Hỗ Trợ Hộ Nghèo Bằng Những Hình Thức Phù Hợp
Trong những năm qua, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đồng chí Phan Hà Bắc, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Xá cho biết: Để công tác giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, hằng năm, phường đều kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo, đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Từ đó, Ban chỉ đạo đã phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố tiến hành điều tra, rà soát tình trạng hộ nghèo, lập danh sách phân loại đối tượng và đánh giá nguyên nhân của từng đối tượng cụ thể, từ đó phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai các chương trình hỗ trợ.
Trong đó, phường tập trung vào các nội dung như: Tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn, tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nâng cao ý thức giảm nghèo, tư vấn giới thiệu việc làm…
Trong căn nhà xây khang trang, chị Dương Thị Hương, ở tổ 28 chia sẻ: Chồng mất sớm, một mình tôi phải nuôi 2 con ăn học, lại không có nhà cửa ổn định. Trước tình cảnh như vậy, UBND phường đã đứng ra vận động người thân trong gia đình tôi cho đất, sau đó cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vận động các doanh nghiệp, bà con lối xóm quyên góp được 30 triệu đồng để hỗ trợ gia đình tôi xây nhà.
Đến nay, ngôi nhà đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Giờ tôi đã yên tâm tập trung làm ăn, gia đình tôi cũng vừa được công nhận thoát nghèo tháng 8-2014.
Ngoài việc triển khai hỗ trợ các hộ nghèo làm nhà theo quy định của Nhà nước, hằng năm, các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ phường đã phối hợp tổ chức trên dưới 10 lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho gần 400 lượt người tham gia.
Công tác hỗ trợ vốn vay để người dân đầu tư phát triển kinh tế cũng được phường đặc biệt quan tâm. Anh Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Từ đầu năm, chúng tôi đã tiến hành khảo sát để phân loại nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của các hộ dân.
Đối với những hộ thiếu vốn sản xuất, Hội đứng ra ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách - Xã hội để vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời tư vấn hướng dẫn làm ăn để các hộ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Hiện nay, toàn phường có 115 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với số tiền trên 2,8 tỷ đồng.
Đối với những hộ thiếu đất sản xuất, Hội tổ chức giới thiệu cho con em các hộ nghèo đi học các lớp sửa chữa xe máy, may công nghiệp, tin học… tại Trung tâm Dạy nghề của thành phố. Ngoài ra, chúng tôi cũng công khai thông báo thông tin tuyển dụng của các công ty trong và ngoài tỉnh tại trụ sở UBND phường để người dân có nhu cầu đến tìm hiểu, liên hệ tìm việc.
Ông Nguyễn Thế Hiệu, ở tổ 24 cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, đầu năm 2014, tôi vừa được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - xã hội với lãi suất 0,65%/tháng.
Từ số tiền nay, tôi đã mua 1 con trâu để vừa làm sức kéo, vừa nuôi sinh sản và đầu tư cải tạo hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn. Hiện nay, con trâu đã sinh sản được 1 con nghé. Còn bà Nguyễn Thị Oanh, ở tổ 24 thì cho biết: Trước đây, gia đình tôi gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất.
Năm 2012, sau khi được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, tôi đã đầu tư cải tạo chuồng trại chăn nuôi lợn, nấu rượu và kinh doanh tạp hóa. Trung bình nhà tôi nuôi 10 con lợn bột/lứa, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa được khoảng 3 tấn thịt lợn hơi. Ngoài ra, tôi còn nấu rượu để lấy thức ăn chăn lợn và tận dụng phân chuồng để chăm sóc 10 sào ruộng. Tổng cộng mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập trên 150 triệu đồng.
Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, phường Phú Xá đã làm tốt công tác chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, giúp các hộ từng bước ổn định cuộc sống.
Toàn phường hiện chỉ còn 35/2.595 hộ nghèo, giảm 30 hộ so với năm 2010. Hiện nay, 100% số hộ nghèo trên địa bàn phường được cấp thẻ Bảo hiểm y tế và hỗ trợ tiền điện… Ngoài ra, đối với những trường hợp có đơn xin thoát nghèo, phường đã có cơ chế hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng để động viên, tạo điều kiện giúp các hộ thoát nghèo bền vững.
Related news
Nhằm thay thế giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm.
Do những hoạt động khai thác hải sản theo kiểu “tận diệt” như nạn đánh bắt bằng giã cào gần bờ, sử dụng “rọ lồng” bát quái, thuốc nổ, điện và tận diệt hải sản non, nguồn lợi hải sản vùng biển địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị suy giảm nghiêm trọng, mất dần khả năng tự phục hồi.
Vừa qua, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Hà Trung (Thanh Hóa) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tư thục Hợp Lực khai giảng 2 lớp sơ cấp nuôi trồng thủy sản cho 50 học viên 2 xã Hà Ngọc và Hà Thanh.
Năm nay, vụ cá nam đến muộn, nhưng bù lại sản lượng của từng chuyến biển của ngư dân tăng khá.
Phường Hương An, thị xã Hương Trà có cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Toàn phường có 218 ha lúa, 73 ha lạc, 10 ha ngô, 15 ha rau màu trong đó có 7 ha chuyên trồng hành lá, là cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.