Thông tin từ các Sở NNPTNT khu vực ĐBSCL, tình hình rầy nâu, sâu bệnh hại lúa ngày càng nghiêm trọng khi lúa hè thu tại đây đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.
PGS-TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, năm nay, diện tích lúa hè thu sớm (tức vụ xuân hè) tăng mạnh, khoảng hơn 250.000ha so với cùng kỳ 2011. Hiện tại, diện tích này đã bước vào thời kỳ thu hoạch, không ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân khiến rầy nâu di chuyển từ vụ đông xuân sang gây hại trên diện rộng trong vụ hè thu chính.
“Nếu không ngăn chặn kịp thời, nguy cơ rầy nâu, sâu bệnh sẽ tích tụ và bùng phát trong thời gian tới, tiếp tục lây lan gây hại sang vụ khác ”, ông Dư lo lắng. Theo ông, bà con nông dân vẫn giữ thói quen gieo trồng liên tiếp các vụ khiến đất không có thời gian nghỉ ngơi, các mầm bệnh không được tiêu diệt triệt để.
Trước tình hình này, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương tiến hành xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy để tránh sâu bệnh. Áp dụng “3 giảm, 3 tăng” ngay từ đầu vụ, đồng thời thường xuyên thăm đồng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để xác định mật độ rầy truyền bệnh trên đồng ruộng. Khi phát hiện cây lúa bị bệnh phải sớm tiến hành nhổ bỏ và tiêu huỷ. Nếu bị nhiễm nhẹ dưới 20% thì nên nhổ bỏ cây bị bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ ruộng.
Đối với bệnh đạo ôn, GS Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho rằng, cần thực hiện sử dụng hợp lý thuốc hoá học trên nền áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) theo sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ chuyên môn bảo vệ thực vật ở địa phương. Tuyệt đối không phun thuốc khi chưa tới ngưỡng cần thiết, vì càng phun thuốc, rầy nâu càng bộc phá và gây hại nhiều hơn.
GS Bửu cũng khuyến cáo bà con cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh. Khi xảy ra bệnh nên ngừng bón phân đạm, giữ mức nước trên ruộng phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây lúa, nếu cần thì phun thuốc vào lúc sáng sớm khi trời đã ráo sương hoặc vào buổi chiều mát.