Bò Kobe made in 100% Việt Nam sắp xuất chuồng
Nằm sâu trong bạt ngàn cà phê, trà thuộc thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) là trang trại bò Kobe duy nhất tại Việt Nam, một loại bò nổi tiếng thế giới có nguồn gốc từ Nhật Bản với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt như: bò uống bia, nghe nhạc, mátxa và thậm chí cấp thẻ “chứng minh” cho bò để tiện bề chăm sóc…
Cấp thẻ “chứng minh” cho bò
Như đã hẹn trước, ông Nguyễn Trí Đức Vũ (39 tuổi) - Giám đốc Công ty Cổ phần bò Kobe Việt Nam, đón chúng tôi và khoác lên người tôi chiếc áo công nhân cùng đôi ủng da cao cổ, hướng tôi ngồi lên hàng ghế sau của chiếc xe điện (loại xe chuyên dụng dùng trong trang trại).
Vừa lái ông vừa giới thiệu về trại bò Kobe: “Công ty được thành lập năm 2009 từ sự hợp tác của Việt Nam và Nhật Bản với tỉ lệ vốn là 50 - 50. Công ty nhập tinh bò Kobe từ Mỹ với giá (40 USD/liều tinh) về phối giống với bò sữa cho ra bò Kobe thế hệ F1.
Năm 2011, công ty đưa 120 con bò sữa (nhập 100 con từ Úc, Thái Lan, 20 con ở Việt Nam) về nuôi và cách ly, kiểm dịch sau khi các điều kiện sức khỏe của bò được đảm bảo mới bắt đầu phối tinh. Đến nay, trang trại đã có gần 100 con bò Kobe thế hệ F1 ở độ tuổi (1 tháng đến 26 tháng) từ việc phối giống này. Dự kiến đến tháng 6-2015, trại sẽ xuất chuồng lứa bò đầu tiên”.
Là giống bò thích nghi với xứ lạnh, nên khi nuôi trong môi trường nóng và độ ẩm cao, bò Kobe sẽ yếu hơn các giống bò ở Việt Nam, nhất là dưới 4 tháng tuổi, bò rất dễ mắc bệnh chướng hơi, viêm phổi. Do đó, cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, quy trình nuôi hết sức nghiêm ngặt. Ngoài lượng thức ăn hàng ngày, bò Kobe còn được bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Thức ăn dành cho bò Kobe được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu: Bắp ủ chua, hèm bia, bã mía, rỉ mật, gạo (tấm), bã đậu nành, bã đậu phộng, bánh dầu, cỏ voi... Hai lần mỗi ngày, nhân viên của trại sẽ đi dọn vệ sinh và cho bò ăn. Lượng thức ăn trong máng không bao giờ được cạn, luôn phải duy trì nguồn nước và nguồn thức ăn.
Vì đặc điểm nuôi dưỡng phải được ăn thường xuyên nên càng lớn tháng, bò Kobe càng cần lượng thức ăn tinh nhiều hơn. Ở độ tuổi trưởng thành, 1 con bò Kobe có thể ăn từ (60 - 80kg) thức ăn/ngày. Để có được gần 100 con bò Kobe này, trại nuôi đồng thời 120 con bò sữa (phần nhiều là bò sữa HF).
Một con bò Kobe khi mới sinh cũng đã nặng 30 - 40kg. Khi sinh ra, từng con bê được cân nặng, khám sức khỏe, phân loại để có hướng chăm sóc riêng biệt. Sau khi được phân loại, bê con sẽ được cấp thẻ “chứng minh”, trên thẻ ghi rõ ngày sinh, nguồn gốc và đặc điểm khi sinh. Nhìn vào tấm thẻ này, người nuôi sẽ nhận dạng từng con dễ bề chăm sóc…
Vỗ béo kiểu Nhật
Khi chúng tôi đến cũng đúng lúc có đoàn chuyên gia Nhật Bản đang tiến hành kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn cách vỗ béo cho bò. Ông Vũ cho biết: “Hiện nay là giai đoạn vỗ béo cho bò, dự tính tháng 6 tới sẽ xuất chuồng lứa đầu tiên. Vì thế, trong giai đoạn “vỗ béo theo kiểu Nhật”, nghĩa là các chuyên gia Nhật Bản vừa làm vừa hướng dẫn và chuyển giao cách tắm rửa và mátxa cho bò. Mátxa bằng tay để đánh tan lớp mỡ dưới da và chuyển chúng vào phân bố đều ở các thớ thịt mới đạt chất lượng.
Hơn nữa, giai đoạn này còn phải cho bò uống bia để bổ sung năng lượng và tùy vào thể trạng bò như thế nào mà các chuyên gia sẽ cho uống liều lượng phù hợp. Chỉ khi xẻ thịt bò mới biết chất lượng đạt hay không nên quá trình nuôi giống bò Kobe không hề đơn giản”.
Bò Kobe phải nuôi khoảng 32 tháng, trọng lượng chừng 800 - 1.000 kg mới xuất chuồng. Ngoài ra, mỗi buổi sáng trước khi cho bò ăn, nhân viên của trại sẽ mở nhạc hòa tấu. Bò khi nghe nhạc sẽ hình thành phản xạ có điều kiện là đi tới máng ăn. Nhạc được mở suốt ngày, có tác dụng giúp bò thư thái và ăn được nhiều hơn, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi những tiếng động bên ngoài và tạo sự thân thiện giữa người nuôi với chúng…
Thấp nhất khoảng 3,5 triệu đồng/kg
Ông Vũ cho biết: “Trang trại đang trong giai đoạn thử nghiệm, vì là lần đầu tiên nuôi ở Việt Nam, nên chúng tôi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm và kiểm soát rủi ro. Bước đầu cho thấy bò Kobe có thể nuôi được trên đất Việt”.
Trước mắt, trong tháng 6 tới, những lứa bò Kobe đầu tiên “made in Việt Nam” xuất chuồng và bán tại thị trường Lâm Đồng. Lâu dài, thịt bò Kobe sẽ được bán tại các nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội, TP HCM…
Tuy nhiên, theo ông Vũ, lượng thịt bò xuất chuồng trong những năm đầu chưa thể nhiều, vì mỗi lứa chỉ khoảng 5 - 10 con. Trung bình trọng lượng thịt thương phẩm 1 con bò chỉ vào khoảng 300 - 400kg. Như vậy, mỗi tháng, lượng thịt bò Kobe của trại xuất ra thị trường chỉ vào khoảng 4 - 5 tấn với giá giao động từ 3,5 đến hơn 5 triệu đồng/kg (tùy theo từng loại như: đùi, vai, ba chỉ…).
Ông Vũ cũng cho biết thêm công ty đang đầu tư 40 tỉ đồng để mở rộng quy mô trại. Dự kiến sẽ tăng tổng đàn lên 900 con (400 bò sữa và 500 bò thịt) vào những năm tới. Trước mắt, sau năm 2015, khi quá trình nuôi thử nghiệm thành công, thế hệ bò Kobe F1 ra đời (sau 4 tháng) sẽ được công ty chuyển giao cho người dân địa phương nuôi giai đoạn trưởng thành. Đến 26 tháng tuổi, công ty sẽ nhận bò lại để tiến hành giai đoạn vỗ béo trước khi xuất chuồng.
Related news
Nông dân sản xuất rau màu huyện Hồng Ngự cho rằng, nếu sản lượng nông sản không bị “dội hàng” thì thu nhập từ sản xuất hoa màu, đặc biệt sản xuất trong mùa lũ...
Theo đó, Công ty đồng ý bao tiêu 800ha lúa của HTX với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg, đồng thời, hỗ trợ nông dân gần 2 tỷ đồng/vụ để mua giống sản xuất với lãi suất 0% trong 4 tháng kể từ thời điểm thu hoạch. Công ty sẽ thu nhận từ 500-700 tấn lúa/ngày và thời gian thu mua dứt điểm từ 8-15 ngày...
Những ngày gần đây, cá linh non - sản vật thiên nhiên đặc trưng của mùa nước nổi - đã xuất hiện ở một số địa điểm trên sông Tiền thuộc địa phận các huyện đầu nguồn như thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang, thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự của Tỉnh Đồng Tháp.
Sau bốn tháng thả nuôi, nhiều hộ nuôi cá chạch bùn (còn gọi là cá chạch sụn, cá chạch Đài Loan) ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đang bước vào giai đoạn thu hoạch, nhưng giá cá đã giảm khoảng 200.000 đồng/kg, hiện cá loại 20 đến 25 con/kg còn khoảng 80.000 - 90.000/kg.
Trong công tác quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và sở hữu trí tuệ, đơn vị tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm đánh giá trình độ công nghệ cho 6 doanh nghiệp và 3 đơn vị sở, ngành tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ 1 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ASC và GlobalGAP trong nuôi trồng thủy sản với số tiền 120 triệu đồng.