Thoát Nghèo Từ Rau Ngót

Với hơn một sào đất vườn, giá thị trường luôn giữ ở mức ổn định, cây rau ngót đã góp phần cải thiện kinh tế gia đình ông Lê Quốc Ba (thôn Quảng Đại 2, Đại Cường - Đại Lộc).
Sau chiến tranh, ông Ba trở về quê làm nông với một cái chân cụt. Đi lại khó khăn, những lúc trái gió trở trời chân lại đau nhức, nhưng điều đó không ngăn cản được quyết tâm vươn lên của ông. Thiếu đi bàn chân nhưng ông Ba không thua kém một người bình thường, vẫn có thể lái máy cày làm đất trên những mảnh ruộng của làng. Hết công việc đồng áng, ông lại chuyển sang thâm canh mấy sào đất hoa màu ven bãi bồi sông Thu.
Hết thời vụ là những ngày nông nhàn, ông lại trở về với sào đất trồng chuối trong vườn để kiếm thêm khoản thu nhập trang trải chi tiêu. Bỏ nhiều công chăm sóc nhưng chuối thường bị bệnh lùn lá, đến lúc thu hoạch lại không đáng là bao khiến ông nhiều đêm trăn trở, muốn tìm một hướng đi mới hiệu quả hơn. “Cây chuối không chịu được nắng nóng, cứ độ hè là bị phung đọt, không cho buồng được nữa phải đào gốc trồng lại tốn công lắm” - ông Ba cho biết.
Xem ti vi, thấy xã bên được lên truyền hình về phương pháp trồng rau ngót đem lại hiệu quả kinh tế, ông Ba quyết định dành thời giờ tìm hiểu. Hễ rảnh lúc nào là ông lại chạy xe đến từng hộ chuyên trồng để học hỏi cách canh tác cây rau ngót.
Ông còn đến các chợ với mục đích nắm bắt nhu cầu thị trường về loại rau này, tìm hiểu sức mua của người dân rồi mới đi đến trồng thử nghiệm. Thời điểm ông Ba bắt đầu trồng, một lon hạt ngót có giá 50 nghìn đồng, như vậy với một sào đất vườn phí đầu tư hạt giống chưa tới 200 nghìn đồng, phù hợp với khả năng của người nông dân.
Ông Ba cho hay, hạt giống mua về đảm bảo độ nảy mầm tới 90%, cây mọc rất khỏe, mau ra nhánh, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Khác với những loại cây trồng khác, rau ngót có thể thu hoạch quanh năm, thời gian thu hoạch tối đa là 5 năm, sau đó mới phá bỏ trồng lại.
Ba năm qua, vườn rau ngót phát triển mạnh và cho lá đều. Ông Ba cho biết: “Cây rau ngót ưa nắng, có nắng là cây phát triển nhanh, mỗi tháng có thể thu hoạch 2 - 3 lứa. Vào mùa mưa, cây phát triển chậm hơn, chừng 1 - 1,5 tháng mới thu hoạch 1 lứa.
Trung bình mỗi tháng thu hoạch từ 1 - 2 lứa, mỗi lứa thu lời 600 - 700 nghìn đồng. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng còn dư gần chục triệu đồng từ việc bán rau. Công việc này thật sự nhẹ nhàng và rất hiệu quả nên tôi sẽ tận dụng triệt để diện tích đất trong vườn để mở rộng chuyên canh cây rau ngót trong thời gian tới” - ông Ba nói.
Related news

Ngày 11/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt vùng quy hoạch phát triển cao su xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn với diện tích 893 ha.

Đến nay toàn tỉnh Hòa Bình có 3.550 ha cây ăn quả có múi. Trong đó diện tích trồng mới trong 6 tháng đầu năm 2015 là 750 ha. Tập trung nhiều nhất ở các huyện: Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn.
Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố đặc sản này là một trong số 50 loại trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam; năm 2013, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo vinh danh lọt vào top 10 loại trái cây ngon bậc nhất Việt Nam. Cây cam sành đã khẳng định được vị thế là cây trồng mũi nhọn mang lại cuộc sống ấm no, giàu có cho người dân.

Do nguồn cung thanh long từ các tỉnh Bình Thuận, Long An nhiều nên giá thanh long trong 1 tuần trở lại đây giảm mạnh. Khảo sát tại TP.Vũng Tàu cho thấy, thanh long ruột đỏ phổ biến ở mức 7.500 đồng/kg, thanh long ruột trắng 3.500 - 5.000 đồng/kg.

Trong tuần qua, giá cam sành tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang bất ngờ giảm mạnh với mức giảm trên 14.000 đồng/kg. Nếu như vào thời điểm cuối tháng 7, giá cam sành trên thị trường vẫn giữ ở mức 28.000 - 29.000 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 14.000 - 18.000 đồng/kg.