Ứng dụng đèn LED vào khai thác hải sản xa bờ
* Đèn LED nhiều hữu ích
Ngày 13.7 lần đầu tiên Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh (thuộc Sở Công thương) đã chính thức tiếp nhận hệ thống dàn đèn dẫn dụ cá đánh bắt xa bờ do Công ty Glow (Hàn Quốc) tài trợ cho ngư dân Quảng Ngãi. Dàn đèn này gồm 24 chiếc được sản xuất bằng công nghệ đèn LED.
Các chuyên gia Hàn Quốc và lãnh đạo Công ty Glow đã trực tiếp xuống cảng Tịnh Kỳ lắp đặt hệ thống dàn đèn LED này cho tàu cá của ngư dân. Đồng thời tư vấn hướng dẫn sử dụng, thông tin những hữu ích khi ứng dụng hệ thống dàn đèn LED trong việc đánh bắt cá xa bờ.
Ông Lee In Tae – Giám đốc Công ty Glow cho biết: “Đèn LED có hiệu suất chiếu sáng cao, thu hút được cá nhiều hơn, trong khi tiêu tốn điện năng ít hơn rất nhiều lần so với các loại đèn mà ngư dân đang sử dụng cho tàu cá”.
Ông Lee In Tae giải thích tỷ mỉ: Đèn LED tiêu tốn điện năng nhỏ hơn 8 lần so với đèn cao áp mà ngư dân đang dùng cho tàu cá đánh bắt xa bờ. Độ chiếu sáng có chiều sâu dưới mực nước biển 50 mét, khả năng tập trung ánh sáng tốt, còn đèn cao áp chiếu sáng chỉ khoảng 10 – 15 mét. Vì thế ngư dân khi sử dụng có thể tiết kiệm đến 80% hao tốn nhiên liệu chạy máy phát điện cho hệ thống đèn, nhưng lại có khả năng dẫn dụ được đàn cá ở độ sâu gấp 4 – 5 lần so với đèn cao áp thông thường. Do đó hiệu quả kinh tế đánh bắt đạt cao hơn. Ngoài ra, tuổi thọ của đèn LED cao hơn 8 – 10 lần đèn cao áp nên giảm chi phí mua sắm đèn thay thế.
Ngay khi tiếp nhận hệ thống dàn đèn LED của Công ty Glow, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh phối hợp với Công ty đã trực tiếp lắp đặt dàn đèn cho tàu cá QNg 91375 TS của ngư dân Đinh Duy Trinh.
Sự tiêu hao điện năng được thử nghiệm, so sánh đối chiếu ngay tại chỗ bằng việc chạy máy nổ, bật sáng đèn LED 120W, đo đếm điện năng qua đồng hồ với việc bật hệ thống đèn cao áp 1.000W mà ngư dân Đinh Duy Trinh sử dụng. Độ chiếu sáng của đèn LED cũng được khẳng định là vượt trội so với đèn cao áp.
Ngư dân Đinh Duy Trinh vui mừng, hy vọng việc lắp đặt thí điểm hệ thống dàn đèn LED tiêu hao ít nhiên liệu sẽ giảm chi phí đáng kể cho việc chạy máy phát điện trên tàu; đồng thời giảm bớt sự quá tải, gây trục trặc hoạt động của dàn đèn trong quá trình đánh bắt trên biển.
* Giải pháp áp dụng khả thi
Ông Trần Phước Hiền – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: “Sau khi tiếp nhận dàn đèn LED, lắp đặt thí điểm cho tàu cá QNg 91375 TS của ngư dân Đinh Duy Trinh đánh bắt xa bờ, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục có phương án kêu gọi Công ty Glow đầu tư hỗ trợ áp dụng dàn đèn LED rộng rãi cho ngư dân Quảng Ngãi”.
Theo đó, Trung tâm sẽ phối hợp với Công ty Glow triển khai giải pháp đầu tư lắp đặt dàn đèn LED không thu tiền một lần mà ngư dân chi trả dần theo từng phân kỳ. Do đó ngư dân không phải bỏ vốn đầu tư mua sắm thiết bị đèn LED một lần tốn kém. Cụ thể: Khi lắp dàn đèn LED ngư dân giảm được 80% hao tổn, chi phí điện năng. Số tiền tiết kiệm chi phí này sẽ được chuyển trả cho Công ty Glow. Theo tính toán, trong vòng 2 năm áp dụng đèn LED, số tiền tiết kiệm chi phí sẽ trả đủ vốn đầu tư đèn LED cho Công ty Glow và hệ thống dàn đèn sẽ thuộc về quyền sở hữu của chủ tàu cá. Vì thế có thể khẳng định rằng, việc thay thế dàn đèn LED không làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho ngư dân.
Hiện nay, Quảng Ngãi có hơn 6.000 tàu cá, trong đó có khoảng gần 3.000 là tàu đánh bắt cá xa bờ. Nếu tất cả các tàu cá đều được lắp đặt hệ thống dẫn dụ cá bằng đèn LED thì số tiền tiết kiệm chi phí sau mỗi chuyến ra khơi của ngư dân lên đến nhiều tỷ đồng.
Dù chỉ là khởi đầu ở Quảng Ngãi, nhưng trên thế giới, đặc biệt là ở Hàn Quốc việc áp dụng hệ thống dàn dẫn dụ cá bằng đèn LED đã được áp dụng hiệu quả từ rất nhiều năm trước. Với những giải pháp thuận lợi cho ngư dân Quảng Ngãi khi trang bị hệ thống đèn LED, hy vọng những ngư dân đánh bắt xa bờ của tỉnh sẽ giảm đáng kể chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, thiết thực góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Related news
Điều gì làm cho một tỉnh nằm ở cực Nam Trung Bộ được mệnh danh là xứ sở “thừa nắng” trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước? Câu trả lời đơn giản là tỉnh ta đã khai thác được lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm để sản xuất tôm giống mà nhiều nơi khác không sánh kịp.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 102 cơ sở sản xuất cá tra giống, với sản lượng từ 25 - 28 tỉ con cá tra bột. Các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất giống cá tra bột như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Tiền Giang.
Đến hết năm 2014, diện tích mặt nước, ao nuôi thủy sản toàn tỉnh đã đạt 1.875 ha, tăng 59 ha so với năm 2013, thủy sản Lào Cai không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng ra một số địa phương lân cận như Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái... Cùng với mở rộng diện tích, người nuôi thủy sản đã chú trọng chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh...
Hiện nay, cua xanh thương phẩm được coi là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả. Những năm gần đây, bà con vùng nuôi trồng thủy sản xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã đưa vào nuôi bằng hình thức nuôi đơn hoặc nuôi ghép đối tượng khác, đem lại hiệu quả khá cao.
Lâu nay, cách câu cá ngừ đại dương truyền thống của ngư dân bằng vàng câu, thẻo câu và thậm chí câu bằng đèn cao áp, do đó cá ngừ sau khi đưa lên tàu đã không còn giữ được sắc đỏ của thịt nên thường chỉ làm được đông lạnh hoặc đóng hộp. Đây là lý do giải thích vì sao, Việt Nam hiện chỉ xuất khẩu cá ngừ ở dạng đông lạnh hay đóng hộp.