Về Tân An Phố Mùa Hồng Chín
Tháng Tám, nắng dát vàng trên những vườn hồng lúc lỉu quả. Về Tân An (Văn Bàn) ngày này, chúng tôi gặp người dân ở đây đang khẩn trương thu hoạch hồng quả; thương lái chen chân, len lỏi đến tận vườn để mua loại quả ngon nức tiếng, có một không hai của Lào Cai.
Tìm nguồn sống từ loài cây quý
Tìm mãi, tôi mới gặp được bà Phạm Thị Xin (xã Tân An) - người đã gắn bó với cây hồng không hạt gần cả cuộc đời. Giờ đây, dù mưa hay nắng, sáng nào thức dậy, bà đều ra ngắm cây hồng không hạt 20 năm tuổi đang vào mùa quả chín. Với bà, niềm vui hằng ngày là được nhìn thấy cây hồng duy nhất còn lại trên mảnh đất từng được mệnh danh là “Tân An phố”.
Bà Xin năm nay 86 tuổi, gia đình bà lên lập nghiệp ở “Tân An phố” từ năm 1955. Nhắc lại ngày ấy, bà Xin bỗng hồ hởi hẳn lên: Thời gian đó, Tân An trên bến, dưới thuyền, tấp nập người đi đò qua sông Hồng; hai dãy nhà san sát quay mặt vào nhau, kéo dài đến gần bến đò, vì thế cái tên “Tân An phố” ra đời. Thế nhưng, sự nổi tiếng của “Tân An phố” lại được gắn liền với cây hồng không hạt.
Dừng lại một lúc, bà Xin nhăn trán để nhớ chính xác, đầy đủ về những thăng trầm của cây hồng không hạt. Theo bà, cây hồng không hạt có ở “Tân An phố” từ lúc nào không ai biết chính xác. Chỉ biết rằng, loại cây quý này do ông Trần Văn Hồ mang từ Thanh Hóa về.
“Năm 1955, tôi và gia đình lên “Tân An phố” làm ăn, lúc này người dân ở đây đã bán quả hồng không hạt. Nhưng mua được một quả hồng để thưởng thức không phải đơn giản, bởi cả phố chỉ có 5 - 6 cây của gia đình ông Hồ, quả không nhiều”- bà Xin kể lại.
Phải chỗ thật thân quen, ông Hồ mới cho 1 - 2 rễ cây hồng về trồng, có tiền nhưng khó mua được cây giống vì ông Hồ không muốn bán. Nhờ mối quan hệ thân quen, gia đình bà Xin may mắn được ông Hồ cho 2 rễ cây. Tiếp câu chuyện, bà Xin nói với giọng đầy tự hào: Có được vài cây hồng không hạt quý lắm.
Cả gia đình ra sức chăm sóc, vun vén cho cây. Sau 6 - 7 năm, cây hồng ra lứa quả đầu tiên trong sự háo hức, vui mừng của cả gia đình. Thậm chí, hàng xóm còn sang chúc mừng, điều đó cho thấy, cây hồng không hạt quý hiếm như thế nào đối với người dân “Tân An phố”.
Thế rồi, trận lũ lịch sử năm 1971 đã cuốn trôi toàn bộ nhà ở của hầu hết người dân ở “Tân An phố”. Người dân phải sơ tán vào phía gò hoang cách đó khoảng 1km để khai hoang, lập nghiệp. Tài sản mà nhiều gia đình mang theo lúc ấy là những cây hồng còn sót lại sau trận "đại hồng thủy".
Vừa dựng nhà, người dân vừa vỡ đất, trồng cây hồng. Chính nơi này đã trở thành “vựa” hồng không hạt lớn nhất của xã Tân An hiện nay.
Chỉ tay ra sông Hồng, bà Xin nói với tôi, những tưởng người dân Tân An điêu đứng sau trận lũ kinh hoàng cách đây 43 năm, nhưng chính niềm tin vào cây hồng đã giúp các gia đình đứng vững và phát triển như hôm nay.
Qua tìm hiểu từ những bậc cao niên trong thôn Tân An 1, tôi nhận thấy, không chỉ bà Xin mà nhiều người khác đều khẳng định như vậy. Thực tế, tại thôn Tân An 1 - nơi người dân ở “Tân An phố” vào đây lập nghiệp sau trận lũ, cuộc sống của họ gần như phụ thuộc vào cây hồng không hạt.
Ngoài ý nghĩa về truyền thống, cây ăn quả này còn giúp người dân có nguồn thu ổn định. Vì thế, dù hiện nay có nhiều hướng phát triển kinh tế nhưng nông dân ở thôn Tân An 1, Tân An 2... vẫn chọn hồng không hạt là cây trồng chủ lực và đặt trọn niềm tin vào loại cây này.
Ươm thêm niềm tin
Chị Trần Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An là cháu của bà Xin và cũng là người hiện đang sở hữu 70 cây hồng không hạt. Ngoài việc ở cơ quan, chị Liên luôn phải tất bật chăm sóc, tỉa cành, nhất là vào mùa thu hoạch quả. Vụ thu hoạch năm nay đúng vào thời điểm chị phải giải quyết cả “núi” công việc ở cơ quan, vì vậy đành phải “nhờ” chồng thu hái, cân bán cho thương lái.
Mặc dù, là người “ngoại đạo” nhưng chồng chị Liên cũng rất say sưa với cây hồng. Vào thăm vườn hồng của gia đình, chúng tôi thấy chồng chị Liên đang ở trên cây thoăn thoắt hái quả. Anh chỉ kịp chào một tiếng rồi tiếp tục công việc bởi nhiều thương lái đang chờ mua quả.
Chị Liên tâm sự: Ông bà ngoại tôi rất mừng vì các con, cháu đã tiếp tục nối nghiệp gia đình. Nghe chị Liên nói, tôi mới hiểu tại sao khi ra thăm cháu, bà Xin chỉ hỏi những chuyện xung quanh cây hồng. Nét mặt bà thay đổi liên tục, lúc vui, lúc buồn khi nghe chuyện giá quả hồng lên, xuống, hay như có nhà trồng thêm, chặt bỏ cây hồng.
Điều đặc biệt là tôi được trực tiếp thăm đồi hồng của gia đình ông Hồ - người đầu tiên đưa cây hồng không hạt lên đất Tân An.
Đồi cây của ông Hồ hiện do bà Phạm Thị Hồng, thôn Tân An 1 sở hữu. Cả đồi cây có tuổi đời vài chục năm, quả sai lúc lỉu, trong đó có cả cây hồng gốc, do ông Hồ đánh từ “Tân An phố” về trồng sau trận lũ. Bà Hồng cho biết: Khi ông Hồ mất, vợ ông đã bán toàn bộ nhà và đồi cây để chuyển về sinh sống với con ở Yên Bái. Thật may mắn, gia đình tôi vinh dự được sở hữu đồi cây hồng này.
Đã có người đề nghị nhượng lại toàn bộ gia sản này nhưng vợ chồng tôi không đồng ý. Nếu bán, có thể sẽ mất cả đồi cây hồng quý này vì người mua nhiều khả năng sẽ san gạt để tạo quỹ đất.
Có thời điểm, người dân đua nhau đưa các loại cây ăn quả khác vào trồng như mơ, nhãn..., nhưng tuyệt nhiên, các hộ gia đình ở thôn Tân An 1, Tân An 2 không bao giờ chặt bỏ cây hồng để trồng các loại cây khác. Thậm chí, diện tích cây hồng không hạt ngày càng được mở rộng, hiện xã có trên 30 ha, được trồng ở các thôn: Tân An 1, Tân An 2, Ba Soi, Ba Xã, Khe Quạt, Tân Sơn.
Không chỉ mở rộng diện tích, huyện Văn Bàn đã triển khai dự án nhân rộng giống hồng không hạt Tân An. Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện dự án cải tạo vườn hồng không hạt Tân An.
Theo đó, các hộ dân được hỗ trợ phân bón, dụng cụ tỉa cành, tạo tán và kỹ thuật chăm sóc cây. Chính sự hỗ trợ của Nhà nước đã tiếp thêm niềm tin để người dân gắn bó với cây hồng không hạt, mở rộng vùng cây ăn quả này.
Niềm vui mùa quả chín
So với năm trước, năm nay, sản lượng quả hồng giảm bởi thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, giá bán ổn định, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm trước. Đầu vụ, giá bán từ 15.000 - 18.000 đồng/kg quả hồng ngâm, hiện giảm còn 10.000 đồng/kg.
Theo người dân Tân An, khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi khi vào mùa thu hoạch, thị trường quả hồng không hạt rất sôi động. Người trồng không còn phải nhọc nhằn gánh quả sang Bảo Hà để bán mà thương lái đến tận vườn tìm mua.
Việc tiêu thụ quả hồng chưa bao giờ khó khăn, vì mùa quả chín kéo dài từ tháng 7 - 8 âm lịch. Đây là thời điểm diễn ra Lễ hội Đền Bảo Hà và Tết Trung thu. Đặc biệt, trong dịp Lễ hội Đền Bảo Hà, có khoảng 5.000 khách thập phương đến chiêm bái mỗi ngày, nên nhu cầu tiêu thụ quả hồng không hạt rất lớn.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, thị trường tiêu thụ quả hồng không chỉ bó hẹp tại Tân An, Bảo Hà mà đã mở rộng lên thành phố Lào Cai và một số tỉnh, thành khác. Thậm chí, nhiều thương lái còn đóng hàng để vận chuyển bằng ô tô, theo tàu về bán tại Hà Nội. Vì vậy, mỗi mùa quả chín, người trồng hồng Tân An đều vui như hội.
Mỗi vụ, xã Tân An bán ra thị trường trên 70 tấn quả, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, tổng giá trị thu nhập từ hồng quả sẽ đạt 700 triệu đồng. Những nhà trồng nhiều như gia đình bà Hồng có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/vụ.
Về Tân An phố mùa quả hồng chín, chúng tôi cảm nhận rõ sự hối hả của những thương lái, sự cần mẫn của người dân trên những vườn hồng. Tân An lại thêm một mùa hồng chín với đầy ắp dư vị ngọt ngào.
Related news
Hiện nay giá cá bổi loại 8 con/kg chỉ còn 45 ngàn đ/kg, giảm khoảng 25 ngàn đ/kg so với thời điểm này năm trước. Loại 6 con/kg giá hơn 60 ngàn đ/kg, giảm hơn 20 ngàn đkg so với cùng kỳ.
Dẫn khách ra vườn bưởi tán xoè rộng, lá xanh mướt, quả to, quả nhỏ trĩu cành, anh Minh cho biết, cũng như nhiều hộ làm vườn khác ở xã, trước đây 8.000 m2 đất của anh đều trồng nhãn, trước là nhãn lồng, kế đó là nhãn xuồng cơm vàng. Trồng theo phong trào nên điệp khúc được mùa rớt giá cứ đeo bám riết, đành phải chặt bỏ nhãn trồng bưởi da xanh vì lúc đó bưởi được giá.
Tổng sản lượng thủy hải sản thu được từ nuôi và khai thác biển của tỉnh Bạc Liêu trong chín tháng qua đạt trên 223.000 tấn, đạt 81% kế hoạch năm và tăng 9% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó sản lượng thủy sản từ nuôi trồng đạt gần 137.000 tấn, tăng 14% cùng kỳ.
Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ cũng như nghiêm ngặt trong việc lựa chọn con giống, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên cả vụ không hề có dịch bệnh, tôm phát triển rất đều, năng suất đạt 10 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 20 tấn.
Đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật lấy nước biển phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương" thuộc danh mục được phê duyệt theo Quyết định số 2074/QĐ-UBND, ngày 02/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.