Vụ trồng rừng Thu Đông 2015 tăng diện tích, siết chặt quản lý chất lượng cây giống

Đã trồng được 3.800 ha rừng
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT), cho biết:
Đến thời điểm này, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị đất, xử lý thực bì để trồng 8.500 ha rừng;
Trong đó, rừng phòng hộ, rừng môi trường cảnh quan 1.015 ha, rừng sản xuất 7.485 ha.
Từ đầu tháng 10 đến nay, tranh thủ thời tiết có mưa trên diện rộng, toàn tỉnh đã trồng được 400 ha rừng phòng hộ, 3.400 ha rừng sản xuất.
Để hỗ trợ người dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các đơn vị trồng rừng tổ chức hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, tập huấn việc xử lý thực bì, đào hố, chọn cây giống chất lượng cho các hộ trồng rừng; dự kiến đến giữa tháng 12 sẽ kết thúc vụ trồng rừng năm nay với diện tích rừng trồng đạt trên 8.500 ha.
Vụ trồng rừng năm nay, người dân trong tỉnh có xu hướng sử dụng các giống cây lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp cấy mô để thay cho các giống cây giâm hom.
Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DNTN Dịch vụ giống cây trồng Nguyên Hạnh, có cơ sở sản xuất giống tại xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), cho biết:
Vài năm trở lại đây, người trồng rừng đã ngày càng chú trọng đến các giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, như các giống keo lai, bạch đàn lai được sản xuất bằng phương pháp cấy mô.
Ưu điểm của cây giống cấy mô là sạch bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi; chu kỳ khai thác ngắn hơn cây giống giâm hom; hiệu quả kinh tế cao.
Năm nay, chúng tôi sản xuất trên 4 triệu cây giống cấy mô mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Vĩnh Thạnh), cho biết:
Đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành việc trồng 400 ha rừng sản xuất trên địa bàn 2 xã Đak Mang và Bok Tới (huyện Hoài Ân).
Năm nay, đơn vị đã sử dụng hơn 70% giống lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô để trồng rừng.
Hiện diện tích rừng trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, chưa phát hiện bị sâu bệnh.
Kiểm soát nghiêm ngặt nguồn cây giống
Toàn tỉnh hiện có 112 đơn vị, cơ sở được ngành chức năng cấp giấy phép sản xuất cây giống.
Năm nay, các cơ sở đã sản xuất được trên 213 triệu cây giống các loại, gồm keo lai, bạch đàn, sao đen, thông Cariber, phi lao…; tăng gần 60% so với năm 2014.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp phát triển mạnh là điều rất đáng mừng.
Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý giống theo quy định của Bộ NN&PTNT;
Tình trạng xuất bán cây giống nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.
Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng thương lái vận chuyển nhiều loại cây giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ mang đi tiêu thụ với giá khá rẻ; một số hộ trồng rừng vì ham rẻ nên mua phải cây giống trôi nổi, chất lượng kém, ảnh hưởng đến chất lượng trồng rừng.
Qua kiểm tra của ngành chức năng, trên địa bàn thôn Phú Kim, xã Cát Trinh và xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) vẫn còn gần 10 hộ sản xuất cây giống lâm nghiệp không có nguồn gốc, xuất xứ; hộ sản xuất không có giấy phép sản xuất kinh doanh.
Theo cơ quan chuyên môn, nếu người trồng rừng mua phải cây giống lâm nghiệp kém chất lượng thì hậu quả mang lại rất lớn, vì cây lâm nghiệp có chu kỳ phát triển khá dài, phải mất từ 4-5 năm sau mới phát hiện được.
Việc kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp là vấn đề đáng được quan tâm và phải được duy trì thường xuyên.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp trước khi bước vào vụ trồng rừng mới.
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các Sở NN&PTNT phải tổ chức quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc từ khâu thu hoạch vật liệu giống, cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc cây con tới khâu lưu thông đến chân lô trồng rừng.
Cơ quan chức năng nghiêm cấm không sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, phải xử lý, tiêu hủy tất cả các lô giống không rõ nguồn gốc khi phát hiện.
Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, tái kiểm tra với các cơ sở sản xuất giống quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ; những cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh phải bị đình chỉ sản xuất hoặc thu hồi giấy phép.
Ông Nguyễn Thế Dũng cho biết: Để kiểm soát chất lượng cây giống lâm nghiệp, Thanh tra ngành Nông nghiệp đã phối hợp với phòng NN&PTNT các huyện và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh;
Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các chủ vườn ươm không thực hiện đúng các quy định về sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân không mua, không sử dụng các giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng rừng nhằm tránh thiệt hại về kinh tế.
Related news

Giá bán thanh long nghịch vụ (xông đèn) hiện nay đứng ở mức 13.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Gíá thành 1kg thanh long nghịch vụ khoảng 7.000 đồng. Như vậy, người trồng thanh long nghịch vụ lãi bình quân 6.000 đồng - 8.000/kg. Một công (1.000 m2) trồng thanh long nghịch vụ cho năng suất khoảng 2 tấn trái, người trồng thanh long lãi khoảng 12 triệu đồng - 16 triệu đồng. Một năm người trồng có thể thu hoạch từ 2 - 3 đợt thanh long nghịch vụ.

Sau gần 10 năm bén rễ trên đất Lai Vung (Đồng Tháp), diện tích trồng cây dưa lê của toàn huyện không ngừng tăng lên. Ban đầu chỉ vài hecta, đến nay diện tích trồng dưa lê của huyện đã tăng lên 120 ha, dự kiến trong năm tới diện tích trồng dưa lê sẽ tiếp tục được mở rộng. Nhờ làm tốt công tác liên kết tiêu thụ, giá cả hợp lý nên những năm qua, nhiều gia đình cải thiện được thu nhập và thoát nghèo nhờ trồng dưa lê.

Thời điểm này, nhiều hộ nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang vào mùa thu hoạch ổi. Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Dinh Thẳm, xã Cao Xá cho biết: Giống ổi được trồng ở các hộ trong thôn có nguồn gốc từ Hải Dương theo phương pháp ghép mắt. Sau một năm trồng là được thu quả, ổi cho thu hoạch từ tháng 7 năm trước đến tháng 2 năm sau. Muốn cây ra quả trái vụ mà vẫn giữ được năng suất và chất lượng tốt, phải hãm không cho lộc ra vào mùa chính.

PV NNVN đã có những trải nghiệm thú vị tại cái nôi của ngành công nghiệp mắc ca thế giới…

“Chúng ta đã khuyến khích, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu trên chính khu vườn, mảnh ruộng quê hương mình. Điều đó thật sự có ý nghĩa về nhiều mặt, là chiến lược, là mục đích xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo” – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo NTM tỉnh Võ Kim Cự khẳng định.