Vất Vả Làm Hoa Tết Trên Đất Treo

Càng về giáp tết, những thửa đất “treo” dọc đại lộ Hùng Vương đoạn phường 9, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) chợt phủ xanh mát, rồi chuyển sắc rực rỡ.
Đây là hàng chục hecta đất quy hoạch dành cho các dự án, công trình nhưng nhiều năm rồi vẫn để không. Bà con thấy tiếc nên xin tạm trồng hoa ngắn ngày, hòng kiếm chút xuân. Việc “kiếm tết” tại khu vực trên đã diễn ra nhiều năm rồi…
“Đa phần nông dân vùng ven Tuy Hòa này đều trông vào mấy chậu hoa để kiếm chút tết. Đất đai ngày càng hiếm. Nhu cầu cất nhà nhiều quá, đẩy giá đất lên, nhiều bà con cứ cắt đất sản xuất để bán ăn dần. Thành ra nông dân “tay không”, phải đi thuê đất trồng hoa, làm chỉ có huề vốn. Vì vậy, thấy đất bằng mà bỏ không nhiều năm, bà con đánh liều rủ nhau… làm đại!” - bà Thái Thị An ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, cho hay.
Còn bà Trần Thị Mai (ở Ninh Tịnh 4) nhẩm tính chi phí trồng 400 chậu cúc tại khu đất “treo”: Chậu 6 triệu đồng, giống 7 triệu đồng, tăm đỡ cành 12 triệu đồng, phân - thuốc 15 triệu đồng, điện tưới - chong cúc 5 triệu đồng, công chăm 5 triệu đồng. “Tính sơ sơ, gia đình đã “đổ” ra 50 triệu đồng rồi. Thức khuy dậy sớm truân chuyên 4 tháng ròng. Nếu cúc thất thì “trắng túi”. Riêng năm nay cúc đang phát triển tốt, dưng mà lại lo bị ế. Dự đoán giá cả bị kéo thấp, nếu bán không đạt trên 100.000 đồng/chậu, thì có nước tết này… ăn mắm!”.
Trồng hoa vùng “xôi đậu” nên có người “cảnh giác” khi phóng viên hỏi thăm: “Hỏi để yêu cầu đòi thu lại à? Thì chúng tôi đều biết đây là đất nhà nước, nên chỉ làm tạm mấy loại hoa giá rẻ. Còn khi người ta khởi công dự án, thì mình rút dẹp, đâu có ảnh hưởng đến ai!”.
Không cấm đoán nhưng chẳng thấy cán bộ chính quyền nào tỏ ra công khai ủng hộ vùng hoa “treo”. Có người e dè: “Nhiều ý kiến ý cò mệt lắm! Thôi thì “lơ” cho bà con làm. Khi có dự án triển khai thì phải tự động dẹp nghỉ”. Ông Nguyễn Đồng Ghi - Chủ tịch Hội Nông dân phường 9 nói: “Bà con cũng chỉ “đánh nhanh” mấy loại bông ngắn ngày như cúc, vạn thọ. Không ai dám đưa mai, quất ra trồng vì thời gian dài, khó thể rào giậu bảo vệ”.
Theo ông Ghi, Hội cũng đã từng đứng ra xin mượn đất “treo” để bà con sản xuất tạm, khi nào hết “treo” thì hoàn lại. Thế nhưng có quá nhiều ý kiến phản đối, bởi việc trồng hoa thường phải phun thuốc trừ sâu, làm ảnh hưởng các hộ dân và công sở lân cận. Việc nhiều hộ “hoa treo” xin lắp tạm đường điện để tưới nước, chong đèn đêm,… dẫn đến điện trong khu vực nhiều lần “tụt áp”. Vì thế bà con phải cam kết tránh phun thuốc hoa vào giờ ăn cơm, nghỉ trưa. Nhiều người phải tưới nước, phun thuốc vào ban đêm…
“Đất vàng đất bạc mà cứ quy hoạch “bỏ xó” mênh mông, ai mà không xót! Làm hoa tết trên đất kiểu này cũng là việc chẳng đặng đừng, cứ tạm bợ, phập phồng. Thôi thì tới đâu hay tới đó…!” - bà Trần Thị Mai thở dài nói.
Related news

Được Trung tâm Khuyến Nông Ngư quốc gia hỗ trợ kinh phí, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thí điểm mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap. Mô hình giúp các hộ nuôi hướng đến sản xuất sản phẩm sạch.

Do đất cằn cỗi, vườn cà phê đạt năng suất thấp, năm 2003, sau khi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, gia đình chị Chu Thị Dần ở Tổ dân phố 7, phường Thiện An (TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk) quyết định trồng xen các loại cây ăn trái như: Bưởi, cam, quýt trên diện tích 1,3 ha cà phê.

Tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa tại 3 huyện Tân Hồng, Tháp Mười, và Châu Thành thu được nhiều kết quả tích cực.

Được trồng ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cách đây cả chục năm, thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, khi giá hồng Nhân Hậu tăng từ 3000 đồng/kg lên tới gần 6000 đồng/kg khi giống hồng này mới trở thành cây trồng triển vọng trong phát kinh tế tại địa phương.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi heo và tạo nguồn khí gas phục vụ đun nấu, phòng nông nghiệp huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan khuyến cáo, hỗ trợ các hộ chăn nuôi heo làm túi ủ biogas.