Nam Định phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng NTTS của các huyện đều thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất.
Mặc dù tỉnh đã nỗ lực trong việc đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng phục vụ NTTS, song vẫn còn nhiều bất cập. Vốn đầu tư cho phát triển NTTS còn quá nhỏ so với yêu cầu. Một số dự án NTTS đã triển khai, nhưng thiếu vốn, nhất là việc huy động vốn tín dụng và vốn tự có của nông dân thấp nên tiến độ thực hiện các dự án chậm. Nông dân thiếu vốn đầu tư cải tạo ao, đầm, xây dựng các công trình nuôi, giống, vật tư trong khi đó đầu tư cho NTTS lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp.
Cơ sở hạ tầng của các cơ sở sản xuất giống nước ngọt đã được đầu tư từ nhiều năm trước, nay đã xuống cấp, chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa do đó chất lượng con giống sản xuất ra chưa đảm bảo. Đặc biệt, hệ thống thuỷ lợi đầu tư trước đây chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, khi chuyển sang NTTS không còn phù hợp; quy hoạch hệ thống thuỷ lợi chưa hợp lý, nhiều công trình không phát huy được hiệu quả; kinh phí đầu tư hạn chế.
Hiện nhiều vùng NTTS còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ NTTS, đặc biệt là hệ thống kênh mương, ao đầm và các công trình phụ trợ của các dự án NTTS tập trung đã xuống cấp nên hiệu quả phục vụ sản xuất chưa cao. Cuối năm 2014, Sở NN và PTNT đã thành lập đoàn công tác điều tra, đánh giá thực trạng hệ thống công trình thủy lợi vùng NTTS nước mặn lợ tập trung theo quy hoạch tại các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Hải Hậu.
Tại một số tiểu vùng NTTS là Thị trấn Quất Lâm, Giao Phong (Giao Thủy); Nam Điền, nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã có hệ thống tưới, tiêu tương đối riêng biệt. Tuy nhiên, tại một số tiểu vùng khác hệ thống công trình còn nhiều bất cập. Nhiều cống không đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới, tiêu. Tại huyện Nghĩa Hưng, một số hệ thống công trình cấp nước chính (các tuyến kênh cấp I, II, các cống đầu mối, các cống đập điều tiết nội đồng) vẫn chưa hoàn chỉnh, kênh bị bồi lắng do lâu ngày không được nạo vét, khẩu độ các cống hẹp do được xây dựng từ lâu, không phù hợp với quy hoạch mới.
Tại một số tiểu vùng ở huyện Giao Thủy, các hộ nuôi không có ao lắng nên khi tiêu nước mang theo chất thải, gây bồi lắng kênh, khi lấy nước tưới vào ao nuôi thì chất lượng nước không đảm bảo; chưa có hệ thống tiếp nước ngọt riêng để kết hợp với nước mặn cho đảm bảo với chất lượng nước cho đối tượng nuôi; nếu sử dụng nguồn nước ngọt từ hệ thống kênh tưới cho lúa để đưa vào ao nuôi là không đảm bảo do nước ô nhiễm từ thuốc BVTV, nước thải sinh hoạt, nuôi vịt trên kênh…
Tại các vùng chuyển đổi sang NTTS của các xã Xuân Hòa, Xuân Vinh (Xuân Trường) và Hải Đông, Hải Chính (Hải Hậu) hầu như sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp là chính; kênh cấp và tiêu được sử dụng cùng chung một hệ thống. Hiện tại các hệ thống kênh mương này đang bị sạt lở mái, bồi lắng lòng kênh làm giảm hiệu quả cấp và tiêu nước.
Đáng chú ý là ở những vùng úng trũng ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu khi chuyển sang NTTS việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi chưa được chú trọng. Riêng ở huyện Xuân Trường, hệ thống kênh, mương chính, kênh nội đồng đều chưa đủ về chất lượng, số lượng để đáp ứng cho NTTS. Hệ thống xử lý nước cấp và nước thải hầu như các hộ nuôi chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Khi lấy nước vào ao, nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ từ các diện tích đất canh tác nông nghiệp xung quanh khá cao.
Vùng NTTS huyện Hải Hậu nằm rải rác, không tập trung, nhỏ lẻ và manh mún; ở các vùng chuyển đổi sang NTTS còn sử dụng hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất muối. Từ thực tế trên, để NTTS của tỉnh phát triển bền vững, hạn chế tình trạng tự phát, manh mún, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục phối hợp, quản lý, thực hiện tốt việc phát triển NTTS theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng nhóm đối tượng nuôi, đảm bảo hiệu quả và thực hiện từng bước vững chắc.
Về lâu dài cần phải tách hệ thống vận hành tưới, vận hành tiêu riêng biệt. Để giải quyết những khó khăn của các vùng kể cả trước mắt và lâu dài, cần có dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi cho các khu vực phục vụ NTTS nước mặn lợ tập trung. Các cống đầu mối do xây dựng đã lâu, năng lực hạn chế nên cần được đầu tư xây dựng lại. Các kênh cấp I, cấp II cần nạo vét lại toàn bộ hệ thống tại những vùng sản xuất trồng trọt bị ảnh hưởng do mặn nên chuyển sang NTTS. Trong nội đồng cần sửa chữa, nâng cấp các cống cấp II đã hư hỏng; các địa phương và các Cty KTCTTL có trách nhiệm làm các cống cấp III.
Qua điều tra, đánh giá, Sở NN và PTNT đã xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi vùng NTTS tập trung của các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Hải Hậu. Hiện tại, Dự án nâng cấp, cải tạo 2 trung tâm giống thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản nước ngọt và nước mặn lợ của các hộ nuôi trong tỉnh đã được phê duyệt; trong đó Dự án nâng cấp, cải tạo Trung tâm Giống hải sản ở Bạch Long với mức đầu tư 70 tỷ đồng hiện đang chuẩn bị mặt bằng, tập kết vật tư, thiết bị, dự kiến trung tuần tháng 5-2015 sẽ khởi công. Dự án nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi phục vụ NTTS tại xã Giao Phong khởi công từ tháng 4-2015 vẫn đang triển khai thực hiện.
Để phát triển NTTS theo hướng bền vững, tỉnh và các địa phương cần tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển hạ tầng phục vụ NTTS như: cơ sở sản xuất giống thủy sản; xây dựng hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi tôm sú, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, vùng nuôi cá bống bớp… Hiện Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp cùng các huyện rà soát, đánh giá về điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS tại các vùng tập trung, đề xuất các dự án cải tạo nâng cấp nhằm phát triển mạnh NTTS theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Related news
Trước năm 2007, hầu hết người dân ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đều sống bằng nghề nuôi tôm sú nước lợ. Nghề nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên ẩn chứa nhiều rủi ro. Đặc biệt là trong giai đoạn 2003-2005, các vụ tôm liên tục lỗ lớn khiến nhiều bà con lâm vào cảnh khó khăn.
Vụ 1 nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ năm 2013, nhân dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã nuôi trồng được 2.557 ha, trong đó có 1.907 ha tôm sú, 615 ha ngao, 50 ha tôm thẻ chân trắng.
Hầu hết các nước có tốc độ phát triển nhanh nhiều năm qua đều là những nước đã hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông nông thôn.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích lúa cả năm 2012 đạt gần 7,75 triệu ha, tăng 1,2% so với năm 2011; năng suất bình quân ước đạt 56 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn (+2,6%) so với năm trước.
Nghiên cứu mới nhất của Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mê Công có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu sinh sống tại đây.