Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bài Học Đắt Giá Từ Nuôi Chồn Nhung Đen

Bài Học Đắt Giá Từ Nuôi Chồn Nhung Đen
Publish date: Sunday. July 28th, 2013

“Giấc mơ” làm giàu từ chồn nhung đen của hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay thực sự đã kết thúc. Tiền mất, công sức bỏ ra “trôi xuống sông, xuống biển” và điều mà các hộ dân này nhận được là một bài học đắt giá. Đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nhìn nhận một cách toàn diện để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý công tác chăn nuôi hiện nay.

Trang trại nuôi chồn nhung đen của ông Thái Doãn Đệ ở xóm Vạn Lộc, xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) có thể coi là “đại lý cấp 1” ở tỉnh Nghệ An của ông Đoàn Việt Châu (chủ trang trại xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) - người xây dựng mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp). Đợt đó (6/2012), ông Đệ ký hợp đồng với ông Châu tiến hành nuôi 3.207 đôi chồn, dưới 2 hình thức: nuôi tập trung và nuôi hộ gia đình. Ban đầu, ông Đệ đã được ông Đoàn Việt Châu giao 500 đôi với giá 4 triệu đồng/đôi, nhưng được ông Châu cho nợ một nửa (800 triệu đồng).

Sau gần 5 tháng, đàn chồn của ông Đệ đã lên tới 1.326 con và đã xuất được hơn 500 con với giá 1 triệu đồng/con. Đối với những hộ mua giống, ông Đệ đều ký cam kết là khi đàn chồn của họ đẻ, nuôi sau 2 tháng cho tới khi mỗi con có trọng lượng gần 500g thì ông sẽ mua lại với giá 1 triệu đồng con và ông Đệ tiếp tục bán lại cho ông Đoàn Việt Châu. Ông Đệ đã từng có ý định mang chồn nhung đen sang Lào để bán nhằm mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2012, do không bán được chồn giống cho ông Đoàn Việt Châu, cũng như việc mở rộng thị trường khó khăn, ông Đệ quyết định dừng lại. Từ đó, đàn chồn của ông do không được chăm sóc thường xuyên nên một số bị chết, số đang sống thì gầy gò, ốm yếu. Từng đặt rất nhiều niềm tin vào con chồn nhung đen, nhưng khi nhận ra bản chất thật sự của mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp mà ông Đoàn Việt Châu dựng nên, ông Đệ mới “bừng tỉnh”. Chúng tôi đến trang trại của ông thì thấy không khí im ắng, cửa khi nào cũng khóa chặt phía ngoài. Bên trong, cỏ mọc um tùm, 2 dãy nhà tạm vắng hoe.

Trao đổi qua điện thoại, ông Đệ buồn rầu cho biết: Hiện nay, chồn không còn con nào cả. Một phần mình trả lại, một phần mình bắt đi cho hết. Họ nói tôi lỗ hơn 1 tỷ nhưng thực ra không phải, tôi chỉ lỗ khoảng 2 - 3 trăm triệu đồng, chủ yếu tiền trại thôi. Ông Đệ chua xót nói rằng, tất cả những gì ông Đoàn Việt Châu dựng lên là giả, từ nhà ở, trang trại, đất… Và thực chất, ông đã bị ông Châu lừa. “Sau cái này, tôi rút ra được nhiều bài học, cái gì cũng phải có căn cứ, tìm hiểu cho kỹ. Cũng may là tôi dừng lại sớm. Khi phát hiện bản chất của ông Châu từ tháng 12 (DL) đến tháng 12 (AL) thì tôi yêu cầu ông Châu phải vào đây để giải quyết. Tôi trả lại cho ông Châu hơn một nửa tổng đàn chồn tôi lấy về. Ông Châu có hứa sẽ trả tiền trại nhưng đến nay vẫn không thấy”, ông Đệ cho biết.

Cùng chung số phận, ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Bá chua xót không kém. Tháng 6/2012, ông Nghĩa được tham gia một “hội thảo” và được nghe quảng cáo về hiệu quả của việc nuôi chồn nhung đen với lời hứa hẹn được bao tiêu sản phẩm, có thể thu về cả trăm triệu đồng nên ông Nghĩa quyết định tham gia mô hình của ông Đoàn Việt Châu. Ông Nghĩa đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 30 con giống. Thời điểm đó, xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) có 5 hộ tham gia, hộ nào cũng được ông Đoàn Việt Châu cho nợ 40 triệu đồng tiền giống. Nuôi hơn 2 tháng, ông Nghĩa xuất chuồng được 13 con, thu về 13 triệu đồng. Có thời điểm, đàn chồn nhung đen của gia đình ông hơn 110 con. Nhưng hiện nay, gia đình ông Nghĩa chỉ còn để lại vài con.

Ông Nghĩa cho biết: Đến tháng 12 (AL), ông Đoàn Việt Châu không mua chồn của chúng tôi nữa, chúng tôi đã ra ngoài nhà tìm ông Châu nhưng không thấy. Sau mấy tháng, thấy tình hình không khả quan nên gia đình tôi bán làm thịt với giá 100 ngàn đồng/con. Hiện chỉ còn để lại vài con trong nhà nuôi cho vui. Ông Nghĩa cũng khẳng định mô hình nuôi chồn nhung đen của gia đình ông đến nay là thất bại. Sau hơn 1 năm chăm sóc, gia đình ông lỗ vài chục triệu đồng.

Tuy không nằm trong hệ thống mô hình đa cấp của ông Đoàn Việt Châu, nhưng hệ quả từ việc nuôi chồn nhung đen để lại cho gia đình ông Đậu Xuân Trình, xóm 1, xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) một kinh nghiệm quý báu. Ông Trình kể rằng, ông xem chương trình Nhà nông làm giàu, thấy nhà khoa học giới thiệu mô hình nuôi chồn nhung đen cho hiệu quả kinh tế cao.

Tháng 2/2012, với ý tưởng muốn đưa một giống con mới vào trên địa bàn, ông đi lần mò và mua được 6 con chồn nhung đen (3 cái, 3 đực), với giá 1 triệu đồng/con tại một cơ sở chăn nuôi trong Vinh. Sau 4 tháng, tổng đàn chồn của gia đình ông nâng lên tới 50 con. Với tốc độ sinh đẻ “chóng mặt”, ông Trình nghĩ tới một tương lai sau hơn 1 năm nuôi sẽ có đàn chồn với 700 con, cung cấp giống cho người dân trên địa bàn xã Hưng Yên Nam. Ông bỏ ra 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại với ý định chăm nuôi quy mô lớn. Thế nhưng, “giấc mơ” của ông đã không thành hiện thực.

Ông Trình tâm sự: Từ tháng 5, tôi nghe thông tin trên báo chí rộ lên mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp và đầu ra chưa có. Tôi phân vân và hoang mang, không biết làm thế nào. Vì con vât này rất dễ nuôi, ăn tạp, đẻ nhanh… nên nếu phát triển thì rất tốt. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định cho thịt hết đàn chồn của mình. Nhiều người xin ít con về nuôi nhưng tôi từ chối. Ông Trình cho biết thêm rằng, ông không hề biết chồn nhung đen là loại động vật chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp và không được phát tán rộng rãi. Nếu biết thì ông đã không mua về nuôi.

Trên đây chỉ là 3 trong hàng chục hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ta nhận “quả đắng” từ con chồn nhung đen. Xuất phát từ việc thiếu thông tin, mong muốn nâng cao thu nhập từ chăn nuôi quá nhanh mà nhiều hộ gia đình đã quyết định vội vàng. Để rồi, khi hiểu rõ sự việc thì bao nhiêu tiền bạc, công sức đều trôi theo dòng nước.

Sau khi các cơ quan báo chí phanh phui mô hình kinh doanh chồn nhung đen đa cấp của ông Đoàn Việt Châu thực chất là lừa đảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có Công văn số 1478/CN-GSN ngày 25/12/2012 gửi Sở NN & PTNT các tỉnh thành trên cả nước đề nghị rà soát tình hình nuôi chồn nhung đen về các tiêu chí: số lượng cá thể, các cơ sở nuôi, thức ăn, những ảnh hưởng mà việc chăn nuôi chồn tạo ra (tích cực và tiêu cực) và các giải pháp về quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Theo đó, Sở NN & PTNT cũng đã có công văn yêu cầu phòng nông nghiệp các huyện nắm tình hình nuôi chồn nhung đen trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát ban đầu vào tháng 1/2013 cho thấy, toàn tỉnh có 42 hộ tại 8 huyện nuôi chồn nhung đen với số lượng 1.684 con. Trong đó, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Thái Hòa, Nghi Lộc là những địa phương có số lượng chồn nhung đen nhiều.

Ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Chồn nhung đen là loại chưa có trong danh sách vật nuôi nông nghiệp nên Sở không khuyến cáo người dân nuôi. Hơn nữa, chồn nhung đen chưa được tiến hành khảo nghiệm, nghiên cứu nên chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực cũng như hạn chế của chồn nhung đen (lây lan dịch bệnh, phá hoại mùa màng), và cũng chưa có căn cứ kết luận về giá trị dinh dưỡng và chất lượng thịt của vật nuôi này.

Từ vụ nuôi chồn nhung đen đã để lại nhiều bài học đắt giá. Đối với người dân, khi xác định nuôi con gì cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ nguồn gốc, đặc điểm sinh học, giá trị thị trường và đầu ra. Bên cạnh đó, phải thông qua các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, tập huấn và truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi. Đối với các địa phương, cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn công tác tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Đồng thời, chủ động khảo sát, đánh giá tình hình chăn nuôi để có những biện pháp quản lý kịp thời.

Chồn nhung đen có tên khoa học là Guinea pig, là động vật thuộc bộ gặm nhấm có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nhìn giống chuột, lông màu đen, không phải là động vật hoang dã. Thức ăn của chồn nhung đen rất phong phú, có thể là thức ăn xanh, thức ăn tinh, thức ăn củ quả hoặc có thể là phế phụ phẩm. Chồn nhung đen có khả năng sinh sản khá cao, mỗi năm trung bình đẻ khoảng 4 lứa, mỗi lứa trung bình từ 3 - 4 con.

Sở NN & PTNT Nghệ An đề nghị các địa phương, cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu được mặt tiêu cực, tích cực từ việc tự phát chăn nuôi chồn nhung đen khi chưa có kết quả khảo nghiệm là tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được phát tán rộng rãi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hạn chế việc nuôi tự phát của người dân. Theo dõi, phát hiện những rủi ro về dịch bệnh và sự tác hại của chồn nhung đen.


Related news

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, vươn khơi Hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, vươn khơi

Với 72km bờ biển, những năm qua kinh tế biển đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, thủy sản cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản. Sự phát triển của ngành kinh tế biển còn góp phần quan trọng vào công cuộc giữ gìn chủ quyền, an ninh trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.

Saturday. August 1st, 2015
Siêu lãi nhờ làm lúa siêu sạch Siêu lãi nhờ làm lúa siêu sạch

Mô hình làm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang mà người dân gọi là lúa siêu sạch, đang giúp nhiều nhà nông hạ giá thành sản xuất, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập.

Saturday. August 1st, 2015
Người Rục nghèo khó đã có triệu phú Người Rục nghèo khó đã có triệu phú

Thực hiện phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua (2010-2015), hàng ngàn hộ nông dân (ND) Quảng Bình đã vươn lên làm giàu trên những vùng đất còn nhiều gian khó. Và điều đặc biệt hơn, trong cộng đồng người Rục nổi tiếng nghèo khó đã xuất hiện triệu phú!

Saturday. August 1st, 2015
Giá đùi gà tại Mỹ trung bình 75.000 đồng/kg Giá đùi gà tại Mỹ trung bình 75.000 đồng/kg

Trên website Bộ Thống kê lao động Mỹ cho thấy giá đùi gà (còn xương) trung bình tại các thành phố của Mỹ trong tháng 5.2015 là 1,62 USD một pound, tương đương 3,57 USD/kg, tức khoảng 75.000 đồng/kg.

Saturday. August 1st, 2015
Đại gia đổ ngàn tỉ trồng rau, nuôi bò Đại gia đổ ngàn tỉ trồng rau, nuôi bò

Nhiều “ông lớn” ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Saturday. August 1st, 2015