Trang Trại Nhỏ, Hiệu Quả Lớn
Khi trang trại quy mô lớn mất dần ưu thế về hiệu quả, người dân xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế nông hộ theo kiểu trang trại gia đình quy mô nhỏ, với hiệu quả mang lại từ việc khai thác tối đa tiềm năng tại chỗ, phát triển đàn vật nuôi quy mô vừa.
Nuôi gia súc chăn thả quy mô đàn được nhiều hộ triển khai nhất. Hiện tại, ở xã Hòa Ninh có hơn 120 hộ nuôi trâu bò, tổng đàn gần 1.500 con; 4 - 5 hộ nuôi hơn 200 con dê. Tốn ít thức ăn, ít dịch bệnh, đầu ra thuận lợi, các loài vật này đang chiếm ưu thế về thu nhập.
Thời điểm hiện tại, gia đình ông Dương Văn Minh, ở thôn An Sơn nuôi 70 con bò. Tính bình quân 13 - 15 triệu đồng/con, hộ này đang có trong tay nguồn của cải trị giá gần tỷ đồng. Ông Minh cho biết: Ở Hòa Ninh rừng đồi nhiều, nuôi gia súc chăn thả khá thuận lợi.
Trước đây, nhiều hộ đã nuôi, nhưng chỉ vài ba con là phổ biến, ít ai phát triển quy mô đàn. Nay nhận thấy loài vật này đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đầu tư khá cơ bản từ chuồng trại đến con giống. Bê hoặc nghé cỡ 1 năm tuổi giá 12 - 15 triệu đồng/con.
Nuôi quy mô đàn, thu vài ba trăm triệu đồng/năm không khó. Trước đây, đa số nuôi theo kiểu được chăng hay chớ, ít ai quan tâm đến loài bò to hay nhỏ. Còn nay, nhất thiết phải là giống laisin, to con, chóng lớn. So với nuôi heo hiệu quả cao hơn nhiều; do bò lai vài ba năm tuổi giá 25 - 30 triệu đồng/con, bằng trại heo hàng chục con.
Không nuôi quy mô lớn như ông Minh, nhưng hộ nuôi từ 25 - 30 con trâu, bò ở Hòa Ninh khá nhiều. Ở thôn Đông Sơn có hộ ông Ngô Thuận, nuôi 25 con bò và 13 con trâu, hộ ông Lê Tấn Mai nuôi hơn 20 con bò. Ở thôn Mỹ Sơn có hộ ông Hoàng Nghĩa Thọ, nuôi 24 con bò và 34 con dê. Trang trại của gia đình ông Thọ xây dựng khá cơ bản. Năm 2012, hộ này thu nhập từ bò, dê hơn 100 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí.
Cùng với trâu, bò, dê, các hộ nuôi chim cút, bồ câu Pháp, thỏ cũng phát triển khá mạnh. Hiện tại, chỉ riêng thôn Sơn Phước đã có 4 hộ nuôi chim cút đẻ, quy mô từ 1.500 - 2.000 con/hộ. Các hộ này đang có nguồn thu nhập ổn định 300 - 400 nghìn đồng/ngày từ trứng cút. 10 hộ nuôi bồ câu Pháp, quy mô từ 100 đến 200 con/hộ đang hứa hẹn là hoạt động kinh tế hiệu quả. Về nuôi thỏ, Hòa Ninh đang là xã dẫn đầu ở Hòa Vang về số lượng.
Cụ thể, như trại thỏ của ông Nguyễn Văn Chính, ở thôn 5, nuôi khoảng 600 con, trại của ông Lê Văn Nhân ở thôn Mỹ Sơn, nuôi 500 con, trại của ông Nguyễn Đình Toàn ở thôn Đông Sơn, nuôi hơn 300 con. Riêng trại thỏ Như Ý của ông Nguyễn Văn Cương ở thôn 5, nuôi hơn 1.000 con. Năm ngoái, trại thỏ này bán thỏ giống, thỏ thịt, thu 600 triệu đồng, lãi ròng khoảng 250 triệu.
Nổi bật nhất trong kinh tế trang trại gia đình ở Hòa Ninh là hộ ông Huỳnh Như Khánh, ở thôn 5. Vốn là hộ nghèo hơn chục năm trước, ông Khánh đã vươn lên làm giàu với nhiều loài vật nuôi. Đã có giai đoạn, gia đình ông nuôi hơn 100 con heo thịt, heo nái, hơn 20 con bò, hàng nghìn con gà thả vườn.
Nay trại heo có giảm nhưng đàn bò vẫn duy trì gần 20 con, trong đó 4 con bò sữa. Lão nông quê Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế này cho biết: Ở Hòa Ninh, không mạnh dạn phát triển chăn nuôi theo kiểu trang trại gia đình, khó thoát khỏi cái nghèo. Nói về tổng thu nhập, ông Khánh cho biết: Trừ chi phí còn khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm. Để có thức ăn cho bò, ông Khánh trồng hơn nửa héc-ta cỏ VA-06 và là hộ duy nhất ở Hòa Ninh triển khai hoạt động này.
Trao đổi về kinh tế trang trại gia đình ở địa phương, ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh cho biết: Cách đây 4 - 5 năm, Hội Nông dân chủ trương khai thác tiềm năng tại chỗ, phát triển mạnh loại hình kinh tế này. Bên cạnh định hướng con vật nuôi, tập huấn kỹ thuật, Hội đã tín chấp cho hàng trăm hộ vay vốn từ ngân hàng để đầu tư.
Đến nay, kết quả rất lạc quan. Trong số hơn 1.000 hộ hội viên nông dân, hơn 200 hộ đã đầu tư có chiều sâu cho kinh tế trang trại gia đình. Nhờ vậy, thu nhập, đời sống nhiều hộ nâng lên đáng kể. Hiện tại, các lĩnh vực đều đã thành lập tổ hợp để hỗ trợ lẫn nhau, nhất là đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Tân, vùng này đang nằm trong vùng quy hoạch, nên nhiều hộ không mạnh dạn đầu tư…
Related news
Chúng tôi đến thăm vườn nhãn lồng của gia đình ông Hứa Văn Kháy ở thôn Chùa, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đúng lúc ông đang thu hoạch.
Ngày 8/8/2013, Công ty Bảo Việt Bạc Liêu phối hợp với Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thí điểm bảo hiểm tôm nuôi năm 2013 trên địa bàn tỉnh.
Giữa khu rừng của bản Có, xã Chiềng Xôm (Thành phố Sơn La) có một thung lũng cứ đến mùa mưa, nước lại tích tụ thành ao - bà con gọi là Bôm Lầu hay “ao trời”, thả cá ở đây chỉ sau 2 đến 3 tháng là được thu hoạch.
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự ý xuống giống lúa vụ 3 (còn gọi là vụ thu đông) năm 2013 với tổng diện tích lên đến gần 1.000ha, tập trung nhiều ở 2 huyện Hồng Ngự và Tân Hồng (Đồng Tháp), dù ngành chức năng khuyến cáo không nên xuống giống vì hệ thống đê bao không đảm bảo an toàn. Hiện tại, nước lũ thượng nguồn đang đổ về mạnh, chính quyền và người dân đang “gồng mình” quyết tâm bảo vệ lúa vụ 3 nhằm tránh thiệt hại cho người dân.
Thời điểm hiện nay, người dân ở tỉnh Lạng Sơn đang bước vào mùa thu hoạch Hoa Hồi với niềm vui không trọn vẹn, bởi năm nay hoa hồi được giá nhưng lại mất mùa…