Trứng Vịt Tân Bình (Đầm Hà - Quảng Ninh)
Chăn nuôi vịt ven biển là nghề có truyền thống từ lâu đời ở huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) vì điều kiện ở đây rất phù hợp, đồng thời nó lại là một nghề không cần vốn đầu tư nhiều so với những ngành chăn nuôi khác, thời gian nuôi ngắn, xoay vòng vốn nhanh, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Đã có nhiều hộ dân giàu lên khi mạnh dạn đầu tư vào nuôi vịt.
Gia đình ông Dính A Lục và bà Nguyễn Thị Thuý trú tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà gặp rất nhiều khó khăn khi cả hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, thêm vào đó các con lại đang tuổi ăn học.
Là lao động chính trong gia đình, ông Lục luôn suy nghĩ làm thế nào để thoát khỏi cuộc sống khó khăn mà không phải xa quê như nhiều gia đình khác trong vùng. Nhận thấy nơi ở là vùng đất bãi triều ven biển rất giàu các loài động vật có thể làm thức ăn cho vịt. Năm 2006, ông đã mạnh dạn dốc hết số vốn 40 triệu đồng dành dụm được của hai vợ chồng và vay thêm anh em họ hàng mua 700 con vịt giống về nuôi lấy trứng.
Ông Lục cho biết: “Hàng ngày, tôi vẫn thường chăn thả vịt ở vùng đất bãi triều để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cho vịt, nên vịt lớn nhanh, 4 tháng sau khi nuôi, là vịt bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng từ 2-3 năm”.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày đàn vịt của ông Lục đẻ tối thiểu từ 350-400 quả trứng, trứng vịt của ông luôn được mối lái mua, hoặc đem bán giao cho các trường mầm non ở huyện Đầm Hà, Tiên Yên và các vùng lân cận với giá cao hơn nơi khác từ 300-500 đồng/quả. Tính ra mỗi ngày, gia đình ông Lục thu về được khoảng 1 triệu đồng.
Học tập mô hình nuôi vịt đẻ trứng của gia đình ông Dính A Lục và bà Nguyễn Thị Thuý nhiều hộ dân trong vùng cũng đầu tư mở trang trại quy mô nhỏ để nuôi vịt, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Đầm Hà đã có 8 hộ gia đình chăn nuôi vịt đẻ trứng với tổng số 4.000 con, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 2.200-2.500 quả trứng mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ gia đình chăn nuôi.
Từ hiệu quả mô hình nuôi vịt ven biển, nhiều năm nay xã Tân Bình đã chủ động quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ người chăn nuôi, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tích cực xây dựng thương hiệu.
Ông Hoàng Văn Bổng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết: “Vừa qua, trứng vịt Tân Bình đã được xã chọn là sản phẩm để xây dựng thương hiệu trong chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm”, chúng tôi đang đề nghị các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm hướng dẫn việc xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm, quy cách thực hiện để trứng vịt Tân Bình được vươn xa hơn”.
Có thể nói, mô hình chăn vịt đẻ trứng ở các xã ven biển huyện Đầm Hà không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà đồng thời còn cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, đây là mô hình rất thiết thực, cần nhân rộng nhằm phát triển kinh tế gia đình, tạo sự ổn định trong chăn nuôi, phát huy tiềm năng sẵn có tại địa phương.
Hy vọng rằng, sau khi có thương hiệu, nghề nuôi vịt ven biển sẽ được hỗ trợ đầu tư, nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tận dụng công lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần trong việc giảm nghèo, từng bước đưa ngành chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng bền vững.
Related news
Với hơn 74 nghìn hecta diện tích gieo sạ hằng năm nhưng hiện giờ, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn chưa có được bản quyền của một loại giống lúa siêu nguyên chủng nào; trong khi Dự án hỗ trợ phát triển giống lúa thuần mới chất lượng cao (gọi tắt là Dự án) thì triển khai cầm chừng vì “khát” vốn!
Vụ hè thu này, nhiều hộ nông dân “bể bồ” lúa, khi ở Mộ Đức năng suất bình quân ước 64 tạ/ha, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành 63 tạ/ha…Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chung thì nông dân một số địa phương cũng có những nỗi buồn riêng. Ấy là nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang vì thiếu nước hoặc sa bồi thủy phá do cơn lũ hồi giữa tháng 11.2013, nông dân “xé” quy trình kỹ thuật khiến kết quả sản xuất ở một số cánh đồng mẫu lớn (CĐML) không như mong đợi…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa theo dõi sát tình hình sản xuất, sản lượng...
Nguồn tin từ các nhà xuất khẩu cũng cho biết BERNAS đang đàm phán để mua thêm 200.000 tấn gạo từ kho dự trữ thóc gạo của Chính phủ Thái Lan thông qua thỏa thuận liên chính phủ.
Là vùng thuần nông, đời sống của người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp. Để tìm hướng phát triển mới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển mạnh đàn bò lai trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.