Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo Hà Tĩnh
Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh đã hỗ trợ phương tiện, máy móc hiện đại nhằm cơ giới hóa các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo Hà Tĩnh...
Máy tuốt liên hoàn về với bà con nông dân xã Đức Thủy (Đức Thọ) từ vụ xuân 2015.
Trên thực tế, người sản xuất đã sớm nhận ra thị trường lúa gạo cần nhất là sản phẩm chất lượng cao, có giá trị hàng hóa lớn. Bằng chứng là việc đầu tư của các địa phương vào các vùng sản xuất trong việc cải tạo lại bộ giống chủ lực đã được người nông dân đồng tình ủng hộ.
Nhờ vậy, năng suất lúa liên tục được “xác lập” kỷ lục mới, thậm chí, có những loại giống “khủng” đạt 8-10 tấn/ha. Mặc dù vậy, sau mỗi vụ thu hoạch, thị trường lúa gạo Hà Tĩnh vẫn không thể ở phân khúc trên mà phải chấp nhận chịu sự chi phối của thị trường.
Bấp bênh, bị ép giá, quy luật cung - cầu bị phá vỡ khiến cho thu nhập của người sản xuất không tăng tương ứng với sản lượng lúa.
Khó khăn của người nông dân hiện nay không chỉ có giống, vật tư, phân bón, chi phí đầu vào mà “nặng gánh” nhất vẫn là phương tiện, máy móc đồng bộ - yếu tố quyết định để tránh những tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt nhất.
Năm 2014, sau khi điều chỉnh mục đích dự án sang hỗ trợ sản xuất chuỗi lúa, Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh đã hỗ trợ bà con quy hoạch lại vùng sản xuất, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác khép kín từ giống đến tiêu thụ. Trong đó, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất thông qua việc thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất và thu mua, dự án còn đầu tư “cơ giới hóa” các khâu trong sản xuất lúa gạo từ đầu vào đến đầu ra.
Đây không phải là lần đầu tiên bà con xã Đức Thủy (Đức Thọ) được trang bị máy móc mới phục vụ sản xuất. Từ 20 ha, mô hình chuỗi lúa đầu tiên được dự án hỗ trợ đã được mở rộng lên đến 181 ha vào vụ xuân 2015.
Anh Đinh Văn Xanh ở xã Đức Thủy cho biết: “Những năm trước, do sử dụng lao động thủ công trong việc thu hoạch lúa nên không chỉ tốn nhiều công lao động mà còn mất thời gian, thậm chí, có những vụ không làm đất kịp để gieo cấy hè thu khiến cho ruộng lúa phát triển kém, năng suất giảm khá nhiều.
Được dự án Phát triển nông nghiệp hỗ trợ máy tuốt lúa liên hoàn phục vụ sản xuất, chúng tôi không phải huy động anh em họ hàng để đập lúa như trước nữa mà chỉ mất chưa đầy 30 phút, gần 0,5 ha lúa đã được tuốt xong. Từ nay, bà con không phải lo trời mưa nắng thất thường mỗi khi thu hoạch và bảo quản thóc nữa”.
Vụ xuân vừa qua, dự án hỗ trợ vùng sản xuất lúa 24 máy tuốt lúa liên hoàn với tổng số tiền hơn 840 triệu đồng. Số máy này giao cho 24 hộ ở các xã Đức Thủy, Đức Long, Đức An, Đức Tùng quản lý và sử dụng. Được biết, dự án hỗ trợ 50% kinh phí mua máy, số còn lại do người dân góp vốn đối ứng.
Chị Phạm Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ hợp tác thu mua, chế biến hàng nông sản Tuyết Hoa (xã Đức An - Đức Thọ) chia sẻ: Tổ hợp tác là một trong 10 đơn vị được nhận máy xay xát từ dự án. Mặc dù mới thành lập nhưng tổ hợp tác đã trở thành “đội mạnh” trong việc thu mua nông sản.
Trung bình mỗi vụ, tổ hợp tác có thể thu mua 300 tấn lúa. Từ tháng 6/2014, chị ký hợp đồng thu mua với vùng sản xuất chuỗi của dự án trên địa bàn.
Chị Tuyết cho biết: “Gạo của chúng tôi chủ yếu xuất nội tỉnh và một số tỉnh bạn như Nghệ An, Nam Định. Dù đầu ra không quá khó nhưng giá không cao, không thâm nhập được thị trường khó tính.
Bây giờ, có hợp đồng thu mua lúa chất lượng cao ở vùng sản xuất chuỗi, lại được hỗ trợ thêm máy xay xát nên chất lượng gạo tốt hơn hẳn: Không bị vỡ vụn, không lẫn các loại gạo khác như khi sử dụng máy xay xát cũ. Nhờ vậy, giá trị hàng hóa của sản phẩm cũng cao hơn”.
Vụ hè thu này, cánh đồng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm lúa do Dự án Phát triển nông nghiệp hỗ trợ xây dựng đã được mở rộng lên đến 381 ha ở 4 xã của Đức Thọ: Đức Long, Đức An, Đức Thủy và Bùi Xá. Dự án đang từng bước góp phần thay đổi tập quán sản xuất, giúp nông dân làm quen với tư duy sản xuất hàng hóa, sản xuất gắn với thị trường.
Related news
Ngày 7/1, nhiều nhà vườn tại Đà Lạt cho biết, thương lái đang thu mua khoai tây ở vườn với giá là 11.000đ/kg, ở giá này người trồng thu về khoảng 100 triệu đồng/ha tiền lãi sau hơn 3 tháng gieo trồng.
Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, một vài năm trở lại đây, thành phố Yên Bái đã đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất, trong đó có cây bí hạt đậu lai F1-868 hay còn gọi là bí đỏ đồng tiền vàng.
Tham gia mô hình này, nông dân được tập huấn kỹ thuật VietGap trên rau và được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, không phun ngừa tràn lan, đảm bảo thời gian cách ly, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, giảm chi phí đầu tư.
Theo ông Năng, lúa mùa nổi là dạng sản phẩm hiếm nhưng đã được khôi phục tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang và một số nơi khác của An Giang là điều rất đáng mừng. “Càng đáng mừng hơn nữa là lãnh đạo An Giang đã thấy được tầm quan trọng của lúa mùa nổi và các nhà khoa học đã quyết tâm khôi phục lại. Chúng tôi cam kết sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất ra”, ông khẳng định.
Vùng mía nguyên liệu cho 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh hàng năm được ổn định từ 28.600 - 28.800 ha. Trong đó, Nhà máy đường Tate & Lyle 18.800 ha, Nhà máy đường Sông Con 8.200 ha và Nhà máy đường Sông Lam 1.800 ha. Nhưng niên vụ ép 2014 - 2015 này trên cả 3 vùng mía nguyên liệu của 3 nhà máy diện tích năng suất và sản lượng mía đều thấp thua so với kế hoạch đề ra và giảm nhiều so với niên vụ ép năm 2013 - 2014.