Lo Trung Quốc ngừng mua nhưng vẫn phải trồng
Mùa mận năm nay, bà con nông dân ở xứ cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) rất phấn khởi vì được mùa, lại trúng giá cao. Trong số hơn 400ha diện tích trồng mận của bà con nông dân, chỉ tính riêng vụ vừa rồi, tổng số tiền thu về cũng lên đến hàng chục tỉ đồng.
Nông dân Nguyễn Trí Bảy (50 tuổi, ngụ khu vực Thuận Hưng) được nhiều bà con trồng mận ở cù lao này trầm trồ khen ngợi khi chỉ trồng 1,5 công mận An Phước nhưng cho năng suất bình quân 6 – 7 tấn/công. Với giá bán 11.000 – 12.000 đồng/kg (loại 1) và 4.000 – 6.000 đồng/1 kg (loại 2, 3), gia đình ông Bảy lãi hơn 120 triệu đồng. “Gia đình tôi trồng mận quanh năm nhưng chưa có vụ nào trúng mùa, được giá như năm nay” – ông Bảy vui mừng.
Cùng niềm vui trúng mùa, được giá cao như gia đình ông Bảy, ông Nguyễn Văn Hóa (37 tuổi), nông dân cùng khu vực, trồng 3 công mận. Với giá tiêu thụ cao như thời gian gần đây, ông Hóa mua sắm xe tay ga, xây nhà cửa khang trang.
Mận An Phước rất sai trái và ngọt
Tương tự, lão nông Nguyễn Văn Nữa (76 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh, phường Tân Lộc) cho biết nhà ông có 3 công đất trước đây trồng lúa thu nhập thấp. Sau khi chuyển sang trồng mận được 8 năm nay, kinh tế gia đình trở nên khá giả hơn, nhà cửa khang trang hơn trước.
Ông Nữa cho biết: “Trồng mận rất dễ chăm sóc, vốn đầu tư cho cây giống chỉ một lần, mỗi khi đến mùa mận đầu tư thêm phân bón, thuốc và giàn lưới phủ chống côn trùng mất khoảng 60 triệu đồng. Mỗi vụ mùa thu hoạch được 3 đợt, năng suất đạt từ 12 - 25 tấn. Sau khi thu hoạch, thương lái đến thu mua tại vườn để xuất đi Trung Quốc với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận còn lại khoảng hơn 100 triệu đồng/vụ”.
Trồng mận An Phước ở xứ cù lao tốn chi phí rất ít nhưng lợi nhuận lại cao
Theo bà con nông dân, sở dĩ nhiều năm nay mận An Phước “hốt bạc” là do giống mận cho trái sai, quả to, ngọt, được nhân giống thành công tại An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) và Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận thương hiệu năm 2003. Gần đây, thị trường Trung Quốc tiêu thụ hàng rất mạnh, nguồn cung không đủ. Một nguyên nhân nữa, nhiều nhà vườn ở cù lao Tân Lộc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chọn mận An Phước làm cây chủ lực.
Tuy nhiên, nhiều người dân cũng có nhìn nhận chung rằng do thị trường tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc nên không thể nói trước mức độ bền vững trong khâu đầu ra của mận An Phước. “Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình giá cả, thị trường để từ đó có những bước tính toán cho phù hợp, ứng phó kịp thời với tình huống không bán được hàng cho thương lái Trung Quốc”- nông dân Nguyễn Trí Bảy nhận định.
Bao lưới cho mận để tránh côn trùng phá hoại
Ông Đỗ Trung Ngôn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, cho biết địa phương cũng thường khuyến cáo nông dân định hướng theo tái cơ cấu nông nghiệp, ổn định diện tích trồng mận, trồng xen canh cùng các loại cây nông nghiệp khác để tránh tình huống thương lái ngưng thu mua bất thường, gây thiệt hại về kinh tế.
Related news
Nếu như trước đây, huyện Con Cuông (Nghệ An) rộ lên phong trào làm đường giao thông nông thôn thì năm 2013, mũi nhọn được xác định là thực hiện các mô hình kinh tế hộ. Hiện nay, nuôi bò sinh sản ở xã Chi Khê và nuôi vịt bầu Quỳ ở xã Mậu Đức là những mô hình đem lại hiệu quả...
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 7 cơ sở sản xuất, dịch vụ tôm giống. Hàng năm các cơ sở này sản xuất khoảng 872,9 triệu và dịch vụ 202,3 triệu con tôm giống phục vụ cho nhu cầu thả nuôi trên địa bàn tỉnh.
Giá nghêu thương phẩm ở vùng nuôi nghêu xuất khẩu ven biển thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang có giá cao, nông dân nuôi nghêu rất phấn khởi.
Từ năm 1995, định cư tại ấp Phước Xuân, xã An Khánh (Châu Thành - Bến Tre), ông Nguyễn Hữu Thành bắt đầu trở lại với nghề nuôi ong.
Ngày 5-12, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt dự án vận chuyển cá biển nuôi tại Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.