Vườn Tiêu Xanh Lại Trên Đất Tân Hội (Lâm Đồng)
Cây hồ tiêu đã có mặt ở xã Tân Hội, Đức Trọng (Lâm Đồng) hơn 20 năm nay nhưng do giá cả bấp bênh, năng suất, hiệu quả thấp nên cây tiêu ở đây không phát triển được. Đã có lúc người dân phá bỏ cây tiêu để chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện nay, tiêu được giá, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân Tân Hội quay lại đầu tư phát triển vườn tiêu. Những vườn tiêu đang xanh lại trên đất Tân Hội và mở ra triển vọng mới cho người nông dân nơi đây.
“Ông trùm” trồng tiêu ở xã nông thôn mới
Đến xã nông thôn mới Tân Hội hỏi nhà ông Nguyễn Điền trồng tiêu ở thôn Tân Đà không ai không biết. Bởi gia đình ông là một trong những hộ có vườn tiêu lớn nhất trong xã và là nơi cung cấp giống, trụ tiêu, dịch vụ trồng tiêu cho người dân nơi đây. Cũng chính vì vậy mà ông Nguyễn Điền được người dân phong cho biệt danh là “ông trùm” trồng tiêu ở xã nông thôn mới Tân Hội.
Hiện nay, trên khu vườn diện tích hơn 1,3ha của gia đình ông Nguyễn Điền là những trụ tiêu xanh mướt. Trong đó, có 0,8ha đang trĩu cành chờ tới vụ thu hoạch và có hơn 0,5ha mới trồng đang phát triển tốt. Ông Nguyễn Điền cho biết, vụ vừa qua, gia đình ông có 0,5ha tiêu cho thu hoạch được gần 4 tấn tiêu khô, bán với giá trung bình 160 ngàn đồng/kg, mang về cho ông thu nhập hơn 600 triệu đồng.
Năm nay, với 0,8ha cho thu hoạch, ước tính gia đình ông sẽ thu được hơn 6 tấn hạt tiêu khô. Nếu như với giá bán hiện tại là 190 - 230 ngàn đồng/1kg thì gia đình ông sẽ thu được hơn 1 tỷ đồng. Nhìn những trụ tiêu sum suê trĩu hạt, ông Nguyễn Điền không giấu nổi niềm vui và hi vọng một vụ tiêu bội thu.
Ông chia sẻ: “Nhờ chăm sóc tốt nên vườn tiêu gia đình tôi đạt năng suất cao. Bình quân mỗi gốc cho hơn 5kg hạt tiêu khô. Đặc biệt, có những gốc cho đến 20kg. Về năng suất, chất lượng thì không lo, tôi chỉ quan tâm làm sao giá cả ổn định thôi. Nếu được giá như thời điểm hiện tại thì thu nhập tiền tỷ từ vườn tiêu nhà tôi là chuyện trong tầm tay”.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng tiêu nên ông Nguyễn Điền hiểu rất rõ về đặc tính của cây tiêu cũng như quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Hiện nay, ông Nguyễn Điền đang cung cấp giống tiêu, trụ tiêu và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu để người dân địa phương cùng phát triển vườn tiêu. Thời gian qua, gia đình ông đã cung cấp hàng chục ngàn gốc tiêu giống và hàng trăm trụ tiêu bê tông cho người dân trong xã cũng như các khu vực lân cận. Giá tiêu giống hiện tại gia đình ông Nguyễn Điền bán cho người dân là 20 ngàn đồng/gốc, còn giá trụ tiêu đúc bằng bê tông là 200 ngàn đồng/trụ.
Theo những người dân trồng tiêu tại địa phương thì giá tiêu giống của ông Nguyễn Điền tuy hơi cao nhưng vẫn được người dân lựa chọn vì đảm bảo chất lượng. Hiện tại, ông Nguyễn Điền còn nhận hợp đồng trồng tiêu trọn gói cho người dân trong khu vực.
Khi ai có nhu cầu đầu tư trồng tiêu thì lão nông Nguyễn Điền sẽ đến tận nơi, xem xét và tư vấn cho người dân, hợp đồng trồng “từ A tới Z” với giá 45 triệu đồng/sào. Với dịch vụ trồng tiêu của mình, ông Nguyễn Điền đang tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương để chiết giống, đổ trụ, trồng tiêu…
Phát triển diện tích trồng tiêu
Nếu như trước đây diện tích vườn tiêu của toàn xã Tân Hội mới chỉ hơn 15ha thì hiện nay đã có hơn 50ha. Chỉ tính riêng đầu năm 2014 đến nay, toàn xã đã phát triển mới được hơn 20ha diện tích trồng tiêu. Điểm mới là người dân Tân Hội hiện không chỉ trồng đơn canh cây tiêu mà trồng xen giữa vườn cà phê và một số loại cây trồng khác.
Theo những người dân nơi đây thì trồng xen tiêu giữa vườn cà phê có rất nhiều lợi thế vì cây cà phê che bóng, chắn gió cho cây tiêu. Mặt khác, khi trồng tiêu giữa vườn cà phê vừa không ảnh hưởng đến năng suất của cà phê lại vừa đỡ tốn công chăm sóc, làm cỏ, cào bồn. Ngoài trồng xen giữa vườn cà phê thì người dân Tân Hội cũng trồng tiêu xen với một số cây trồng khác như, khoai môn, đậu, sắn… để lấy ngắn nuôi dài. Trong ba năm đầu mới trồng, cây tiêu chưa có thu hoạch thì nông dân đã có thu nhập từ các cây trồng xen ngắn ngày.
Hiện nay, giống tiêu mà người nông dân Tân Hội đang lựa chọn áp dụng là giống tiêu Vĩnh Linh. Theo họ, giống tiêu này rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên ít bị sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Nếu như trước đây người trồng tiêu chủ yếu sử dụng trụ gỗ hoặc xây trụ gạch thì hiện nay người dân Tân Hội đa số sử dụng trụ bê tông. Ưu điểm của trụ bê tông là vững chắc vĩnh cửu, không bị lung lay khi gió, không tốn diện tích như xây gạch nên có thể trồng với mật độ dày hơn.
Nói về hiệu quả của vườn tiêu, người dân Tân Hội cho biết, cùng trên một đơn vị diện tích thì cây tiêu cho thu nhập gấp 5 lần cây cà phê. Trong khi đó trồng tiêu, chi phí lại thấp chỉ đầu tư ban đầu là lớn còn sau đó thì công chăm sóc, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tốn bằng cây cà phê. Vì vậy, trong thời gian tới, dự kiến diện tích trồng tiêu tại xã Tân Hội sẽ tiếp tục tăng.
Ông Hoàng Thế Anh - Chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết: “Hiện nay, tiêu được giá nên nhiều hộ dân ở địa phương chúng tôi đang đầu tư chuyển đổi một số diện tích cây trồng khác sang cây tiêu. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên chuyển đổi từng bước và trồng tiêu xen giữa vườn cà phê để nâng cao thu nhập”.
Như vậy, diện tích vườn tiêu đang phát triển mạnh trên đất Tân Hội mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thế nhưng chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành liên quan cần xem xét, có quy hoạch hợp lý, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ người dân phát triển bền vững cây hồ tiêu để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Người dân cũng không nên phát triển vườn tiêu một cách tự phát, ồ ạt phá bỏ các cây trồng khác chuyển sang trồng tiêu để rồi khi tiêu rớt giá lại thất bát trắng tay.
Related news
Huyện Châu Thành từ lâu được biết đến là vùng chuyên canh bưởi Năm Roi đặc sản của Hậu Giang. Nhờ cây bưởi mà nhiều hộ nông dân thoát nghèo làm giàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá bưởi bấp bênh, sâu bệnh hoành hành chưa có thuốc đặc trị, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và thu nhập của bà con nông dân
Tuy bị thương mất đi một phần thân thể nhưng với nghị lực của người lính cụ hồ "tàn nhưng không phế", từ hai bàn tay trắng, chỉ sống vào đồng lương ít ỏi, anh đã vượt lên chính mình để vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi lươn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu xuất hiện loài cá đầu sấu (hay còn gọi là cá sấu hỏa tiển, cá Phúc Lộc Thọ...). Loài cá này do các cơ sở bán cá cảnh đưa ra bán cho những người chơi cá cảnh, con nhỏ nhất giá từ 160 - 200 ngàn đồng/con, loại 400gr - 1kg có giá từ 500 - 800 ngàn đồng/con.
Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.
Ông Trần Văn Vinh, một trong những người gắn bó với nghề nuôi nghêu ở biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông - Tiền Giang) tâm tư: Có lẽ trong lịch sử mấy chục năm nuôi nghêu, năm nay nghêu chết nặng nhất và thiệt hại của địa phương cũng nhiều nhất.