Thận trọng khi phát triển cây tỉ phú mắc ca
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng đây là cây trồng mới ở nước ta nên cần phải có kế hoạch về đầu ra của sản phẩm, thị trường tiêu thụ trước khi bắt đầu trồng đại trà; đồng thời khuyến cáo loại cây này không dễ trồng như nhiều người lầm tưởng và đây cũng không phải là “cây tỉ phú” như đồn đại.
Dân mạnh dạn trồng cây mắc ca
Người đưa cây mắc ca bén rễ trên vùng đất Sông Hinh là ông Nguyễn Đức Toán ở thôn Tân An, xã Ea Bar. Được trực tiếp tham quan, học hỏi mô hình trồng mắc ca tại tỉnh Đắk Lắk, cuối năm 2010, ông Toán đã mạnh dạn đầu tư gần trăm triệu đồng mua giống cây mắc ca đem về trồng xen với rẫy cà phê hơn 3ha.
Tháng 7/2014 vừa qua, gia đình ông đã thu bói được 300kg trái khô. Theo ông Toán, cây mắc ca phát triển nhanh, khỏe mạnh, chịu hạn tốt, không có biểu hiện của sâu bệnh và rất thích hợp trên vùng đất huyện Sông Hinh.
Cũng như ông Toán, cuối năm 2010, anh Kso Y Tin ở thị trấn Hai Riêng đã mạnh dạn đầu tư trồng 300 cây mắc ca trên diện tích 1ha đất rẫy của gia đình. Lúc đầu, sau khi trồng xong, anh Kso Y Tin bỏ mặc không chú trọng đầu tư nên cây phát triển chậm. Đến năm 2012, anh mới đầu tư hệ thống nước tưới, phát dọn, chăm sóc vườn cây. Hiện nay, vườn cây của anh đã ra trái bói và sai trái hơn cả vườn cây của ông Toán.
Khác với sự tự phát như hộ ông Toán và anh Kso Y Tin, nhiều hộ trên địa bàn Sông Hinh trồng cây mắc ca theo hợp đồng liên kết với Công ty TNHH thương mại và du lịch Đức Anh (Công ty TNHH Đức Anh), một đơn vị cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cây mắc ca.
Ông Nguyễn Văn Học, xã Ea Bar là một trong những hộ như vậy. Theo ông Học, tham gia hợp đồng, Công ty TNHH Đức Anh cung cấp giống cây mắc ca đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm định. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, Công ty TNHH Đức Anh đã hỗ trợ trực tiếp cho người tham gia dự án 25% tổng số tiền cây giống, công vận chuyển. Điều khiến người nông dân an tâm hơn, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, Công ty TNHH Đức Anh cam kết đảm bảo bao tiêu hết số lượng sản phẩm cây mắc ca theo giá cả thị trường đối với những hộ tham gia dự án.
Từ những kết quả bước đầu, đến nay trên địa bàn huyện Sông Hinh đã có hàng chục hộ đầu tư vốn trồng cây mắc ca với diện tích trên 40ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Trol, Ea Ly, Ea Bar. Cũng như cây cao su, trong bốn năm đầu, mắc ca cho phép trồng xen nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác như sắn, cà phê, bắp, đậu…
Những người trồng cây mắc ca cho biết, với khoảng cách hàng cách hàng 7m, cây cách cây 6m, hiệu quả canh tác cây ngắn ngày trên diện tích mắc ca giảm không đáng kể, ngược lại chúng còn hỗ trợ giữ ẩm, chống xói mòn đất khi tán cây mắc ca chưa phát triển. Cũng từ thực tế cho thấy, cây mắc ca phát triển đều trên các loại đất, từ đất đỏ, đất đen hay đất pha cát…
Thận trọng khi mở rộng diện tích
Mắc ca là cây trồng còn mới lạ ở vùng đất Sông Hinh, nhưng với những địa phương khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng hay một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều năm qua, cây mắc ca đã đem lại giá trị kinh tế cao từ việc bán nhân trái mắc ca để xuất khẩu đến các nước trên thế giới. Với giá thị trường 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi héc ta mắc ca cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, để tránh rủi ro như cây cà phê và cây cao su trước đây, lãnh đạo huyện Sông Hinh rất thận trọng trong việc triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Năm 2010, huyện đã mời các nhà khoa học tư vấn và tập huấn cho nông dân trong huyện; đồng thời đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT và UBND tỉnh cho trồng thí điểm tại Sông Hinh và đến nay, người dân đã trồng được trên 40ha.
Tại hội thảo giới thiệu khả năng phát triển cây mắc ca ở huyện Sông Hinh, các chuyên gia kinh tế khẳng định: Sông Hinh nằm ở độ cao, có khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, cây mắc ca sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nếu trồng, chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn.
Để giúp nông dân có hướng phát triển kinh tế mới, huyện Sông Hinh đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH Đức Anh triển khai dự án đầu tư trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca trên địa bàn huyện. Theo đó diện tích cây mắc ca sẽ được mở rộng lên đến 1.000ha, đồng thời đầu tư vốn xây dựng nhà máy thu mua và chế biến hạt mắc ca tại địa bàn.
“Qua gần 5 năm trồng thí điểm chúng tôi nhận thấy cây mắc ca trồng tại huyện Sông Hinh đều sinh trưởng, phát triển tốt và trồng được ở nhiều loại đất khác nhau, độ cao khác nhau, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để phát triển cây mắc ca trên quy mô lớn, chúng ta phải hết sức thận trọng. Bà con nông dân không nên trồng ồ ạt, cần thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp”, ông Trần Thanh Định nói.
Related news
Sở NNPTNT Bình Định vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc triển khai các giải pháp chỉ đạo sản xuất vụ mùa năm 2012.
Chưa bao giờ, ở huyện vùng cao biên giới Sông Mã (Sơn La) phong trào làm giàu, thúc đẩy kinh tế trang trại lại phát triển mạnh mẽ như những năm gần đây, khi mô hình "nuôi thả ba ba núi" xuất hiện.
Khúc sông Luỹ Thầy đoạn chảy qua trước nhà ông, không chỉ vợ con, mấy người trong làng mà cả mấy cán bộ của xã cũng hết sức can ngăn vì họ cho rằng ông hơi “liều” khi dám đem hàng chục triệu đồng bỏ xuống sông, xuống bể
Thời gian gần đây nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình có tình trạng tôm chết chưa rõ nguyên nhân. Nhiều hộ nuôi đã tỏ ra lo lắng và thiệt hại cũng không nhỏ. Vậy cơ quan chức năng đã có những động thái nào để ngăn chặn dịch bệnh, làm người nuôi yên tâm?
Chúng tôi đến nhà nông dân Lê Công Nhược (ở xã Đại Thắng - Quảng Nam) vào một ngày trời nắng bỏng rát trên miền đất bồi phù sa. Tiếp chuyện chúng tôi nhưng ông vẫn không quên... làm việc. Ông cười hiền: “Không thể ngưng tay được, thôi thì cứ vừa làm vừa nói chuyện cho nó tiện”.