Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản Thanh Long Uông Bí (Quảng Ninh)

Cây thanh long vốn đã được người dân Uông Bí trồng từ lâu. Trong đó, người đầu tiên đưa cây thanh long vào trồng ở TP Uông Bí là ông Tô Văn Toạ, khu 5, phường Quang Trung. Năm 2006, ông đưa giống thanh long từ miền Nam về trồng với 1.100 gốc trên diện tích 1ha.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ dân tại các xã, phường như: Quang Trung, Phương Đông, Bắc Sơn, Thượng Yên Công đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để trồng cây thanh long. Gia đình ông Đoàn Quang Ngọc, ở khu Tân Lập, phường Phương Đông, TP Uông Bí là một trong số đó. Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long của gia đình, ông Ngọc cho biết vừa đầu tư trang trại chăn nuôi lợn rừng, kết hợp trồng 3.000 gốc thanh long ruột đỏ. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng từ cây thanh long.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Uông Bí cho biết, phát triển cây thanh long được thành phố xác định là hướng ưu tiên. Thành phố đã xây dựng Đề án Phát triển và nhân rộng diện tích thanh long, giai đoạn 2012-2015 với diện tích khoảng 60ha. Theo đó, Uông Bí sẽ quy hoạch và phát triển cây thanh long thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung tại các xã, phường: Quang Trung, Phương Đông, Bắc Sơn, Thượng Yên Công, Thanh Sơn, Vàng Danh.
Nhằm triển khai và thực hiện đạt hiệu quả Đề án trên, TP Uông Bí đặt ra mục tiêu đối với sản phẩm thanh long là cần tập hợp, huy động sức mạnh tập trung của bà con, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm có tính cạnh tranh thương mại cao.
Đồng thời, xây dựng và phát triển giá trị thương hiệu thanh long Uông Bí, trong đó lồng ghép việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu để góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng doanh thu cho người dân. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai dự án Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Thanh long Uông Bí là nhiệm vụ hết sức cần thiết.
Để xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Thanh long Uông Bí, địa phương đã phối hợp với Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt (Hà Nội) để thực hiện với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng. Thực hiện dự án này, năm 2013, thành phố đã xây dựng mô hình trồng 1,5ha tại phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công. Mô hình thanh long hiện đã cho sản phẩm đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận.
Hiện nay, diện tích trồng thanh long toàn thành phố đạt 40,5ha, kế hoạch năm tới sẽ trồng thêm 5,5ha nữa, phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng diện tích này lên 100ha. Từ đầu năm 2014 đến nay, địa phương đã thu hoạch được 70 tấn quả thanh long, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg. Ước tính, sản lượng thanh long toàn thành phố cả năm đạt 200 tấn, doanh thu đạt 8 tỷ đồng.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, dự án xây dựng nhãn hiệu Thanh long Uông Bí đã hoàn thành và được nghiệm thu thông qua cấp cơ sở. Thời gian tới, UBND TP Uông Bí sẽ tích cực phối hợp với Sở KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ nhanh chóng nghiệm thu dự án cấp tỉnh và sớm đưa sản phẩm thanh long được cấp nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu Thanh long Uông Bí ra thị trường.
Nguồn bài viết: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201411/xay-dung-thuong-hieu-nong-san-thanh-long-uong-bi-2249629/
Related news
Lợi dụng việc nhiều nhà vườn đang săn tìm nhãn tím giống về trồng, nhiều thương lái mua cành chiết rồi bán lại với giá trên trời.

Đây là loài ăn trái thuộc cây bản địa, thường xuất hiện ở núi Cấm, Cô Tô, núi Dài lớn… dưới dạng trồng xen với tán rừng, không có vườn chuyên canh. Tuy vậy, cây bơ vẫn được xem là đặc sản vùng Bảy Núi, do hương vị thơm ngon và chất lượng trái có thể sánh với bơ miền Đông và Tây Nguyên.

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Bến Lức đã chọn cây chanh làm cây trồng chủ lực. Huyện Bến Lức hiện có khoảng trên 4.000 ha diện tích trồng chanh, tăng gần 600 ha so với năm 2014, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, Lương Hòa, Lương Bình…

Bình Định có khoảng 1.700 ha xoài, trong đó 1.500 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng hàng năm đạt hơn 5.500 tấn.

Hiện nay, một số chủ vườn ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đã bắt đầu thu hoạch nhãn chín sớm. Tuy diện tích, sản lượng không lớn nhưng bán được giá cao.