Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Tôm Nước Lợ 2013 Khó Nhưng Không Thiếu Cơ Hội

Vụ Tôm Nước Lợ 2013 Khó Nhưng Không Thiếu Cơ Hội
Publish date: Thursday. June 20th, 2013

Vụ tôm năm 2013, tiến độ thả tôm chậm, người nuôi thiếu vốn, dịch bệnh, rào cản kỹ thuật… khiến ngành tôm ĐBSCL vốn khó, nay càng thêm khó. Mới đây, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2013 tìm hướng đi phù hợp cho vụ tôm mới.

Khó khăn chồng chất

Theo Tổng cục Thủy sản, những khó khăn ở vụ nuôi 2013 được xác định do: dịch bệnh vẫn còn trầm trọng tại nhiều vùng nuôi; người nuôi tôm thiếu vốn, nhưng khó tiếp cận nguồn vay tín dụng; bảo hiểm tôm nuôi vẫn còn một số vướng mắc trong quy chế giám sát, đánh giá thiệt hại, quy trình bồi thường; các rào cản kỹ thuật về Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản, phán quyết sơ bộ về chống trợ cấp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ; công tác kiểm soát chất lượng tôm giống chưa được làm tốt; những thông tin kết quả nghiên cứu hội chứng gan tụy cấp, các giải pháp phòng trị bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp có hiệu quả, nhưng chưa được quan tâm chuyển giao đến người nuôi…

Những khó khăn trên đã làm cho tiến độ thả nuôi tôm tại nhiều vùng trong khu vực bị chậm lại so với cùng kỳ. Đến ngày 5-6, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã thả nuôi trên 542.000ha tôm nước lợ, bằng 95,1% so với cùng kỳ, chủ yếu là tôm sú với gần 530.000ha, còn lại 12.704ha là tôm thẻ chân trắng.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tình hình thiệt hại tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang có chiều hướng giảm, nhưng tiến độ thả nuôi vụ 2013 vẫn diễn ra khá chậm, chủ yếu do người nuôi thiếu vốn. Đến ngày 10-6, toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi được gần 18.000ha, bằng 40% kế hoạch và số diện tích thiệt hại là 18% so với diện tích thả nuôi, giảm 39% so với cùng kỳ”.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: “Vụ tôm 2013, khoảng 24.000ha bị thiệt hại; trong đó có 20.000ha là tôm sú. Ngoài ra, tình trạng thiếu vốn cũng đang là khó khăn lớn đối với người nuôi tôm, nên tiến độ thả nuôi tại hầu hết các tỉnh nuôi tôm đều chậm so với cùng kỳ”.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng), thách thức lớn nhất đối với người nuôi tôm ở vụ tôm 2013 không phải là dịch bệnh mà chính là tình trạng thiếu vốn. Ông Nhiệm nói: “Các văn bản hỗ trợ người nuôi tôm có rất nhiều, nhưng thực tế số người nuôi tôm tiếp cận và hưởng được sự hỗ trợ này là không bao nhiêu”.

Đồng tình với ý kiến ông Nhiệm, ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu nêu khó khăn khác: “Các chế phẩm vi sinh trên thị trường hiện có quá nhiều chủng loại, nhãn hiệu khiến người nuôi không biết chọn lựa sản phẩm nào là chất lượng và kinh tế nhất, nên rất dễ rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, tật mang”. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường quản lý các chế phẩm này, kể cả chất lượng con giống”. Người nuôi tôm ĐBSCL cần sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành chức năng để giải quyết bài toán tồn đọng lâu nay.

Giải pháp khả thi

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho rằng, ngoài thiệt hại do bệnh đốm trắng, gan tụy, tôm nuôi còn bị thiệt hại do khí độc trong ao (mê-tan, ni-tríc…). Do đó, người nuôi tôm cần kiểm tra hàm lượng khí độc, mật số Vibrio trong ao và cả trên tôm post trước khi thả nuôi. Phải thường xuyên, định kỳ kiểm đếm mật số Vibrio trong ao nuôi để khống chế mật số chúng luôn nằm trong ngưỡng cho phép. Dùng men vi sinh để khống chế hoặc sử dụng kháng sinh trong 40 ngày đầu tiên vẫn cho hiệu quả.

Ngành chức năng cần kiểm tra, xét nghiệm mẫu để xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp nhanh chóng, chứ không chỉ biết đổ lỗi cho thời tiết, môi trường mãi được. Theo kinh nghiệm nuôi thành công liên tiếp 3 vụ ngay trong thời điểm dịch bệnh còn trầm trọng của ông Tạ Minh Phú: “Không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, mà chỉ sử dụng hoàn toàn bắng chế phẩm vi sinh; không nuôi liên tiếp nhiều vụ, mà phải có thời gian cách ly nhất định; cải tạo ao thật kỹ, thường xuyên theo dõi mật độ tảo trong ao nuôi để điều chỉnh kịp thời”…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản II, người nuôi cần quan tâm kiểm soát tốt Vibrio trong môi trường và trên tôm post bằng cách diệt khuẩn định kỳ sau đó cấy vi sinh trở lại hoặc sử dụng vi sinh trong suốt quy trình mà không dùng hóa chất; thứ hai là cần bổ sung các chất khoáng đa vi lượng vào ao nuôi. Không nên sử dụng kháng sinh vì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thị trường tiêu thụ tôm thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, tôm trong nước được giá; một số nước sản xuất tôm lớn như Thái Lan tiếp tục bị dịch bệnh trầm trọng làm giảm sút nguồn cung nguyên liệu; khả năng thời gian tới, Nhật Bản sẽ nới lỏng về tần suất kiểm soát và hàm lượng giới hạn cho phép về Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Hội chứng hoại tử gan tụy và rào cản Ethoxyquin đã có những kết quả quan trọng về xác định nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả làm cơ sở cho sự thành công của nghề nuôi tôm. Vibrio là tác nhân chính gây bệnh gan tụy và tôm bị bệnh gan tụy từ giai đoạn con giống chứ không chỉ trong quá trình nuôi, một số yếu tố môi trường như: độ mặn, pH quá cao hay ô xy hòa tan thấp cũng làm cho bệnh gan tụy thêm trầm trọng.

Ông Tuấn khuyến cáo: “Người nuôi cần kiểm soát mật số Vibrio trong quá trình nuôi theo khuyến cáo và chuẩn hóa các tiêu chuẩn môi trường nuôi trong ngưỡng cho phép; chỉ thả nuôi với mật độ thưa; khuyến khích ương dưỡng tôm nuôi trước khi thả vào ao nuôi”.

Tổng cục sẽ phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phòng trừ bệnh đốm trắng và hoàn thiện các kết quả về hội chứng hoại tử gan tụy cấp; nhanh chóng giải quyết rào cản Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản và sớm có hướng dẫn kỹ thuật nuôi, sử dụng thức ăn để khắc phục vấn đề Ethoxyquin… đưa ngành tôm phát triển bền vững.


Related news

Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao

Ngoài tiêu thụ mạnh tại địa phương, đậu phộng ở huyện Tuy An còn được thương lái thu gom, chuyển vào TP Hồ Chí Minh bán cho các cơ sở sản xuất dầu ăn. Vào thời điểm này, giá bán mỗi kg đậu phộng tươi (còn vỏ) ở huyện Tuy An từ 7.000 đến 9.000 đồng. Nhờ năng suất thu hoạch và giá bán cao, mỗi sào đậu phộng trong thời gian khoảng 3 tháng đã cho hộ sản xuất thu nhập hơn 7 triệu đồng.

Wednesday. January 14th, 2015
Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê

Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.

Wednesday. January 14th, 2015
Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô

Ông Nguyễn Trung Thành, ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn chia sẻ, tham gia sản xuất chè an toàn, gia đình ông đã biết cách chăm sóc, thu hái và chế biến chè đúng kỹ thuật. Chè hái về được phơi trên giá lưới, không phơi trên nền sân như trước.

Wednesday. January 14th, 2015
Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng) Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)

Lâu nay, người dân xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn gắn liền với cây lúa nước, cây mía, cây điều… nhưng mới đây việc thí điểm thành công mô hình trồng nấm linh chi đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Wednesday. January 14th, 2015
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới

Rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta. Không giống như cây lúa, cây rau được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi chế độ tưới nước bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư đạm, rau nhiễm các loại vi trùng và ký sinh trùng… có khả năng gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

Wednesday. January 14th, 2015