Vua lúa giống Óc Eo
“Vua lúa giống”
“Hơn 20 công đất (2 ha) khởi nghiệp hồi ấy thật ra chẳng là bao so với vùng ruộng đồng “cò bay thẳng cánh”; mà hồi xưa năng suất thấp lắm nên gồng gáng cũng chỉ đủ bốn miệng ăn và hai con học hành” – ông Nguyễn Quốc Hùng mở đầu câu chuyện khởi nghiệp của gia đình mình. Vợ ông, bà Lê Thị Hạnh tiếp lời: Hồi xưa nhờ cần kiệm và nhất là rất “cưng” ruộng nên suốt ngày bám đồng bám ruộng, làm ăn tích cóp, dành tiền mua thêm ruộng đất. “Đất không phụ người nên gia đình tui mỗi năm một nở nồi, từ 2 ha, vài năm lên hai rưỡi, rồi 3, 4…” – Bà Hạnh trãi lòng.
Nhờ “mỗi năm một nở nồi”, gia đình ông Hùng mua thêm… dần được 30 ha đất. Ban đầu, gia đình ông cũng làm lúa thường như nhiều ND trong vùng. Từ năm 2005, hưởng ứng chương trình xã hội hóa công tác nhân giống lúa của tỉnh, ông Hùng chuyển qua sản xuất lúa giống. “Thấy có hiệu quả, tôi phát triển thêm khoảng 50 ha nữa bằng hình thức hợp đồng với các ND giỏi sản xuất lúa giống trong địa bàn” – ông Hùng cho biết.
Ông Hùng và bà Hạnh giới thiệu các giống lúa cho ND
Sau nhiều năm nhân giống lúa cung cấp cho nông dân tỉnh, rồi mở rộng ra cả vùng ĐBSCL, ông Hùng đã đăng ký thương hiệu giống lúa của mình làm ra; Đồng thời lập ra Công ty TNHH Nghiên cứu, sản xuất lúa giống Hùng Hạnh như là một trang trại nhân lúa giống. Hiện nay ông Hùng đã có dây chuyền khép kín trong sản xuất lúa giống của mình như máy cày, máy gặt đập, máy tách hạt, hệ thống kho chứa, lò sấy, mạng lưới phân phối…
“Đến nay tôi đã có mạng lưới vệ tinh trên 10 điểm tiêu thụ lúa giống trong và ngoài tỉnh; hàng năm tiêu thụ từ 700 đến 800 tấn lúa giống các loại, tổng doanh thu 4,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 1 tỷ mỗi năm” – ông Hùng cho hay
Và “Điền chủ” giàu lòng nhân ái
Trang trại của ông Hùng hiện nay đang có 8 gia đình ND với khoảng 35 nhân công gắn bó làm việc thường xuyên trên trang trại của mình. Bà Hạnh cho biết: Những gia đình ND này đã gắn bó lâu năm với công tác xã hội hóa nhân giống lúa của gia đình, chí ít cũng hơn 10 năm và đều có cuộc sống ổn định. Hiện nay bình quân lương của “công nhân” làm việc tại đây từ 1.800.000 – 2.000.000 đ/tháng; Có người đảm nhận khâu máy móc trong trang trại được trả lương trên 4.000.000 đ/tháng. Các gia đình ND – công nhân này đã được cấp nhà cửa kiên cố ngay trên đồng ruộng của gia đình ông Hùng bà Hạnh. “Mình chăm lo cho họ cũng như thành viên trong gia đình, họ là một phần của cuộc sống gia đình mình hôm nay” – Bà Hạnh tâm sự. Còn Ông Hùng thì trãi lòng: “Có người gọi tôi là điền chủ, cũng không sao. Nhưng có điều mình phải làm khác xưa, phải chăm lo cho người làm của mình, không bóc lột công sức họ mà ngược lại còn phải hỗ trợ họ vươn lên, có cơ hội cùng hưởng lợi ích với mình”.
Không những chăm lo cho người làm công có đời sống vươn lên thoát nghèo ổn định kinh tế, gia đình Hùng – Hạnh còn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội ở địa phương. Năm nay đều đã ngoài 60 tuổi, nhưng vợ chồng ông Hùng vẫn băng đồng lội ruộng và săng sái với các hoạt động xã hội từ thiện. “Hầu như hoạt động từ thiện ở địa phương ông Hùng bà Hạnh đều tham gia đóng góp. Từ việc trãi đá lộ nông thôn, chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ giúp đỡ học sinh nghèo…cho tới góp góp tiền mua xe cứu thương từ thiện…mỗi năm không dưới 100 triệu đồng” – ông Vũ Thanh Quyền, Chủ tịch Hội ND huyện Thoại Sơn cho biết.
“Ông Nguyễn Quốc Hùng là một điển hình tiên phong trong phong trào xã hội hóa công tác nhân giống lúa của tỉnh An Giang; Tiên phong cả trong tính chất phong trào lẫn trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống, góp phần cùng ngành nông nghiệp mang lại nguồn giống có chất lượng cao cho ND” – Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang.
Related news
Một nông dân chuyên sản xuất cây giống với quy mô lớn, đó là ông Võ Văn Thiện (Tư Thiện), 61 tuổi, chủ cơ sở Cây giống Tư Thiện tại ấp Bình Thuận 2, xã Hòa Ninh
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành, ông Nguyễn Tấn Long (H.Trà Ôn, Vĩnh Long) thu lãi gần 600 triệu đồng mỗi năm.
Gần bảy năm gắn bó với đàn bồ câu, ông Long đã trở thành tấm gương điển hình, làm giàu trên cánh đồng chiêm trũng ở quê lúa Thái Bình.
Từ bãi cát hoang hóa, nhiều hộ dân ở thôn Bắc Văn (Thạch Văn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã biến thành vùng chăn nuôi gà tập trung cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Lê Minh Thuận (H.Tam Bình, Vĩnh Long) dành thời gian chăm sóc vườn dừa dứa xen lẫn bưởi da xanh, mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng