Trồng Bơ Trái Vụ

Từ giống bơ Booth có nguồn gốc ngoại nhập, anh Nguyễn Khắc Ngữ (thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh, H.Đắk Mil, Đắk Nông) đã tạo cho mình hướng làm giàu mới giữa vùng đất chuyên canh cà phê.
Bước vào mùa khô, hầu hết các giống bơ trên cao nguyên đã mãn vụ thì gia đình anh Ngữ lại bắt đầu bận rộn với công việc thu hoạch loại bơ Booth (thường gọi là bút) có giá trị thương phẩm cao. Loại bơ trái vụ này là bí quyết khiến anh Ngữ “thắng” nhiều nhà vườn trong vùng.
Nhìn những cây bơ xanh lá, thấp tè nhưng quả sai lúc lỉu, tròn như cam sành, nhiều người không khỏi thán phục trước lối làm ăn nhạy bén của anh.
Ngược thời gian, sau hơn 10 năm công tác trong ngành văn hóa - thông tin Đắk Lắk, giữa những năm 1990 anh Ngữ nghỉ việc, về quê ở Đắk Mil chí thú với nghề nông. Vườn bơ của anh nguyên trước đây là đất trồng cà phê của nhiều chủ, nằm trên triền dốc, không có nguồn nước tưới ổn định nên cà phê còi cọc, năng suất kém.
Vì vậy, các chủ vườn lần lượt sang nhượng rẫy cho gia đình anh Ngữ, dần dà anh có trong tay hơn 10 ha. Ban đầu, anh phá bỏ hầu hết cà phê để trồng mít tố nữ, thanh long, cùng các giống bơ nội địa.
Năm 2004, trong một chuyến du lịch thăm người thân ở Úc, anh Ngữ mua về 3 cây giống bơ Booth - một giống bơ cao cấp có nguồn gốc từ Mỹ, quả tròn, đẹp. Trồng giống bơ quý này được 2 năm, anh bắt đầu lấy chồi ghép với các gốc bơ cũ để cải tạo vườn bơ của mình.
Từ năm thứ 2, những cây bơ Booth ghép mạnh khỏe đã bắt đầu cho quả, đến năm thứ 5 có cây cho từ 2 - 3 tạ quả/vụ. Đến nay, anh Ngữ có được 4 ha bơ Booth, mỗi năm thu hoạch hơn 20 tấn, 6 ha bơ còn lại đang được tiếp tục ghép giống để cải tạo.
Những năm qua, vườn bơ Booth của anh cũng được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên chọn đầu tư làm mô hình để theo dõi quy trình chăm sóc, sinh trưởng, đánh giá năng suất, sản lượng. Anh Ngữ đúc kết: “So với cà phê, trồng bơ hiệu quả hơn hẳn do đầu tư ít, thu nhập lại cao hơn trên cùng một diện tích. Trồng bơ Booth thì lợi nhuận càng nhiều hơn do trái vụ, năng suất và giá bán lại cao hơn. Bơ nội địa bình quân khoảng 10.000 đồng/kg thì bơ Booth có giá tại vườn từ 60.000 đồng/kg”.
Khi thị trường xuất hiện thêm những giống bơ cao sản ngoại nhập khác, anh Ngữ cũng chủ động mua về bổ sung cho vườn của mình thêm bơ Hass, giống bơ giá trị cao không kém bơ Booth. Hiện toàn bộ lượng bơ Booth của anh được đưa đi tiêu thụ ở Đà Lạt và các siêu thị ở TP.HCM. Thu nhập từ vườn cây giờ đây đã đạt gần 2 tỉ đồng/năm, trong đó cây bơ cho hơn 1 tỉ đồng.
Không dừng ở đó, anh Ngữ đang tính chuyện thuê đất ở H.Đắk Glong, cách Đắk Mil hơn 100 km, để đầu tư trồng khoảng 100 ha bơ Booth.
Related news

Từ cách đây vài chục năm, cây sơn lấy nhựa đã xuất hiện trên đất Thanh Sơn và phát triển ở một số xã như: Thạch Khoán, Sơn Hùng, Hương Cần, Văn Miếu, Võ Miếu do những người từ huyện Tam Nông di thực vào, hoặc học hỏi bà con giáp ranh.

Ông Phạm Tiện (trú thôn 7, xã Hương An, Quế Sơn) bị mù cả 2 mắt nhưng nhiều năm liền được khen tặng là nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ trở về, với sản lượng tôm, cá cả trăm tấn. Trái hẳn với tâm trạng háo hức mang thành quả lao động từ biển về, phần lớn những ngư dân mà chúng tôi gặp tại đây đều buồn rười rượi.

Vụ nuôi tôm hùm vừa qua nhờ tôm ít bị bệnh, giá bán lại cao nên nhiều hộ dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) có thu nhập hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng ngư dân “mạnh tay” đầu tư vốn để phát triển lồng bè nuôi tôm một cách tự phát đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại và vỡ quy hoạch vùng nuôi.

Mới đây, tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Lộc Ninh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Lộc Ninh" cho 14 nông dân trồng tiêu tiêu biểu.