Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trái Cây Việt Nam Vươn Ra Thế Giới

Trái Cây Việt Nam Vươn Ra Thế Giới
Publish date: Monday. December 29th, 2014

Sau nhiều năm liền chật vật đi tìm thị trường và luôn gặp khó khăn khi cạnh tranh với trái cây ngoại, nhưng đến nay nhiều loại sản phẩm trái cây của Việt Nam đã dần giành được chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp về kết quả xuất khẩu trái cây cả năm 2014 cho thấy các doanh nghiệp và nhà vườn đều thắng lớn. Tính đến ngày 26-12, xuất khẩu trái cây các loại đã đạt tổng kim ngạch là 1,477 tỷ USD (tăng hơn 37% so với năm 2013). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu rau, quả chỉ khoảng 521 triệu USD. Như vậy, năm 2014 chúng ta đã đạt xuất siêu rau, quả gần 1 tỷ USD.
Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường xuất khẩu rau, củ, trái cây của Việt Nam đã mở ra nhiều thuận lợi hơn trong năm 2014. Mới đây, bên cạnh mặt hàng thanh long, chôm chôm, Mỹ đã cho phép nhập khẩu thêm vải và nhãn từ Việt Nam.
Đây là cơ hội để các loại cây đặc sản của chúng ta tiến sâu hơn vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU. Bộ NN-PTNT cũng cho biết thêm, sau tín hiệu từ thanh long, nhãn và vải thì hiện các cơ quan chức năng của bộ đang đẩy mạnh đàm phán và xúc tiến thương mại để tiếp tục đưa các loại trái đặc sản khác như vú sữa, chôm chôm, xoài… thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Đài Loan...
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị phụ trách lĩnh vực kiểm dịch và xuất nhập khẩu nông sản của Bộ NN-PTNT cho rằng, bằng việc vươn rộng ra các thị trường khó tính sẽ giúp tăng thêm giá trị cho trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng thừa nhận hiện nay hoạt động xuất khẩu rau, củ, trái cây của Việt Nam vẫn chỉ chủ yếu dựa vào thị trường chính là Trung Quốc.
Theo bảng tổng hợp so sánh do Hiệp hội Rau quả Việt Nam cung cấp, trong năm 2014, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm số 1 trong tốp 10 nước nhập nhiều trái cây Việt Nam và bỏ rất xa các nước còn lại về sản lượng nhập. Trong 11 tháng của năm 2014, chúng ta đã xuất hơn 358 triệu USD rau quả sang Trung Quốc và tăng hơn 34% so với năm trước.
Theo nhiều chuyên gia, việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ luôn tiềm ẩn những rủi ro như bị ép cấp ép giá, được mùa mất giá và các chiêu trò khác của tư thương Trung Quốc như chúng ta đã chứng kiến. Lý giải về câu chuyện này, PGS-TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, thị trường Trung Quốc khá dễ tính nhưng giá trị hàng xuất khẩu không cao và trong nhiều năm gần đây, liên tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa trái cây lên cửa khẩu biên giới phía Bắc bị ùn ứ, ùn tắc mà chỉ cần bị tư thương nước nhập khẩu làm khó là cả lô trái cây bị hỏng, phải đổ bỏ ngay. Nếu chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc sẽ rất nguy hiểm.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cũng đồng quan điểm và cho biết thêm, Bộ NN-PTNT đã có chính sách, chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trái cây - nông sản theo hướng đa dạng thị trường, nâng cao giá trị và sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo có nông sản sạch. Bộ NN-PTNT cũng đang có chính sách thu hút các doanh nghiệp và tập đoàn đầu tư công nghệ vào nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu các trái cây đặc sản.
Để nhãn, vải, thanh long và các đặc sản khác của Việt Nam có thể vươn rộng ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU… Bộ NN-PTNT cho biết sẽ tổ chức quy hoạch trái cây thành vùng chuyên canh lớn, cấp mã số vùng trồng cho các khu vực trái cây xuất khẩu để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và có biện pháp để khắc phục theo đúng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản trong việc đưa công nghệ sau thu hoạch tiên tiến vào bảo quản trái cây, để trái cây có thể để được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng và phổ biến việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào nông sản nhằm nâng chất lượng an toàn thực phẩm cũng như uy tín, thương hiệu cho nông sản - trái cây Việt Nam.


Related news

Nuôi Tôm Trước Nguy Cơ Dịch Bệnh Nuôi Tôm Trước Nguy Cơ Dịch Bệnh

Những tháng đầu năm 2011, người nuôi tôm Cà Mau rất phấn khởi, có thời điểm giá tôm nguyên liệu tăng lên đỉnh điểm, cao nhất từ trước đến nay

Friday. August 12th, 2011
Hiệu Quả Mô Hình Phát Triển Chè Shan, Bò H’ Mông Hiệu Quả Mô Hình Phát Triển Chè Shan, Bò H’ Mông

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tổ chức Hội thảo "Sự tham gia của dân tộc thiểu số trong chuỗi giá trị chè Shan ở Hà Giang".

Friday. May 11th, 2012
Cơ Hội Mới Cho Người Trồng Nấm Ở Thừa Thiên Huế Cơ Hội Mới Cho Người Trồng Nấm Ở Thừa Thiên Huế

Sau thành công mô hình chế biến rơm rạ, rác thải thành phân bón hữu cơ ở nhiều nơi, gần đây, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN, (gọi tắt là trung tâm) lại mở ra thêm cơ hội mới cho người sản xuất, kinh doanh nấm trên địa bàn.

Saturday. May 19th, 2012
'Ông Lớn' Cà Phê Buôn Ma Thuột Nợ Khó Trả Hàng Nghìn Tỷ 'Ông Lớn' Cà Phê Buôn Ma Thuột Nợ Khó Trả Hàng Nghìn Tỷ

Từng được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột đang lâm cảnh "muốn chết cũng khó" vì nợ khó trả gần 2.000 tỷ đồng.

Tuesday. March 27th, 2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình V.A.C Hiệu Quả Từ Mô Hình V.A.C

Mô hình V.A.C là một trong những mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả tại Nông trường Sông Hậu trong nhiều năm trước đây. Đến năm 2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thới Hưng tiếp tục kế thừa và nâng chất, mở rộng trong hội viên Hội LHPN xã

Saturday. April 16th, 2011