Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vải thiều sớm tiêu thụ thuận lợi, được giá

Vải thiều sớm tiêu thụ thuận lợi, được giá
Publish date: Tuesday. May 26th, 2015

Vải ngon, giá cao

Trong những vườn vải thiều của huyện Lục Ngạn, đã nhiều sắc đỏ của vải sớm. Anh Thân Trọng Duy, xã Phượng Sơn nói: “Trước kia nhà tôi trồng gần 500 cây vải chính vụ nhưng do thời gian thu hoạch ngắn nên tôi trồng xen 20 cây vải sớm để rải vụ, năm nay ước đạt 1 tấn quả. Đầu vụ, giá từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg tùy loại, trong đó vải U hồng từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg, tăng 2.000 đến 3.000 đồng/kg so với năm trước”.

Theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm nay, toàn huyện có 1.750 ha vải sớm với các giống như: U hồng, U trứng, lai Thanh Hà... sản lượng ước đạt 7.000 tấn. Để tạo thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều, UBND huyện dành 500 triệu đồng tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, khảo sát mở rộng thị trường tại một số tỉnh, thành phố, cửa khẩu; hỗ trợ kinh phí in nhãn hàng hóa, lô gô vải thiều…

Tại các xã: Phượng Sơn, Tân Mộc, Nam Dương, Nghĩa Hồ... nhiều xe tải nhỏ đỗ nối đuôi nhau chờ “ăn” hàng vận chuyển đi các tỉnh lân cận. Do là vải đầu mùa nên người dân thu hoạch đến đâu, thương nhân mua hết đến đó. Bà Nguyễn Thị Phượng, thị trấn Chũ, chủ một điểm cân cho hay: “Tôi cân vải tại nhà đã hơn chục năm. Vải sớm tôi thu mua theo đơn đặt hàng của khách, có ngày chỉ vài tạ nhưng cao điểm có thể lên 5 đến 7 tấn. Sau đó, xe của thương nhân các tỉnh chở đi bán ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…”.

Còn ở huyện Tân Yên, trên các trục đường chính về các xã trồng nhiều vải sớm, xe đến từ các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đang tập trung thu mua vải thiều. Tùy từng loại, giá từ 20 đến 25 đồng/kg.

Bà Lê Thị Thanh Thủy chuyên thu mua vải ở xã Phúc Hòa mang đi miền Nam cho biết: “So với mọi năm, vải năm nay ngon hơn, vị ngọt thanh, mẫu quả đẹp. Mỗi ngày tôi cân 15 tấn đóng xe để chở vào TP Hồ Chí Minh”. Gần điểm cân của chị Thủy, chị Nguyễn Thị Dung (Hà Nội) ngày nào cũng về xã Phúc Hòa thu mua 2 - 3 tấn vải về Hà Nội tiêu thụ. Để mua được vải “hàng đầu” quả to đều, mỏng vỏ, không bị sâu cuống, chị phải liên hệ trước với các hộ trong xã.

Ngoài khách hàng trong nước, thời điểm này ở Phúc Hòa có khoảng 10 thương nhân Trung Quốc đặt điểm cân. Các nhà vườn ở đây cho biết, từ ngày 23 đến ngày 30-5, vải được thu hoạch rộ.

Theo ông Trần Văn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã, năm nay xã có 450 ha vải sớm. Do người dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng ước đạt 4.000 tấn quả, tăng 500 tấn so với năm ngoái. Với hơn 1.000 ha, sản lượng vải sớm của Tân Yên ước đạt 6.000 tấn quả, tăng 1.500 tấn so với năm ngoái, ước thu khoảng 90 tỷ đồng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Trao đổi với ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT được biết, diện tích vải sớm toàn tỉnh hiện có 6.000 ha, trong đó gần 450 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP. Sở đã chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường phối hợp với các huyện hướng dẫn quy trình này cho nông dân. Ngoài ra, các hộ dân chủ động áp dụng quy trình này với diện tích gần 1.000 ha. Đây là một trong những giải pháp đột phá góp phần tăng năng suất, chất lượng vải sớm. Điển hình như ở Phúc Hòa có 100 ha vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP.

Theo đánh giá của các thương nhân, vụ này, vải Phúc Hòa có mẫu mã đẹp hơn, vỏ mỏng, vị ngọt thanh. Diện tích vải VietGAP có nhiều thương nhân đến tận vườn đặt mua từ vài tháng trước. Nhiều hộ dân ở Phúc Hoà ước thu hàng trăm triệu đồng từ bán vải sớm. Bà Bùi Thị Mừng, thôn Quất Du 1 cho biết: “Vụ này, gia đình tôi có 100 cây vải cho thu hoạch. 10 ngày qua, tôi đã bán hơn 3 tấn quả, trị giá gần 60 triệu đồng, từ nay đến cuối vụ sẽ thu thêm 50 triệu đồng nữa từ vải sớm”. Hay tại thôn Vối, vụ này gia đình ông Nguyễn Văn Hải ước đạt gần 10 tấn vải thiều, ước thu 200 triệu đồng.

Cùng với việc hướng dẫn người dân chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian qua, chính quyền các cấp và ngành chức năng còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều thuận lợi. Chuẩn bị vào vụ vải thiều, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, Lạng Sơn và sắp tới tại TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy thông thương vải trong nước và xuất khẩu.

UBND các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên đã chỉ đạo những xã có nhiều diện tích trồng vải bố trí khu vực đỗ xe, điểm thu mua, thành lập tổ, đội tuần tra bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Hằng ngày, Sở Công thương cập nhật thông tin giá tại một số chợ đầu mối nông sản trong nước, các cửa khẩu và những vùng trồng vải trọng điểm trong tỉnh Bắc Giang trên trang website: bacgiangintrade.gov.vn để thương nhân, người dân cập nhật, tránh tình trạng bị ép giá.


Related news

Mô Hình Trồng Bắp Lai Thương Phẩm Ở Phước Đại Mô Hình Trồng Bắp Lai Thương Phẩm Ở Phước Đại

Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai thương phẩm, đến nay người dân xã Phước Đại (Bác Ái) đã thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế đạt cao.

Wednesday. July 31st, 2013
Thu Hoạch Ốc Hương Bằng Máy Thu Hoạch Ốc Hương Bằng Máy

Vụ mùa năm nay, gia đình anh nuôi 1,7 sào ốc hương. Sau 5 tháng, anh thu hoạch hơn 2 tấn ốc, trị giá gần 200 triệu đồng. Anh thu hoạch ốc bằng máy hút ốc, tránh được thất thoát từ 30- 40% và giảm được công lao động. Đây là một mô hình mới thu hoạch ốc hương bằng việc đưa cơ giới vào sản xuất góp phần phát triển nông thôn mới.

Wednesday. July 31st, 2013
Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Nuôi Cá Lăng Nha Đuôi Đỏ Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Nuôi Cá Lăng Nha Đuôi Đỏ

Trong một vài năm trở lại đây, mô hình cá lăng nha đuôi đỏ nuôi trong bè nổi tại các hồ lớn, hồ thủy điện… trong tỉnh Dak Lak đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn trên dòng sông Mê Kông.

Wednesday. July 31st, 2013
Khuyến Khích Nông Dân Thả Tôm Nuôi Dứt Điểm Để Tránh Dịch Bệnh Khuyến Khích Nông Dân Thả Tôm Nuôi Dứt Điểm Để Tránh Dịch Bệnh

Thực hiện lịch thời vụ trong nuôi trồng thủy sản, trong tháng 7/2013 ở Bạc Liêu, nông dân đã tập trung thả giống hơn 96.830ha, nâng tổng diện tích tôm nuôi đến nay lên hơn 124.590ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp khoảng 11.570ha, còn lại là diện tích nuôi quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến kết hợp với các loại thủy sản khác như: cá, cua...

Wednesday. July 31st, 2013
Cây Dâu, Con Tằm Nội Địa Cây Dâu, Con Tằm Nội Địa "Lên Ngôi"

Nếu như trước đây 90% giống dâu, tằm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ thì nay người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang nuôi trồng giống dâu, tằm nội địa. Giống dâu, tằm này do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng (TTNCTNNLN) nghiên cứu và đưa vào sản xuất đại trà thời gian gần đây.

Wednesday. July 31st, 2013