độ thông thường như trồng cà chua thuần, nghĩa là cây su su được “thụ hưởng” toàn bộ dinh dưỡng và quy trình chăm sóc chung với cây cà chua.
Cà chua không ế thừa
Cũng theo anh Tùng, lợi thế trồng đa canh trên một diện tích là nếu gặp thời điểm sản phẩm cà chua xuống giá thấp thì sản phẩm các cây trồng khác thường được giá để bù lại. Vì sản phẩm cà chua của hộ gia đình anh Tùng và những hộ cùng liên kết sản xuất, thu hoạch đều đặn với sản lượng đã tính toán, cân đối trước với đối tác, nên dù có nhiều ngày, nhiều tuần giá thị trường giảm “bắt đáy” vẫn tiêu thụ hết hàng, không có cảnh ế thừa, đổ bỏ. Đến nay, hộ gia đình anh Tùng đang ổn định 4ha cà chua sản xuất quay vòng xen canh với su su và luân canh với các loại cây rau khác.
Trong một quy trình khép kín từ sản xuất đến thu hoạch và tiêu thụ, anh Tùng đã xây dựng 1ha vườn ươm nhà kính công nghệ cao, sản xuất nhiều loại giống cà chua ghép cao sản và nhiều loại giống rau đặc trưng của Lâm Đồng để tự cung cấp cho hộ gia đình mình và cho cả trăm hộ nông dân trên địa bàn. Theo nhu cầu đặt hàng của nông dân trong và ngoài địa phương, vườn ươm của hộ gia đình anh Tùng chia ra nhiều khu vực sản xuất, gieo ươm hạt trên khay giá thể, sau 40 ngày xuất vườn cây giống cà chua và sau 25 ngày xuất vườn cây giống rau các loại, sau đó vận chuyển đến tận thửa vườn gieo trồng.
Bên cạnh đó, hộ anh Tùng còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên bán trả chậm cùng với cây giống cà chua và rau các loại cho những hộ nông dân liên kết, đến mùa thu hoạch thanh toán tiền một lần. Đặc biệt, đối với tất cả những hộ nông dân sản xuất từ nguồn giống cà chua của mình, anh Tùng đều bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch.
Là một thương nhân cung ứng mặt hàng cà chua uy tín lâu năm tại xã Ka Đô, Đơn Dương, hộ anh Tùng đã xây dựng những mối gắn kết với những đối tác năng động trên thị trường tiêu thụ nông sản trong nước - từ miền Đông, miền Tây Nam Bộ ra đến miền Trung. Cứ bước vào năm kế hoạch mới, anh Tùng luôn dành nhiều thời gian khảo sát nhu cầu tiêu thụ cà chua qua từng đối tác, từng khu vực thị trường, từ đó làm cơ sở để tổ chức quy mô sản xuất thích hợp trong hộ gia đình mình và thích hợp với những hộ gia đình nông dân liên kết. Kết quả trong vài năm gần đây, những hộ canh tác đa canh với cà chua theo hợp đồng liên kết với hộ anh Tùng đều đạt lãi từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Đáng kể, hộ gia đình anh Tùng còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 50 - 60 lao động địa phương với mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng giá ngày công lao động hiện thời.
Related news

Sáng 17-9, tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa, Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mía năng suất và chất lượng cao cho nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.

Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.

Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang khẩn trương thu hoạch ngô, chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới thì người dân ở các xã: Niêm Tòng, Niêm Sơn, Khâu Vai mới bắt đầu tiến hành vun các diện tích ngô trồng lại.

Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.

Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.