Triển Vọng Từ 2 Giống Cỏ Mới
Từ 2 ha giống cỏ hỗ trợ trồng khảo nghiệm để nhân rộng mô hình trong phát triển chăn nuôi bò, đến nay 2 giống cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông đã được người chăn nuôi chấp nhận đưa vào trồng khá phổ biến, góp phần giải quyết nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn bò của địa phương.
Qua khảo nghiệm thực tế, cả 2 giống cỏ này đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao… mở ra cơ hội lớn cho người chăn nuôi trong thời gian tới.
Năm 2011, Công an tỉnh chuyển giao 2 giống cỏ VA 06 và cỏ hàng chông để trồng khảo nghiệm trên diện tích 2 ha tại Trung tâm Giống vật nuôi Gia Lai và Trại Giống vật nuôi Đak Pơ (huyện Đak Pơ). Để công tác khảo nghiệm được thuận lợi, 2 giống cỏ này được trồng xen kẽ tại 2 vùng trên để nghiên cứu sự sinh trưởng phát triển, điều kiện thời tiết và năng suất so với các giống cỏ voi khác hiện có trên địa bàn.
Qua 3 năm trồng khảo nghiệm, đến nay 2 giống cỏ này đã cho kết quản rất khả quan. Giống cỏ VA06 tỷ lệ nảy mầm cao hơn giống cỏ voi thông thường hiện nay. Thời gian đẻ nhánh ngắn và chậm hơn so với cỏ sả. Sức sống khá mạnh, chống chịu các loại sâu bệnh và thích nghi với điều kiện trồng thâm canh tưới nước vào mùa khô.
Chiều cao bằng hoặc thấp hơn cỏ voi… Đây là một trong những lợi thế để người chăn nuôi tận dụng thân, lá làm thức ăn nhiều hơn cỏ voi thông thường. Sau 2 tháng trồng, cỏ đã cho thu hoạch lứa đầu. Theo ước tính, 1 ha trồng cỏ VA06 mỗi năm cắt được 8 đợt, năng suất trung bình khoảng 45 tấn/ha. Bình quân mỗi năm thu hoạch 300-350 tấn/ha.
Đặc biệt, giống cỏ này có thể làm nguồn thức ăn cho cá. Còn giống cỏ hàng chông có đặc điểm thân bò, nhiều đốt, các đốt có khả năng ra rễ. Mỗi năm cắt được 7 lứa, năng suất 80-100 tấn/ ha. Ưu thế của loại cỏ này dù năng suất thấp nhưng chịu được tác động của sự giẫm đạp nên có thể xây dựng đồng cỏ phục vụ chăn thả tự nhiên…
Chị Phạm Thị Thu Hà (thôn 2, thị trấn Đak Pơ) cho hay: “Gia đình nuôi 20 con bò. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình chăn thả còn trồng thêm trên 1 ha cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông. Đến nay, cỏ phát triển khá nhanh và tốt không chỉ đảm bảo thức ăn thường xuyên, nhiều lúc còn dư một lượng lớn. Hiện tại, gia đình không cần tích trữ thức ăn khô cho bò như những năm trước đây”.
Từ chỗ chỉ có 2 ha trồng khảo nghiệm, đến nay diện tích trồng 2 loại giống cỏ nói trên phát triển mạnh mẽ. Trung tâm Giống vật nuôi Gia Lai đã trồng được trên 20 ha, riêng người nuôi bò tại thị trấn Đak Pơ đã nhân rộng diện tích lên đến 70 ha. Diện tích trồng 2 loại giống cỏ này ngày càng được nhân lên khi mới đây người dân đã tìm đến mua cây giống với số lượng khá lớn 18.119 kg.
Ông Lê Quang Vịnh-Phụ trách Trại Giống vật nuôi Đak Pơ cho biết: Qua khảo nghiệm thực tế, 2 giống cỏ trên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho năng suất cao. Đây là 2 giống cỏ được người dân Đak Pơ nhân rộng khá nhanh. Toàn huyện đã có 194 ha cỏ, đáp ứng đủ nhu cầu cho đàn bò 13.729 con, trong đó bò lai 11.474 con, chiếm 83,6% tổng đàn.
Sự khảo nghiệm thành công này là kết quả của sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại đây.
Hiện tại, trại giống đã cung cấp và nhân rộng giống cỏ này tại xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang). Vấn đề khó nhất hiện nay là kinh phí để khảo nghiệm. Vì vậy cần được quan tâm hỗ trợ để nhân rộng mô hình cho các địa phương khác phát triển chăn nuôi.
Nguồn bài viết: http://baogialai.com.vn/channel/722/201411/trien-vong-tu-2-giong-co-moi-2353055/
Related news
Chuỗi liên kết triển khai có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với Hợp tác xã Tân Phú A1 và mối liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp nên việc cung ứng giống lúa, vật tư nông nghiệp triển khai tốt. Dự án được triển khai mang lại hiệu quả cao hơn ngoài vùng dự án, và thể hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Ngày 23-4, tại TP.Bà Rịa, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hồ tiêu BR-VT” nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm này.
Thời điểm này, người trồng ớt tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn thu hoạch giữa vụ. Mặc dù nắng hạn làm mất mùa khoảng 30%, song bà con địa phương rất phấn khởi vì ớt có giá khá cao.
Rốn lũ Tứ giác Long Xuyên (An Giang) từng chịu thiệt hại nặng khi lũ lớn. Sau khi có hệ thống đê bao kiểm soát lũ an toàn và sản xuất 3 vụ mỗi năm, nơi đây trở thành vùng sản xuất trọng điểm lúa, hoa màu và đi đầu về cơ giới hóa nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó cam đường canh là loại cây triển vọng của địa phương.