Tự tin về đích đúng lộ trình
Xuất phát điểm là xã nghèo, nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sau 4 năm triển khai XDNTM, Xuân Phổ đã hoàn thành 12/19 tiêu chí, gồm: quy hoạch, thủy lợi, hệ thống điện, nhà ở dân cư, bưu điện, tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, hình thức sản xuất, giáo dục, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự.
Những kết quả đạt được tạo tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân Xuân Phổ phấn khởi, tin tưởng tiếp tục vững bước đi lên, hoàn thành mục tiêu đề ra, phấn đấu về đích đúng hẹn trong năm nay.
Xác định XDNTM là mục tiêu quan trọng và lâu dài, không những làm thay đổi bộ mặt của xã mà còn của cả huyện Nghi Xuân, từ năm 2011 đến nay, Xuân Phổ đã làm mới được 9,871km đường trục xã (đạt 93,1%); 5,385km đường trục thôn (65%); bê-tông hóa 6,794km đường ngõ xóm (86%); 100% các tuyến đường không còn lầy lội trong mùa mưa và cát bụi vào mùa khô. Ngoài ra, xã còn bê-tông hóa được 2,185km đường nội đồng (chiếm 72% đường đạt chuẩn). Trong đó, đã tiến hành làm mới 1,072km rãnh tiêu thoát nước hai bên đường và trồng 2,4km cây xanh ở đường trục xã.
Đến nay, 5 HTX (Xuân Thành, Hoàng Thông, Phổ Xuân Dương, HTX dịch vụ nông nghiệp và thuỷ lợi, Tiến Thắng) hoạt động hiệu quả, có hợp đồng liên doanh, liên kết; có 4 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi lợn, 2 THT (Hoàng Nam, Thế Danh) và 1 THT chăn nuôi bò, 1 THT chăn nuôi gà (Thanh Bình).
Ngoài ra, xã còn có 4 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp Hải Nghĩa và Xí nghiệp chế biến bột cá Hòn Ngư, hoạt động khá hiệu quả và 2 doanh nghiệp mới thành lập. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt trên 90% (2.249/2.408 lao động), góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo của Xuân Phổ giảm còn dưới 5% (59/1.226 hộ).
Các cấp chính quyền xã Xuân Phổ đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được triển khai bài bản, đạt kết quả tốt, trên 88,4%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề đạt 99%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 60% (1.441/2408 lao động).
Đặc biệt, tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị đã được xã hoàn thành; Đảng bộ, chính quyền xã đều đạt tiêu chuẩn “trong sạch vững mạnh”. Năm 2014, 100% cán bộ xã đạt chuẩn cán bộ công chức và có đủ tổ chức hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.
Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trường học và môi trường, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính nhưng cũng được Ban chỉ đạo XDNTM xã khẩn trương thực hiện, tăng tốc để kịp về đích. Trường mầm non xã đang được nâng cấp và hoàn thiện; trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia, hiện đang hoàn thành trần 5 phòng học, nhà để xe giáo viên và mở rộng khuôn viên trường.
Đối với tiêu chí môi trường, xã đã có Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân thu gom rác thải trên địa bàn và đã cho xây dựng 4 bãi tập kết rác thải tập trung, hiện đã đi vào hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Do có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên chúng tôi xác định, chỉ có huy động sức dân với chủ trương “quân với dân đồng sức đồng lòng” thì công cuộc XDNTM mới đạt được mục tiêu đề ra. Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với nhân dân đồng sức đồng lòng, thống nhất cao, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, người người, nhà nhà XDNTM”.
Cũng theo ông Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, Xuân Phổ vẫn đang gặp nhiều khó khăn. “Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả trong XDNTM. Tuy nhiên, theo dự tính của chúng tôi, để về đích cần nguồn kinh phí khoảng 13 tỷ đồng, trong khi huy động nguồn lực địa phương chỉ được 4 tỷ đồng.
Vì vậy, đề nghị huyện, tỉnh cùng các doanh nghiệp quan tâm, chung sức chung lòng hỗ trợ thêm nguồn lực cho Xuân Phổ. Hiện, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đang còn thiếu, các công trình trường học, nhà văn hoá, sân thể thao đều đang thi công”, ông Anh nói.
Hiện, Xuân Phổ vẫn đang cố gắng huy động mọi nguồn lực để hoàn thành chương trình XDNTM và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn lực để xã hoàn thành chương trình theo đúng lộ trình đề ra.
Related news
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở sản xuất giống thủy sản chuẩn bị cải tạo ao, bể ương, lấy nước dự trữ ương nuôi giống, xác định nhu cầu con giống của các địa phương và các vùng lân cận. Xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm, để kịp thời cung ứng giống phục vụ người nuôi bảo đảm kịp thời vụ.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, tỉnh Bình Định đã quyết định loại 4 tàu cá của ông La Tình, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn ra khỏi mô hình khai thác, thu mua xuất khẩu cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi, đồng thời thu hồi 4 bộ thiết bị câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản đã lắp đặt trên 4 tàu cá của ngư dân này.
Năm 2014, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chuyển giao cho nông dân xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để nhân rộng cần có sự quan tâm nhiều hơn của ngành chức năng.
Dựa vào tán rừng, anh Đỗ Văn Tài (xã An Cư, Tịnh Biên, An Giang) đã khai thác lợi thế để phát triển chăn nuôi nai theo hình thức bán hoang dã, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây được xem là cách làm giúp các chủ rừng nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Đồng Tháp Mười có hệ thống rừng tràm phong phú, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong, nên việc nuôi ong của người dân giảm được chi phí thức ăn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Công Sính đã thành lập mô hình nuôi ong lấy mật và hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên tham gia nuôi ong, giúp cho nhiều người ổn định cuộc sống và làm giàu.