Triển vọng từ mô hình nuôi ong mật ở Minh Sơn
Nghề nuôi ong lấy mật đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình anh Chảo Xành Tỉnh, thôn Kho Thum, là một trong những hộ nuôi ong thành công ở địa phương. Anh Tỉnh cho biết, hiện nay gia đình anh có 70 đàn ong, cho thu mật mỗi năm 2 lần, trung bình mỗi đàn được từ 1,5 – 2 lít mật.
Với 70 đàn ong mỗi năm gia đình thu được 200 – 250 lít mật, cho thu nhập trên 50 triệu đồng; nuôi ong cũng không quá phức tạp và công sức chăm sóc nếu như hiểu được tập tính sinh sống của loài ong. Anh Tỉnh cũng cho biết thêm, trước kia chỉ trông vào thu nhập từ ruộng, nương cũng chỉ đủ ăn, từ khi nuôi ong, kinh tế gia đình đã phát triển rõ rệt, có nhiều thu nhập hơn.
Anh Đặng Văn Hòa, Trưởng thôn Kho Thum chia sẻ: Ban đầu ở thôn chỉ có 2 hộ nuôi ong lấy mật. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi ong, các hộ gia đình trong thôn cũng đã học tập cách nuôi ong. Đến nay, toàn thôn đã có 26 hộ gia đình nuôi ong lấy mật, hộ nuôi ít cũng từ 3 đến 4 đàn, hộ nhiều thì có từ 20 đến 70 đàn.
Tuy nhiên, mô hình nuôi ong ở thôn Kho Thum còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Các sản phẩm từ ong có chất lượng cao nhưng chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình là chủ yếu, chưa được quảng bá rộng rãi đến thị trường tiêu dùng. Nguồn gốc con giống là ong rừng bắt về thuần hóa, kỹ thuật chăm sóc từ kinh nghiệm nuôi ong nhiều năm mà có, sản lượng các sản phẩm từ ong còn thấp; trong quá trình chăm sóc nhiều khi ong bị bệnh, rét nên chết hàng loạt hoặc bỏ tổ bay vào rừng.
Nuôi ong không phải là nghề mới, nhưng hiệu quả kinh tế từ nuôi ong lại khá cao, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn có lợi ích về môi trường sinh thái; ong còn giúp thụ phấn, tăng năng suất cho cây trồng.
Với các điều kiện tự nhiên thuận lợi, Minh Sơn có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế rừng kết hợp với nuôi ong. Vì vậy, để duy trì, phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về việc đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật cho bà con nhân dân; đồng thời, phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật giúp cho các hộ gia đình nắm rõ các quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc ong, nâng cao sản lượng và chất lượng của các đàn ong. Ngoài ra, cần có những chính sách, chương trình quảng bá về các sản phẩm từ ong, tạo thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Related news
Sau một thời gian ở mức thấp, giá dừa khô ở tỉnh Bến Tre đã bất ngờ tăng mạnh trong khoảng 3 tuần trở lại đây, với mức tăng từ 40.000 - 50.000 đồng/chục 12 trái so với trước.
Cá rô phi là mặt hàng đứng thứ 10 trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Mỹ, Tây Ban Nha, Colombia… Với sự phát triển về diện tích nuôi, sản lượng, mặt hàng cá rô phi có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm nay, cau xứ “ngàn cau” Sơn Tây (Quảng Ngãi) bất ngờ đội giá 17.000 đồng/kg, cao hơn 4 lần các năm trước. Đây cũng là năm đầu tiên cau được thương lái thu mua với giá cao như vậy.
Tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, trong tháng 7/2015, Việt Nam có một trường hợp vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Úc.
Gần 1.000 tấn thanh long tồn đọng của Bình Thuận do thương lái Trung Quốc ngừng mua đã được doanh nghiệp nội địa thu mua, phân phối về một số địa phương.