Xây dựng thương hiệu thanh long Bông Trang
Mới đây, thanh long Bông Trang được Sở KH-CN và Sở NN-PTNT chọn là một trong những loại nông sản độc đáo của tỉnh BR-VT để xây dựng thương hiệu.
Theo ông Phạm Thiên Minh, Chủ tịch UBND xã Bông Trang, cây thanh long được trồng trên địa bàn xã khoảng gần chục năm nay.
Do thu nhập khá hơn nhiều loại cây trồng khác, nên khoảng 5 năm gần đây, cùng với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, bà con nông dân đã đầu tư phát triển cây thanh long, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hiện tại, diện tích cây thanh long trên địa bàn xã là 62,2ha với 148 hộ đang trồng.
Theo bà Nguyễn Thị Triền (tổ 6, ấp Trang Định), gia đình bà đang trồng 8 sào thanh long với 400 trụ thanh long ruột đỏ và 400 trụ thanh long ruột trắng.
“Hồi trước, gia đình tôi trồng điều, trồng mì nhưng năng suất không cao nên khoảng 5 năm nay, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng thanh long.
Thanh long trồng ở Bông Trang dễ chăm lại nhanh có thu hoạch.
Cứ 2 - 3 tháng thanh long cho thu hoạch một vụ, mỗi trụ thanh long cho 10 - 15kg trái, trung bình 10 tấn/vụ, lãi khoảng 140 triệu đồng/năm”, bà Triền nói.
Theo kinh nghiệm của bà Triền, từ khi bắt đầu trồng đến lúc cho vụ trái thanh long đầu tiên mất khoảng 18 tháng, chi phí cho mỗi kg sản phẩm 6 ngàn đồng.
Với giá bán tại vườn bình quân 9 - 10 ngàn đồng/kg thanh long ruột trắng, 14 - 15 ngàn đồng/kg ruột đỏ, tính ra loại cây ăn quả này đạt hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác như: quýt đường, cam sành, cao su, điều…
Theo Sở NN-PTNT, xã Bông Trang là vùng đất pha cát nên rất hợp với cây thanh long.
Thanh long ở Bông Trang cho trái to, đẹp lại có vị ngọt thanh, khác hẳn với thanh long trồng ở những vùng đất khác.
Hiện thanh long xã Bông Trang đang được Sở NN-PTNT và Sở KH-CN xây dựng thương hiệu nông sản độc đáo của tỉnh.
Ông Nguyễn Tông Hạ, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Bông Trang cho biết: “Chúng tôi rất mong được cấp nhãn hiệu cho trái thanh long Bông Trang, đưa sản phẩm vào các siêu thị, bếp ăn KCN… Có như vậy, người nông dân mới yên tâm sản xuất”.
Anh Nguyễn Văn Tài - một hộ trồng thanh long ở xã Bông Trang - cho hay, những hộ trồng thanh long hàng năm đều được UBND xã Bông Trang tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng trồng thanh long.
Mới đây, xã hỗ trợ lắp thêm 3 bình hạ thế ở các ấp Trang Định, Trang Hùng và Trang Hoàng; đồng thời, áp giá điện ưu đãi cho các hộ trồng thanh long.
Ngoài ra, xã Bông Trang còn xây mương nước, trạm bơm nước, làm đường dẫn nước từ đập sông Hỏa về cho bà con các ấp Trang Định, Trang Nghiêm, Trang Hùng (những ấp hiện đang thiếu nước) để trồng thanh long trái vụ.
“Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho bà con vay vốn trả chậm để trồng thanh long.
Tuy nhiên, hiện nay, thanh long trồng ra mạnh ai nấy bán, vì vậy, có khi được mùa thì bị thương lái ép giá.
Hiện nay, xã Bông Trang đang phối hợp với Liên minh HTX để xây dựng thanh long ở xã Bông Trang đạt chuẩn VietGAP, tạo đầu ra ổn định về giá và thương hiệu của tỉnh…”, ông Phạm Thiên Minh, Chủ tịch UBND xã Bông Trang nói.
Related news
Những ngày qua, ngư dân tại các vùng biển đồng loạt bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Ngành chức năng Quảng Nam cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đồng hành với các chuyến xa khơi của ngư dân.
Mấy năm nay, những lúc nông nhàn, ông Ngô Quang Thạo, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy - Hải Phòng) có thêm nghề quay mật cho những hộ nuôi ong trong vùng. Cứ đến mùa thu hoạch, ông Thạo lại đạp xe rong ruổi khắp làng trên xóm dưới quay mật giúp mọi người. Ông ít khi lấy tiền công quay mật nên mọi người thường cảm ơn bằng cách gửi biếu con gà, đôi vịt, lít mật ong...
Anh Phan Thanh Nhã, ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt đầu việc nuôi cút từ năm 2001, lúc đầu gia đình anh nuôi khoảng 4.000 con cút giống, sau 3 tuần đàn cút bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu cút thường xuyên bị chết do mắc một số bệnh thông thường. Thế nhưng anh không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cút khác, từ đó anh có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời nên về sau đàn cút luôn khỏe mạnh và cho trứng khá đều.
Sau thời gian dịch bệnh tôm nuôi kéo dài, người nuôi tôm lẫn các trại giống đều mòn mỏi đợi chờ một kết cục sáng sủa hơn. Bởi, hiện các trại sản xuất giống trong tỉnh Cà Mau ế, không bán được, một số đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Năm 2013, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ngành thủy sản khuyến cáo không mở rộng diện tích nuôi tôm sú mà chỉ giữ diện tích nuôi tương đương với năm 2012 là 580.000 ha. Vùng nuôi tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An; trong đó, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi lớn nhất với 265.650 ha.