Triển Khai Thí Điểm Bảo Hiểm Tôm Nuôi Năm 2013

Từ ngày 1/6/2013, Công ty Bảo Việt Bạc Liêu bắt đầu bán bảo hiểm tôm nuôi năm 2013 cho các xã, phường thí điểm. Mặc dù hơi muộn so với lịch thời vụ thả giống nhưng đó là một tin vui đối với người nuôi tôm, góp phần chia sẻ rủi ro, an sinh xã hội và kích thích phong trào nuôi tôm trong tỉnh phát triển.
KHẨN TRƯƠNG GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG
Đến thời điểm này, chính sách thí điểm bảo hiểm tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đã đi được nửa chặng đường thí điểm. Đánh giá của Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi các cấp trong tỉnh (Ban chỉ đạo), thành công nhiều nhưng khó khăn, bất cập cũng không ít. Tuy nhiên, cái được lớn nhất từ chính sách này là chia sẻ gánh nặng với người nuôi tôm, giúp họ an tâm sản xuất, nhất là hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Vụ tôm năm 2012, Bảo Việt Bạc Liêu đã ký kết 1.990 hợp đồng bảo hiểm với 1.435 hộ nuôi tôm, diện tích tham gia bảo hiểm 1.374ha. Tổng phí bảo hiểm 47,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 28,8 tỷ đồng, số còn lại người mua tự đóng. Hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%.
Trong năm 2012, TP. Bạc Liêu có 621 hộ tham gia bảo hiểm, chiếm 24% trong tổng số hộ nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC) trên địa bàn thí điểm. Chỉ có 16 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm. Huyện Hòa Bình có 641 hộ tham gia, chiếm 22,5%. Có 75 hộ nghèo và 26 hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm. Thấp nhất là huyện Đông Hải chỉ có 173 hộ tham gia bảo hiểm, chiếm tỷ lệ 12%, số hộ nghèo và cận nghèo tham gia rất ít. Đáng chú ý trong năm 2012, ở cả 3 huyện, thành phố thí điểm chưa có tổ chức nào (công ty, trang trại nuôi tôm…) tham gia bảo hiểm tôm nuôi.
Ban chỉ đạo tỉnh cho biết, vụ nuôi năm 2012, diện tích tôm nuôi thiệt hại cần bồi thường lên đến 1.302ha, chiếm 94,8% diện tích tham gia bảo hiểm. Tổng số tiền bồi thường ước tính 194,5 tỷ đồng. Hiện tại, đơn vị bảo hiểm đã chi trả được 61%. Khoảng 80% hồ sơ chưa được giải quyết bồi thường nằm trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
Chỉ đạo tại Hội nghị triển khai chính sách thí điểm bảo hiểm tôm nuôi năm 2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh - Lê Thanh Dũng đề nghị Bảo Việt Bạc Liêu khẩn trương bồi thường dứt điểm vào cuối tháng 6/2013, giúp nông dân có điều kiện tái đầu tư ở vụ nuôi mới. Ban chỉ đạo các cấp trên địa bàn thí điểm tích cực phối hợp với đơn vị bảo hiểm nhanh chóng giải quyết hồ sơ bồi thường còn tồn đọng, nhưng phải đảm bảo đúng quy định nhằm phát huy hiệu quả tối ưu từ chính sách này.
NHỮNG GIẢI PHÁP CHO NĂM 2013
Kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh, vụ tôm năm 2013, Bạc Liêu vẫn giữ nguyên 9 xã, phường triển khai thí điểm bảo hiểm tôm nuôi. Thời gian bán bảo hiểm bắt đầu từ ngày 1/6 - 31/12/2013. Ở vụ tôm này, chỉ tiêu được Ban chỉ đạo tỉnh dự kiến ký khoảng 1.500 hợp đồng với 2.000 hộ, nâng diện tích tham gia từ 1.374ha năm 2012 lên 2.000ha năm 2013. Tổng phí bảo hiểm 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 20 tỷ đồng.
Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, cần tập trung tuyên truyền, tập huấn cho Ban chỉ đạo các cấp, các đại lý và kể cả người nuôi tôm nhằm xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Chủ động phát hiện và mạnh dạn đấu tranh với những hành vi trục lợi bảo hiểm. Về vấn đề này, ông Lê Thanh Dũng đề nghị Ban chỉ đạo các cấp phải xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất để nắm chặt tình hình. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có trục lợi bảo hiểm cần xử lý ngay, không để tình trạng nghi ngờ kéo dài gây dư luận xấu trong xã hội.
Đặc biệt, ông Lê Thanh Dũng đề nghị Ban chỉ đạo các cấp, đơn vị bảo hiểm và cả người nuôi tôm cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương thí điểm bảo hiểm của Chính phủ. Đây là chính sách mới có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người nuôi tôm, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo. Bảo hiểm tôm nuôi không vì mục đích kinh doanh. Do đó, đơn vị bảo hiểm không được chạy theo doanh số nhằm làm ảnh hưởng đến mục tiêu cao cả mà chính sách này hướng tới là chia sẻ gánh nặng với người nuôi tôm, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Related news

Thời gian qua, nghề nuôi tôm tại Quảng Ninh khá phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, mức độ ảnh hưởng ngày càng rộng. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cơ chế quản lý cộng đồng được coi là một trong những giải pháp quan trọng.

Dư lượng kháng sinh trong NTTS gây nhiều thiệt hại đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Đó là kết luận của Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản III - cơ quan thực hiện đề tài “Nghiên cứu tìm hiểu một số tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng (KST), nấm và vi khuẩn trên cá giống và trứng cá hồi, cá tầm tại Lâm Đồng” vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu chính thức.

Hiện nay đang vào đầu mua mưa- thời điểm các loài cá bắt đầu sinh sản. Thế nhưng, trên sông Vàm Cỏ Đông, nhiều người dân vẫn khai thác thủy sản bằng nhiều hình thức khác nhau.

Năm 2015, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thả nuôi tôm chân trắng trên 180 ha. Trong khi tôm nuôi trong ao đất không mấy khả quan do tôm bị dịch bệnh thậm chí chết hàng loạt thì các hộ nuôi tôm chân trắng theo công nghệ cao ở địa phương lại đang rất phấn khởi vì tôm được mùa được giá.