VRG Đổi Mới Kỹ Thuật, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Cây
Giải pháp kỹ thuật nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng vườn cây KTCB và khai thác của ngành cao su được coi là cực kỳ quan trọng.
Đề xuất "gói" giải pháp kỹ thuật ứng phó với bất lợi giá mủ
Hôm qua (15/7), Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) đã tổ chức Hội nghị Nông nghiệp lần V tại Cty Cao su Đồng Phú (Bình Phước), không nằm ngoài mục đích trên.
Theo đó, tính đến cuối năm 2013, tổng diện tích cao su kiến thiết cơ bản (KTCB) toàn Tập đoàn là 220 ngàn ha (lấy số tròn), trong đó ở Lào và Campuchia chiếm 94 ngàn ha. Nhìn chung chất lượng vườn cây khá tốt, tỷ lệ cây ghép sống cao (Đông Nam bộ và Tây Nguyên đạt 100%). Trong đó công tác giống được nhiều đơn vị thành viên của VRG chú trọng đúng mức.
Tại khu vực miền Đông Nam bộ (ĐNB), các công ty như Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh, Đồng Nai trồng bầu 5 tầng lá cho thấy sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, Cty cao su Lộc Ninh trồng thí điểm mô hình tái canh bằng phương pháp bầu 3 năm tuổi (còn gọi là Core tum), đây là mô hình mới có khả năng rút ngắn thời gian KTCB xuống còn 4- 4,5 năm, có thể trồng dặm để ổn định ngay từ những năm đầu tăng mật độ và bảo đảm độ đồng đều vườn cây.
"Các khảo nghiệm về chế độ cạo d4 từ qui mô nhỏ tới SX đại trà cho thấy, so với d3 thì hiệu quả năng suất lao động tăng hơn 20%, sản lượng mủ gần tương đương, tiền lương công nhân tăng, đặc biệt là giải quyết phần nào tình trạng thiếu lao động cạo, giảm chi phí SX" (Nguồn: Ban Quản lý kỹ thuật Tập đoàn).
Được biết, trong các năm qua, nhờ ứng dụng các biện pháp đầu tư thâm canh có hiệu quả mà có một số vườn cao su KTCB đưa vào khai thác sớm. Bình quân có khoảng 20-25% diện tích cùng năm trồng tại khu vực vùng ĐNB rút ngắn từ 1 năm trở lên, một số công ty cao su có diện tích khai thác sớm như Đồng Phú, Lộc Ninh, Tây Ninh, Phước Hòa.
Đáng chú ý là năng suất vườn cây khai thác với diện tích 110 ngàn ha, theo đánh giá của VRG, bắt đầu năm 2006 đến nay đang có xu hướng giảm, trong đó sụt giảm mạnh nhất vẫn là miền ĐNB. Tại đây, năng suất từ 1,96 tấn/ha (năm 2009) giảm xuống còn 1,77 tấn/ha (2013).
Nguyên nhân chính theo giải thích của VRG là do sự thay đổi cơ cấu tuổi cạo của vườn cây theo hướng không thuận lợi. Diện tích vườn cây khai thác nhóm III (từ 18 năm cạo trở lên) năng suất thấp, nhưng còn chiếm tỷ lệ khá cao 37,6% (năm 2014).
“Qua 4 lần tổ chức hội nghị trước, công tác kỹ thuật nông nghiệp trong Tập đoàn được nâng tầm rõ rệt và đạt kết quả thiết thực. Hội nghị lần này giúp các đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác giống, phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch mủ. Đây là cơ sở để năm 2014 cũng như các năm tới, công tác nông nghiệp được duy trì để làm tốt hơn”, ông Lê Minh Châu - Phó TGĐ VRG nhận định).
Vì vậy, nhằm duy trì và nâng cao chất lượng vườn cây tại đây, theo ông Lại Văn Lâm (Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG) trong các năm tới sẽ rà soát lại vườn cây (giống, tình trạng mặt cạo, năng suất), đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong thu hoạch mủ, nhất là qui hoạch lại mặt cạo để khai thác hết tiềm năng, kéo dài thời gian khai thác vườn chủ lực hoặc thanh lý sớm (vườn cây) trước tuổi.
Cũng bắt đầu từ năm 2014, nhằm đối phó với tình hình bất lợi về giá cả, Ban Quản lý kỹ thuật VRG đề xuất "gói" giải pháp kỹ thuật trong giai đoạn ngắn hạn bao gồm ngừng toàn bộ việc đào hố tích bùn trên vườn KTCB lẫn vườn khai thác.
Thay vào đó là phát triển thảm phủ cây họ đậu, hướng đến hỗn hợp Kudzu và Mucuna giâm cành trên vườn trồng mới và KTCB để phát triển và duy trì thảm lâu dài. Đối với vườn cây khai thác, tạm ngừng không mở cạo tháng 9-10 do không hiệu quả về kinh tế, chuyển sang năm kế tiếp có lợi hơn về sinh trưởng và mật độ lúc mở miệng cạo.
Hơn thế, nếu có điều kiện thì các đơn vị cần trì hoãn mở cạo vườn mới để vanh và độ dày vỏ cây cao su đạt cao hơn nhằm đạt sản lượng cao ngay từ năm cạo thứ nhất, từ đó sẽ bù được chi phí cạo năm đầu, giúp các năm sau cho sản lượng cao, nhanh chóng thu lợi nhuận.
Ngoài ra, tiếp tục chuyển sang chế độ nhịp độ cạo thấp d4 (4 ngày cạo 1 lần), kèm theo đó là biện pháp tăng sử dụng thuốc kích thích phù hợp, trong đó sử dụng kích thích khí gas RF nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí lao động và chi phí quản lý ở mức thấp nhất.
Related news
Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có hơn 15.000 ha cây khóm với sản lượng khoảng 250 ngàn tấn/năm và là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích cây khóm. Thời gian qua, nhờ sự cần cù lao động và áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên nông dân huyện Tân Phước đã trồng khóm đạt năng suất, chất lượng cao, làm thay đổi diện mạo một vùng đất "rốn lũ - rốn phèn".
Bén rễ trên miền đất đỏ cao nguyên đã mấy chục năm nay và cây dâu con tằm đã trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng những cư dân nơi đây vẫn duy trì nó như gìn giữ một nghề truyền thống của tổ tiên xưa.
Trứng gà omega 3 đang được rao bán với giá cao gấp đôi trứng gà thường nhưng người tiêu dùng chỉ có thể phân biệt được trứng omega 3 và trứng thường thông qua công bố của nhà sản xuất
Trên 506 triệu đồng là kinh phí thực hiện Đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động” Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt.
Sự việc sản phẩm nấm của người dân Yên Thành (Nghệ An) sản xuất ra không bán được một lần nữa phản ánh một thực trạng, chuỗi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp hiện còn đang tồn tại nhiều hạn chế.