Triển Vọng Kinh Tế Từ Cây Hồng Nhân Hậu
Được trồng ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cách đây cả chục năm, thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, khi giá hồng Nhân Hậu tăng từ 3000 đồng/kg lên tới gần 6000 đồng/kg khi giống hồng này mới trở thành cây trồng triển vọng trong phát kinh tế tại địa phương.
Không phải là cây trồng chủ lực tại Gia Lộc nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, giá trị hồng tăng cao đã đem lại thu nhập đáng kể cho những người trồng hồng Nhân Hậu ở Gia Lộc. Thế nhưng để có được những kết quả như ngày hôm nay, người trồng hồng ở Gia Lộc đã phải trải qua không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên đó là khi quyết định cải tạo ruộng đất để đem giống hồng lạ chứ không phải giống hồng Bảo Lâm hay hồng Vành Khuyên được trồng phổ biến ở Lạng Sơn. Khó khăn nữa đối với người trồng hồng ở Gia Lộc chính là việc tiêu thụ sản phẩm và giá trị kinh tế của cây hồng Nhân Hậu bấp bênh. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn đó, giờ đây người trồng hồng ở Gia Lộc đã yên tâm với thu nhập từ cây hồng, đồng thời đang từng bước mở rộng thêm diện tích.
Để đưa được những cây hồng Nhân Hậu đầu tiên về trồng và có những vườn hồng sai trĩu quả như hiện nay là câu chuyện mà ông Hoàng Văn Hành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lộc vẫn nhớ như in: năm 2002, ông cùng một số bà con nông dân của huyện Chi Lăng có dịp được đi tham quan mô hình trồng vải thiều và hồng Nhân Hậu ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Sau khi tìm hiểu kỹ mô hình từ giá trị kinh tế đến kỹ thuật chăm sóc, ông Hành cùng các hộ nông dân khác đã quyết định mua một vài cây hồng giống về trồng thử. Hợp đất, hợp điều kiện khí hậu và với bàn tay chăm sóc cẩn thận của người nông dân, cây hồng Nhân Hậu trồng ở Gia Lộc phát triển nhanh chóng. Ban đầu người dân trồng trong vườn một vài cây để lấy quả ăn. Tuy nhiên sau khi hồng cho thu hoạch, ăn thử mới thấy hồng ngọt, thơm chẳng kém gì dưới Lục Ngạn, thế là người dân nghĩ ngay đến việc mở rộng diện tích hồng. Một mặt, người dân tìm xuống Lục Ngạn để mua thêm cây giống, mặt khác tự chiết cành từ những cây hồng đã lớn. Cứ như vậy qua mỗi năm, diện tích hồng Nhân Hậu ở Gia Lộc lại không ngừng tăng lên. Toàn xã hiện có 35 hộ trồng hồng Nhân Hậu trên diện tích khoảng hơn 10ha rải rác ở tất cả các thôn, trong đó có thôn Đông Pầu, Lũng Mần, Phai Đeng có diện tích lớn hơn cả.
Vượt qua giới hạn trồng hồng để lấy quả ăn, khoảng năm 2006, người dân Gia Lộc đã có hồng để bán. Thế nhưng lúc này, người trồng hồng không khỏi thất vọng bởi giá hồng thấp hơn so với các giống hồng khác bên ngoài thị trường. Ông Hoàng Minh Chánh, Chủ tịch UBND xã cho biết: giá hồng thấp, chỉ từ 2000-3000 đồng/kg khiến cho người trồng hồng bắt đầu lo lắng. Lo lắng cũng phải thôi bởi bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư vào vườn hồng mà thu nhập từ hồng thấp hơn cả trồng lúa thì người nông dân lấy gì mà sống. Không chấp nhận thất bại, người dân tiếp tục mày mò tìm hiểu khoa học kỹ thuật, điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, từ đó cải tạo lại đất đai, đưa kỹ thuật vào tất cả các khâu chăm sóc và thu hoạch… Dần dần, năng suất và chất lượng hồng không ngừng tăng lên. Đến nay, giá trị hồng Nhân Hậu đã tăng lên gấp đôi, qua đó đời sống người trồng hồng cũng không ngừng tăng lên. Nhiều hộ dân có thu nhập trên 20 triệu đồng/năm từ hồng như hộ ông Hoàng Văn Trường, thôn Phai Đeng; hộ ông Hoàng Văn Tựu, thôn Đông Pầu…
Giá trị kinh tế được nâng lên, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, người dân Gia Lộc bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng diện tích hồng Nhân Hậu. Anh Vi Hồng Khánh, thôn Làng Dộc chia sẻ: nhà anh trồng được hơn 30 cây hồng, mấy năm trước, thấy hồng rẻ nên gia đình đã chặt bớt đi mất chục cây để trồng cây khác. Tuy nhiên từ năm ngoái trở lại đây, hồng được giá, quả chín đến đâu là có người vào thu mua hết đến đấy, thế là anh bắt đầu “tiếc”. Để bù lại những cây đã chặt và dần mở rộng diện tích, anh tiếp tục đi mua giống và chiết cành từ những cây hồng trưởng thành, hy vọng một vài năm nữa, giá hồng vẫn ổn định để gia đình có thêm thu nhập, từng bước nâng cao đời sống hơn.
Related news
Tại Hội nghị tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ sáng 27/6, báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố trong 3 năm qua.
Tại một số quận huyện như: Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền… lúa tươi IR50404 vụ thu đông 2014 được nhiều nông dân bán ngay tại ruộng cho thương lái ở mức 4.700-4.800 đồng/kg, còn lúa đã phơi sấy khô ở mức: 5.100-5.500 đồng/kg, tùy điều kiện giao thông. Nhiều loại lúa tươi hạt dài đang có giá 4.900- 5.100 đồng/kg; lúa phơi sấy khô có giá 5.800-5.900 đồng/kg.
Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng cả nước. Năm 2013 cam sành Hàm Yên đã được vinh danh và lọt vào Top 10 loại trái cây bậc nhất Việt Nam. Để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, toàn huyện đã và đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hơn 10 năm qua, cây ca cao có bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. Song, cũng như các loại cây trồng khác, việc phát triển trong giai đoạn đầu trải qua không ít khó khăn, cần rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết, nghề nuôi chim cút tại khu phố phát triển mạnh khoảng 4 năm trở lại đây. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khu phố đã thành lập Tổ chăn nuôi chim cút và nhận được sự hưởng ứng của các hộ chăn nuôi.