Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tỷ Phú Cao Su Xứ Thanh

Tỷ Phú Cao Su Xứ Thanh
Publish date: Sunday. November 4th, 2012

Với 17 ha cao su, 3 ha luồng, đàn gia súc, gia cầm hàng trăm con, tạo công ăn việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương; trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Đó là mô hình kinh tế trang trại của chàng trai người dân tộc Mường - Quách Văn Tùng, SN 1983 tại thôn 10, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). 
Sức trẻ giữa đại ngàn

Chúng tôi về Ngọc Liên một ngày cuối thu. Không còn cảnh phố xá tấp nập, ồn ã, không còn những dòng xe hối hả ngược xuôi. Ngọc Liên mang đậm dấu ấn một xã miền núi của đô thị miền Tây xứ Thanh với không khí yên bình. Xóm làng được bao bọc, ôm ấp bởi những vạt mía, đồi cao su xanh ngút ngàn. 
Theo chân Quách Văn Tùng, ông chủ của 20 ha đồi rừng lên thăm rừng cây cao su của anh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn thán phục. Có thể nói không ngoa rằng chỉ tay đến đâu là rừng của Tùng đến đấy. Hàng hàng, lớp lớp cây cao su được trồng thẳng tắp, cành lá vươn cao ngút mắt.

Vừa hướng dẫn bà con nông dân phương pháp thu hoạch mủ cao su, Tùng vừa chia sẻ chặng đường gian nan của anh chinh phục mảnh đất cằn này. Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ những năm đang còn ngồi trên ghế nhà trường, sau giờ học, Tùng lại cùng bố mẹ lên quả đồi được nhà nước giao khoán để phát quang bụi rậm, đào hố trồng cây cao su. 
Khi đó, đồi cao su bạt ngàn mà chúng tôi đang đứng chỉ là những bụi rậm, cỏ dại, đá tảng lởm chởm. Không biết đã bao lần, bàn tay cha mẹ cũng như bàn tay học trò của Tùng rớm máu. Nhưng tình yêu thương cha mẹ cùng lòng hăng say lao động như ngấm vào máu thịt Tùng, tuy đang ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa đến” nhưng anh không ngại khó khăn, vẫn miệt mài “chinh phục” từng tấc đất. 
Để có được thành quả ngày hôm nay, ngoài mồ hôi, công sức, gia đình Tùng phải huy động mọi nguồn vốn, từ tiền bán gia súc, gia cầm, cộng với 50 triệu đồng tiền vay của ngân hàng, gia đình anh đầu tư hết vào trồng cao su. Sau khi học xong phổ thông, bố mẹ thấy con hay lam hay làm nên “giao phó” trọng trách trồng, quản lý, chăm sóc trang trại cho Tùng. 
Nói thì dễ nhưng quá trình thực hiện mới lắm gian nan. Ban đầu, cũng có lúc Tùng nản chí. Bởi đa số người Mường ở quê hương anh lâu nay chỉ quen trồng cây luồng, cây mía nguyên liệu, cây ngô, cây sắn… 
Khi trồng, khai thác mủ cao su, anh gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, ở địa phương lại không có ai để Tùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết tâm cắp sách đi khắp nơi học cách chăm sóc, khai thác mủ cao su sao cho đúng quy trình, để phát triển đồi rừng ổn định, bền vững. 
Đất không phụ công người

Thời gian trôi đi, sau 7 năm hầu như cả ngày Tùng “ăn cao su”, “ngủ cao su”, đến năm 2006, 17 ha cao su đã bắt đầu cho thu hoạch mủ. Suốt nhiều năm cứ vào vụ thu hoạch, từ tờ mờ sáng, Tùng cùng hàng chục thanh niên trong thôn được thuê lại lên đồi hì hục cạo mủ. 
Ngoài cao su, anh còn trồng 3 ha luồng; nuôi trâu, bò, lợn và đàn gia cầm với số lượng hàng trăm con. Mô hình kinh tế trang trại của anh đang tạo việc làm ổn định cho từ 20 - 30 lao động, với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp này, trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình Tùng thu nhập gần một tỷ đồng. 
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, Tùng còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương; chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cao su, phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả cho bà con nông dân trong vùng. Mỗi năm, Tùng đón hàng chục đoàn khách, chủ yếu là bà con nông dân, đoàn viên thanh niên đến học hỏi kinh nghiệm làm giàu. Đây cũng chính là nguồn động viên lớn lao đối với Tùng sau nhiều ngày tháng lăn lộn với rừng. 
Mô hình kinh tế trang trại của Tùng là một trong những mô hình kinh tế lớn, đạt hiệu quả cao do thanh niên nông thôn làm chủ. Với những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương, Quách Văn Tùng đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2011 do Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng. 
Nói về thanh niên Quách Văn Tùng, ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên chia sẻ: “Ý chí, nghị lực cũng như chí làm giàu của Tùng khiến người lớn tuổi trong xã ngạc nhiên, người nhỏ tuổi khâm phục. Ngọc Liên được chọn là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa. Tùng là một trong những thanh niên nông thôn tiêu biểu, đang ngày đêm góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng NTM thành công…”. 
Chia tay chàng trai Mường khi trời chiều chạng vạng, chúng tôi về lại thành phố. Rừng cao su bạt ngàn, tràn đầy nhựa sống cứ lùi mãi lại phía sau. Nhưng dường như sức trẻ ấy, nhựa sống ấy đã lan tỏa sang cả chúng tôi...


Related news

Hỗ Trợ Gần 10 Tỷ Đồng Cho Nông Dân Có Diện Tích Lúa Bị Dịch Muỗi Hành Gây Hại Hỗ Trợ Gần 10 Tỷ Đồng Cho Nông Dân Có Diện Tích Lúa Bị Dịch Muỗi Hành Gây Hại

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn về việc cấp kinh phí bổ sung gần 10 tỷ đồng cho 5 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười nhằm hỗ trợ các khoản chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân có diện tích lúa đông xuân 2013-2014 bị dịch muỗi hành gây hại.

Monday. March 3rd, 2014
Khan Hiếm Nguồn Khoai Lang Giống Chất Lượng Khan Hiếm Nguồn Khoai Lang Giống Chất Lượng

Gần 90% nông dân trồng khoai phải đi mua dây khoai lang giống, còn lại tự sản xuất hoặc trao đổi với nhau. Điều này đã làm cho nhiều giống khoai bị thoái hóa, năng suất và chất lượng đạt thấp.

Monday. March 3rd, 2014
Hiệu Quả Mô Hình Tổ Hợp Tác Nuôi Cá Lóc Hiệu Quả Mô Hình Tổ Hợp Tác Nuôi Cá Lóc

13 hộ trong THT nuôi cá lóc ở ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn hết sức phấn khởi vì sản phẩm của họ đã được bao tiêu thu mua ổn định. Trung bình mỗi ngày, THT giao cho siêu thị Metro tại TP Cần Thơ khoảng 200 kg, tuy không nhiều so với sản lượng cả tổ đã nuôi được, nhưng nhờ giá cả ổn định ở mức khá, và có hợp đồng lâu dài nên bà con yên tâm sản xuất.

Monday. March 3rd, 2014
Khan Hiếm Tôm Hùm Giống Khan Hiếm Tôm Hùm Giống

Mùa bắt tôm hùm giống đã vào chính vụ từ hơn 2 tháng nay, nhưng lượng tôm giống bắt được ít hơn so với mọi năm. Việc khan hiếm tôm hùm giống không chỉ là nỗi buồn của những ngư dân làm nghề săn tôm hùm giống, mà còn gây không ít khó khăn cho những người nuôi loài đặc sản này…

Monday. March 3rd, 2014
Bắp Rớt Giá, Nông Dân Lo Lắng Bắp Rớt Giá, Nông Dân Lo Lắng

Với giá bán hiện nay, được khoảng 24 triệu đồng. Nếu trừ chi phí: giống, tiền cày, tiền công thu hoạch, máy bung bắp... hết 13 triệu đồng thì số còn lại xem như đủ tiền công của hai vợ chồng làm gần 4 tháng. Điều may cho anh Ngọc là đất của anh được miễn 100% thủy lợi phí nên chưa tới phải lỗ trong vụ bắp này.

Monday. March 3rd, 2014