Vốn Chính Sách + Nấm = Thoát Nghèo
Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân (ND) xã Hòa Tiến đã hình thành nên những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp vượt qua khó khăn, thoát đói nghèo.
Chúng tôi đến nhà chị Đặng Thị Phương (tổ 5, thôn An Trạch, xã Hòa Tiến) trong lúc chị đang chăm sóc cho trại nấm của mình. Trên diện tích 100m2, chị làm 4 gian nhà, sản xuất 5.000 bịch nấm sò để bán cho các chợ ở Túy Loan (Hoà Vang). Chị Phương nhẹ nhàng nói: “Trại nấm của chị còn nhỏ, chị thu nhập chưa nhiều, mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng, tuy nhiên chừng đó chị đã mừng lắm rồi”.
Năm 2011, từ lớp tập huấn của Hội ND, chị Phương được Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang cho vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng. Từ số tiền đáng quý này, chị gây dựng nên trại nấm, với mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng, đủ để đưa chị ra khỏi diện nghèo khó của xã. Chị Phương bày tỏ: “4 năm làm nấm, chị cũng tích lũy được chút ít, sắp đến chị sẽ mở rộng trại nấm, hy vọng lúc đó thu nhập sẽ cao hơn”.
Ngoài chị Phương, nhiều anh chị ở xã Hoà Tiến thông qua Hội ND cũng vay được vốn Ngân hàng CSXH để trồng nấm. Cái công thức: “Vốn Ngân hàng CSXH + nấm = thoát nghèo” đã đúng với hàng loạt gia đình ND Hoà Tiến, như các chị Nguyễn Thị Huệ, Đinh Thị Thương, Phạm Thị Tá…
Theo ông Trần Văn Bằng- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang, ND Hoà Tiến rất sáng tạo trong làm ăn kinh tế. “Khi thẩm định hồ sơ xin vay vốn của bà con, chúng tôi thấy bà con chủ động nghĩ ra nhiều cách làm ăn hiệu quả” – lời ông Bằng. Thực tế đúng như vậy, ngoài làm nấm, ND Hoà Tiến còn có nhiều mô hình kinh tế khác rất hiệu quả.
Với diện tích sẵn có 1.000m2, chị Nguyễn Thị Nha (tổ 9, thôn La Bông) khi vay được vốn Ngân hàng CSXH đã không làm nấm mà quyết định trồng 10.000 gốc hoa. Nhờ vậy, chị có hoa cung cấp thường xuyên cho các chợ đầu mối ở Hoà Vang trong các dịp rằm, mồng 1, lễ, tết. Từ hộ nghèo, nuôi 3 con ăn học, bằng vốn vay Ngân hàng CSXH và chọn hoa làm hướng đi, chị đã thoát nghèo. Chỉ sau 2 năm trồng hoa, chị đã hoàn vốn lại cho ngân hàng và có một số dư lớn để đầu tư mở rộng vườn hoa.
Chị Vương Thị Huệ (tổ 9, thôn La Bông) đang là hộ tiêu biểu của Hòa Tiến về mô hình nuôi gà thả vườn. Chị Huệ cho biết, khu đất của gia đình là đất cát bạc màu, không trồng trọt gì được. “Lúc ban đầu tôi lúng túng không biết làm gì với mảnh đất đó, nhưng nhờ cán bộ Hội ND và cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hoà Vang tư vấn cũng như giúp cho vay 20 triệu đồng lãi suất ưu đãi, tôi đã hình thành nên mô hình nuôi gà thả vườn. Đến nay, gia đình tôi có thể yên tâm về kinh tế” – chị phấn khởi nói.
Những năm gần đây, từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Hoà Vang, địa phương này đã có 13.000 lượt hộ thoát nghèo. Dư nợ cho vay hộ nghèo của ngân hàng đạt 72 tỷ đồng.
Có thể nói, một bộ phận không nhỏ ND ở Hoà Tiến đã khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống nhờ những đồng vốn vay quý giá của Ngân hàng CSXH. Nói như ông Trần Văn Bằng, kết quả đó là nhờ chính ND đã không đầu hàng số phận, luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, biết tạo ra cơ hội để làm ăn và ý chí làm ăn.
Tuy nhiên với những ND này, bà con đều cho rằng họ luôn biết ơn sự giúp đỡ, động viên của các đoàn thể và nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH. “Món vay của Ngân hàng CSXH không lớn, chỉ vài ba chục triệu đồng, nhưng lại là điều kiện đầu tiên cho việc thực hiện những kế hoạch làm ăn” – chị Vương Thị Huệ tâm sự.
Theo ông Bằng, trong các xã trên địa bàn huyện thì Hoà Tiến là xã có nguồn vốn vay phát triển kinh tế đứng thứ 2, với tổng dư nợ vốn vay 23 tỷ đồng. Chính sự năng động trong làm ăn kinh tế của ND Hoà Tiến đã góp phần giúp xã này dẫn đầu hoàn thành 19/19 tiêu chí ngay từ năm 2013.
Related news
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình trình diễn nuôi thử nghiệm con Dúi sinh sản tại xã Nhị Hà (Thuận Nam - Ninh Thuận) đang đem lại những tín hiệu vui, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp người dân có thêm cơ hội làm giàu trên chính quê hương mình.
Đó là thông tin được Ông Trần Đình Luân, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đưa ra tại Hội nghị Sơ kết nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nửa cuối năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 29-7 tại TP.HCM.
Liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế và xa hơn là hướng đến chuỗi liên kết chăn nuôi thống nhất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đang là mục đích hướng đến của nông dân tỉnh Quảng Bình hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát và người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu. Để những mô hình này trở nên bền vững và đi vào chiều sâu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan.
Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cũng là một người gắn bó lâu năm với ngành Thủy sản, để phát triển thủy sản, không chỉ là những chính sách hỗ trợ đánh bắt ngoài khơi, ngành Thủy sản còn cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ trên bờ.
Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.