Cách Nuôi Cá Chình Trong Ao Đất
Người nuôi thủy sản tại thị xã La Gi từ trước đến nay đã quen nuôi các loại thủy sản nước lợ như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá chẻm ... Riêng cá chình là đối tượng nuôi hoàn toàn mới. Ngày 26/6/2009 Trung Tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình thuận kết hợp với Phòng Kinh tế thị xã La Gi, Hội Nông dân, UBND xã Tân Tiến.... đã triển khai xây dựng mô hình “ Nuôi cá chình trong ao đất ”.
Đây là mô hình nuôi cá chình trong ao đất đầu tiên tại thị xã La Gi, mô hình được thực hiện trong 9 tháng. Từ lâu nay đa số người dân chỉ quen nuôi cá chình với hình thức nuôi trong lồng bè ở các huyện miền núi, nhưng mô hình nuôi cá chình trong ao đất đầu tiên tại thị xã La Gi đã mang lại lợi nhuận cao. Chủ mô hình là ông Bùi Tấn Phúc, người nông dân có bề dày kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản. Với ao nuôi mô hình có diện tích 1.000 m2, vì tập tính của cá chình là thích ở nơi bóng tối, thích ẩn nấp dưới bùn, nên ao nuôi đòi hỏi phải được phát quang kỹ và nạo vét sạch bùn đáy, diệt tạp và bón vôi với liều lượng 60 kg/1000 m2, nguồn nước cấp vào trong ao rất trong và sạch., nước còn được lọc qua lưới có lỗ nhỏ để hạn chế cá tạp. Loại giống thả là cá chình tự nhiên bảo đảm chất lượng, số giống thả 1.000 con, với mật độ 1 con/m2, cỡ giống thả 3 – 4 con/kg.
Trong quá trình thực hiện mô hình cá chình phát triển rất tốt, hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương. Có điều đáng lưu ý khi nuôi cá chình, do đặc tính ăn động vật tươi sống và sống ở nơi có bóng tối nên cá chình thường chui vào các ống nhựa PVC đặt sẵn trong ao, qua nhiều ngày lượng thức ăn dư thừa, chất thải của cá nuôi tích tụ đưới đáy ao cũng là nơi đặt các ống nhựa cho cá ẩn nấp nên cá dễ bị bệnh nhiễm khuẩn, tuột nhớt. Vì vậy trong quá trình nuôi ngoài việc định kỳ thay nước thì cứ 20 ngày nên dùng vôi bón xung quanh bờ ao và ao nuôi với liều lượng 30kg/1000m2. Bổ sung vào thức ăn cho cá Vitamin C và các khoáng chất để tăng sức đề kháng. Sau thời gian nuôi 6 tháng cá đạt trọng lượng 0,8 kg/con, tỷ lệ sống đạt 70 %, với sản lượng 560 kg. Dự kiến sau 9 tháng nuôi, cá sẽ đạt 1,5 kg/con, sản lượng đạt 1.050 kg, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg, vì đang trong thời điểm giáp tết nên giá cũng khá cao. Với tổng doanh thu là 262.500.000 đồng trừ tất cả chi phí, mô hình đạt lợi nhuận khoảng gần 90 triệu đồng. Ông Phúc, chủ mô hình tâm sự: “Trong quá trình thực hiện mô hình, tôi thấy cá chình là loài cá tương đối khó nuôi nhưng đã phát triển thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương”. Tại buổi hội thảo nghiệm thu mô hình, người người nuôi thủy sản đã rất quan tâm đến đối tượng nuôi mới này và đã cùng trao đổi nhiệt tình với cán bộ kỹ thuật . Đây là mô hình đầu tiên được ứng dụng tại thị xã La Gi, đối tượng cá chình còn khá xa lạ với người nuôi nên cần được tập huấn để hướng dẫn nuôi một cách an toàn và hiệu quả.
Cá chình là đối tượng cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, được coi là hàng quý hiếm và đắt tiền. Giá thương phẩm tại thời điểm hiện nay là 300.000đ/kg (trên1kg/con), cao nhất so với các loại đối tượng cá nước ngọt khác. Đặc biệt cá chình nuôi càng lâu thịt càng săn chắc, thơm ngon, cá chình càng lớn giá trị càng cao. Mô hình nuôi cá chình trong ao đất đem lại hiệu quả kinh tế cao sẽ được ứng dụng rộng rãi góp phần làm đa dạng hóa mặt hàng nuôi thủy sản nước ngọt tại địa phương.
Related news
Năm 2014, tỉ lệ thiệt hại trên tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng khá cao (trên 41%), tuy nhiên sản lượng vẫn đạt trên 80.000 tấn theo kế hoạch đề ra. Kết quả ấy là do người nuôi tôm đã chuyển đổi cơ cấu giống từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý.
Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.
Sò huyết được nuôi xen canh với tôm, cua tại các vuông nuôi thủy sản vùng nước mặn của Cà Mau, tập trung nhiều ở huyện Cái Nước. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước thống kê cả huyện có trên 6.600ha sò huyết, tập trung nhiều ở xã Đông Thới và Trần Thới.
Trước nhu cầu sử dụng các tuyến ống để phục vụ thoát nước thải và cấp nước mặn trong nuôi tôm chân trắng ở các xã ven biển huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), UBND tỉnh đã hỗ trợ trang cấp hơn 40 ngàn ống PVC các loại, 195 ống buy bê tông các loại và nhiều phụ kiện vật tư khác.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được huyện tập trung, thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử lý 146 trường hợp, trong đó có 14 trường hợp giã cào bay hoạt động sai tuyến. Đồng thời, tổ chức 2 lớp tập huấn cho 200 ngư dân tại xã Phước Thể về công tác nâng cao năng lực ứng phó với bão lốc khi ra biển hoạt động.