Trồng Dưa Hấu Trên Bờ Vuông
Ngay từ khi Nghị quyết 03 của Huyện uỷ Phú Tân (Cà Mau) được triển khai, Nhân dân ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây đã tích cực trồng rau màu trên sân vườn, đất trống, bờ bao vuông tôm để cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thu nhập.
Tiêu biểu trong phong trào này là hộ bà Phan Thị No và bà Phan Thị Phơ. Hai bà không chỉ trồng các loại rau màu theo thời vụ mà còn trồng dưa hấu trên bờ bao vuông tôm. Mô hình này đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình đón những mùa xuân sung túc.
Không sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, dưa hấu của bà Phan Thị No và bà Phan Thị Phơ như một địa chỉ tin cậy, được bà con và thương lái quanh vùng tin tưởng mua với giá cao hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/kg. Ðể có được uy tín đó, những hộ dân này đã chịu khó tìm hiểu phương pháp gieo trồng, chăm sóc.
Với giống dưa hấu cho trái tròn to, bà Phan Thị Phơ thu được lợi nhuận cao.
Bà No chia sẻ: "Vụ đầu trồng dưa, tôi thất bại. Dây bị sâu đục hết thân, trái cho vừa đèo, vừa không ngọt, cuối vụ thu hoạch được chỉ vài chục ký. Nhiều người khuyên tôi đừng trồng nữa, chỉ phí công, nhưng tôi nghĩ, đất này trồng được, chỉ là do mình chăm sóc chưa tốt".
Quyết tâm không bỏ cuộc, bà No xuống giống tiếp lần hai. Bà không mua hạt giống ở các tiệm bách hoá nhỏ, lẻ mà lên tận TP Cà Mau hỏi mua loại hạt giống chất lượng. Trước khi đưa giống xuống trồng, bà cuốc đất cho tơi, mua phân trấu rải cho hạ phèn.
Khi dưa ra được 3 lá, bà tưới ít phân đạm. Khi dây vừa ra trái, bà bón phân vỏ tôm (là phân do người làm tôm khô sau khi đập vỏ cho ra vỏ tôm nát vụn). Dưa hấu được bón phân tôm ra trái ruột đỏ, ngọt hơn mà lại không độc hại. Giá phân tôm chỉ 10.000 đồng/kg, mỗi vụ trồng 1.000 dây dưa hấu chỉ cần bón 2 đợt, khoảng 100 kg phân.
Cách bón phân tôm cũng đơn giản, chỉ cần bỏ vào gốc dây dưa một nhúm phân chứ không hoà với nước tưới đại trà, rễ dây sẽ tự hút chất dinh dưỡng và từ từ nuôi trái. Trái sẽ to hơn khi dây dưa hấu được cắt ngọn non. Ngoài ra, bà thường gom phân dừa, lá cây mục, cỏ khô để làm phân cho dưa hấu thay vì dùng phân hoá học.
Ðể dưa hấu đủ nước phát triển, ngày 2 lượt sáng, chiều bà No bơm nước xuống xuồng, rồi chở lên bờ dưa, múc vào thùng chuyền lên tưới. Không chỉ đều đặn tưới nước, bà còn chịu khó bắt sâu. Bà còn thường xuyên theo dõi các chương trình khuyến nông để tích luỹ kinh nghiệm chăm sóc dưa.
Nhờ cần mẫn, đến nay bà đã trồng đạt hiệu quả 3 vụ liên tiếp. Mỗi vụ sau khi trừ hết các chi phí khoảng hơn 1 triệu đồng, bà còn lời hơn 10 triệu đồng. Thu nhập đó giúp bà lo cái Tết cho gia đình thoải mái hơn.
Cùng với cách trồng dưa hấu của bà Phan Thị No, bà Phan Thị Phơ trồng dưa trên bờ liếp gần nhà cũng đạt hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như bà No chọn giống dưa hấu 50 ngày thì bà Phơ chọn giống 70 ngày. Giống dưa này cho trái tròn, to, mỗi trái khoảng 5 - 6 kg để phục vụ nhu cầu dưa chưng bàn thờ ngày Tết. So với giá dưa chưng ở chợ thì giá dưa chưng của bà Phơ rẻ hơn khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg, song do không phải chịu chi phí vận chuyển, nên thu hoạch mỗi vụ dưa bà lời cũng hơn 10 triệu đồng.
Nhìn hai bờ dưa của bà No và bà Phơ, ông Huỳnh Văn Bình, Trưởng ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, tâm đắc: "Mỗi bờ dưa này ước tính cho thu hoạch cũng hơn 1,5 tấn. Sản phẩm dưa hấu sạch không chỉ bảo đảm sức khoẻ cho bà con tiêu thụ, mà còn giúp gia đình tăng thu nhập.
Chúng tôi thường biểu dương, điển hình mô hình này trong các cuộc họp dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường khuyến khích bà con học tập, nhân rộng mô hình trồng dưa hấu trên đất nuôi tôm của bà No và bà Phơ trong toàn ấp để góp phần đưa Nghị quyết 03 của Huyện uỷ Phú Tân đi sâu vào cuộc sống”.
Related news
Từ đầu năm đến nay, giá cá bống tượng luôn tăng, hiện tại đang dao động ở mức 380.000-410.000 đồng/kg. Mức giá trên đã khuyến khích nông dân nuôi lại đối tượng này sau thời gian dài “treo” ao.
Hơn 6 năm qua, nhờ trồng dứa trái vụ, nông dân thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã khai thác hiệu quả quỹ đất đồi bãi, cải thiện cuộc sống.
Ngày 20/3, tại UBND huyện Cầu Ngang, Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Hội thảo Khoa học kỹ thuật nghiên cứu đánh giá thực trạng và nguyên nhân suy thoái môi trường vùng nuôi trồng thủy sản các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh và đề xuất giải pháp phát triển bền vững vùng nuôi.
Những năm qua, hưởng ứng chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, nhiều bà con huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã thực hiện thành công và cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình - điển hình như hộ gia đình ông Lê Phước Thiện (sinh năm 1968) ngụ ấp 1, xã An Hòa, huyện Tam Nông.
Sáng 22/3, UBND huyện Tuy An (Phú Yên) đã tổ chức buổi họp triển khai biện pháp giải quyết các trường hợp xây dựng hồ nuôi tôm tại khu vực bãi biển thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (Tuy An), gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý đất đai và gây dư luận không tốt trong nhân dân trong suốt thời gian qua.