Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trăn trở từ vụ mía

Trăn trở từ vụ mía
Publish date: Wednesday. May 13th, 2015

Người trồng mía... đi mua mía

Chúng tôi về Ninh Tân khi vụ mía gần kết thúc. Thật ngạc nhiên khi thấy thời gian này nông dân phải chạy đôn chạy đáo... mua mía để bù đắp sản lượng, chữ đường thiếu hụt nhằm tránh bị KSC phạt. Nếu như được mùa, mỗi hecta, người dân có thể thu hoạch hơn 50 tấn mía, thậm chí còn cao hơn. Nhưng năm nay, có hộ chặt gần 3ha mà không đủ mía cho một chuyến xe, thậm chí nhiều diện tích mía gần như mất trắng do hạn hán.

Tìm đến gia đình ông Nguyễn Minh Hưng (thôn Bắc) - hộ dân đang khốn đốn vì sản lượng mía thiếu hụt, chúng tôi thấy gương mặt ông sạm đi vì cả tháng nay lăn lộn với cây mía. Ngồi thẫn thờ bên hiên nhà, ông kể: “Cả tháng nay, tôi phải chạy đi lùng mía khắp nơi. Nhà ai có mía bán là mua ngay để bù vào sản lượng còn thiếu so với HĐ.

Nhưng bây giờ, cũng không còn người bán mía. Xã Ninh Tân có đến quá nửa số hộ đứng trước nguy cơ phải đền HĐ thì ai chịu bán mía cho mình...”. Theo HĐ đã ký kết với KSC, gia đình ông Hưng sẽ bán cho công ty 380 tấn mía (tương đương tổng chữ đường 3.800 CCS).

Thế nhưng, gia đình thu hoạch hơn 6ha mía mà sản lượng chỉ mới được 180 tấn. Để bù đắp số mía thiếu hụt, ông phải nhờ sự giúp đỡ của các hộ quen biết mà không ký HĐ cung cấp mía cho KSC, đồng thời tìm đến các địa phương khác thu mua mía. Vậy nhưng, việc này cũng không dễ.

Nhiều hộ không mua được đành chấp nhận bị phạt HĐ. Ông Võ Tấn Duy (thôn Trung) than thở: “Chắc chắn hộ tôi bị đền HĐ. HĐ ký kết với KSC lên đến 400 tấn nhưng số lượng mía gia đình tôi cung ứng được cho nhà máy (NM) chỉ đạt hơn 200 tấn. 2 tuần trước, tôi lùng sục khắp nơi để mua mía nhưng cũng chỉ thêm được hơn 100 tấn”.

Theo ông Duy, những năm trước, gia đình ông đăng ký cung cấp cho KSC khoảng 800 tấn mía. Tuy nhiên năm nay, do lường trước được những khó khăn nên gia đình chỉ đăng ký 400 tấn, thế mà sản lượng mía cũng không đủ cung cấp.

Nông dân chới với

Tuy đã cầm tờ thanh lý HĐ mua bán mía do nhân viên nông vụ địa bàn của KSC gửi đến cách đây mấy ngày, nhưng ông Nguyễn Văn Chín (thôn Bắc) vẫn chưa ký thanh lý, bởi ông cho rằng mình bị công ty o ép, phạt nặng vì nhập thiếu mía cho NM. Ông Chín kể: “Niên vụ mía 2014 - 2015, tôi nhận đầu tư phân bón hơn 13,8 triệu đồng từ KSC, trách nhiệm của tôi phải bán đối ứng tổng chữ đường cho công ty gần 214,2 CCS.

Do vụ mía này gia đình tôi có đến 1,7ha, nên tôi đăng ký bán thêm cho NM hơn 385,8 CCS nữa; tổng chữ đường tôi HĐ bán cho NM 600 CCS. Thế nhưng, do thời tiết, dịch bệnh nên tôi không có đủ mía nguyên liệu để nhập cho NM. Kết thúc niên vụ mía này, tôi chỉ bán được cho KSC gần 374,7 CCS, tỷ lệ hoàn thành HĐ chỉ 62,45% nên bị phạt 15.000 đồng/1 CCS còn thiếu. Tính ra, tổng số tiền tôi bị phạt gần 3,4 triệu đồng”.

Tương tự, hộ ông Cao Văn Thắng (thôn Trung) cũng khá bức xúc: “Công ty xử lý như thế này là không chia sẻ khó khăn của người trồng mía. Tuy chúng tôi đã giảm mức đăng ký bán mía rất nhiều so với niên vụ mía trước, nhưng hầu hết không thể hoàn thành được HĐ. Nếu chúng tôi đem mía bán cho Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa hoặc thương lái, mà không bán cho KSC theo HĐ đã ký kết thì bị phạt là đúng. Đằng này, chúng tôi đã vét sạch mía để bán cho công ty nhưng vẫn không đủ...”.

Được biết, kết thúc vụ mía, tổng số chữ đường ông còn thiếu theo HĐ với KSC hơn 137 CCS, tỷ lệ hoàn thành HĐ đạt 92,64% nên ông chỉ bị phạt ở mức thấp nhất (2.500 đồng/1 CCS còn thiếu). “Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp có sự can thiệp để NM không thực hiện mức phạt này đối với nông dân bị thiếu hụt sản lượng, chữ đường do nguyên nhân khách quan”, ông Thắng kiến nghị.

Ông Nguyễn Sỹ Liễm - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho hay: “Mía là cây trồng chủ lực của địa phương. Trên địa bàn xã hiện có hơn 1.600ha mía, chủ yếu trồng trên vùng bán sơn địa, hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Năm nay, do thời tiết khô hạn kéo dài, không có nước tưới nên vào các giai đoạn cây mía phát triển, người dân không thể bón phân, chăm sóc được.

Vì vậy, năng suất mía giảm chỉ còn khoảng 37 tấn/ha. Tuy chữ đường cao hơn niên vụ trước nhưng do sản lượng quá thấp nên có rất nhiều nông hộ không thể hoàn thành HĐ đã ký kết với KSC. Chính quyền địa phương đã kiến nghị UBND thị xã có ý kiến đối với KSC để không phạt nông dân”. Được biết, đầu vụ, người dân không thể đăng ký sản lượng mía bán quá ít, bởi khi lượng mía bán vượt HĐ thì NM lại mua với giá thấp...

Cần chia sẻ khó khăn

Mang những lo lắng, bức xúc của nông dân xã Ninh Tân trao đổi với ông Đỗ Thành Liêm - Tổng Giám đốc KSC, ông Liêm cho rằng, khi làm ăn với công ty, nông dân có quyền quyết định tất cả, từ việc có nhận đầu tư hay không. Khi quyết định nhận đầu tư, họ biết rõ nghĩa vụ bán mía đối ứng cho công ty. Sau khi thực hiện xong việc bán mía đối ứng, nông dân có quyền quyết định bán tiếp mía cho công ty hay không. Một khi đã ký kết, các bên phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng HĐ. Người trồng mía không hoàn thành HĐ chắc chắn sẽ bị phạt.

Theo lý giải của ông Liêm, có những hộ sau khi nhận đầu tư của KSC, nhưng khi thu hoạch mía lại không muốn bán mía đối ứng cho công ty mà lại bán cho bên thứ ba, buộc công ty phải áp dụng mức phạt này. Thực tế, những hộ làm ăn nghiêm túc đều hoàn thành HĐ, thậm chí dư sản lượng chứ không có chuyện thiếu hụt chữ đường. “Nếu bị thiệt hại vì nguyên nhân thời tiết khô hạn thì nông dân cần sự hỗ trợ của Nhà nước chứ doanh nghiệp không có đủ lực để trợ giúp”, ông Liêm nói.

Trước thái độ cương quyết của KSC, ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa nói: “Nắng hạn, mất mùa, người dân đã khổ, bây giờ KSC còn phạt HĐ thì không hợp lý. Để động viên người dân, chúng tôi đã có văn bản đề nghị các NM đường không bắt người dân bồi thường HĐ trong niên vụ mía năm nay. Nếu KSC cương quyết buộc nông dân bồi thường HĐ, UBND thị xã sẽ tiếp tục có ý kiến về vấn đề này. Trong khi Chính phủ đang phải chi ngân sách để cứu trợ những vùng bị nắng hạn, doanh nghiệp lại đi phạt dân thì rõ ràng khó chấp nhận được”.

Việc người dân bị thiếu mía so với HĐ đã rõ. Tuy nhiên, việc không hoàn thành HĐ phần lớn đều xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Đó là điều mà người trồng mía không hề mong muốn. Nông dân xã Ninh Tân rất mong nhận được sự chia sẻ của KSC cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước.


Related news

Giúp ngư dân xử lý môi trường khắc phục cá bị bệnh chết Giúp ngư dân xử lý môi trường khắc phục cá bị bệnh chết

Theo thống kê của UBND phường Hải Cảng (Bình Định), hiện tại Hải Minh trong có 86 hộ nuôi cá lồng biển, gồm 176 bè với 1.013 lồng nuôi, tăng 5 hộ và 57 bè so với cuối năm 2014. Các đối tượng cá nuôi ở đây nhiều nhất là cá chẽm, cá hồng, cá bớp, cá mú… Tuy nhiên, hiện cá nuôi bị dịch bệnh và chết, tiêu thụ khó khăn khiến các hộ ngư dân ở đây điêu đứng.

Wednesday. June 10th, 2015
Sản lượng tôm Kiên Giang tăng mạnh Sản lượng tôm Kiên Giang tăng mạnh

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, trong tháng 5 toàn tỉnh thu hoạch được 5.820 tấn tôm nguyên liệu, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 11.358 tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ.

Wednesday. June 10th, 2015
Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản

Trong tháng 06, bà con nuôi tôm ở Sóc Trăng tập trung thả giống, tình hình thời tiết và dịch bệnh càng diễn biến phức tạp khiến người nuôi lo ngại, khó tránh khỏi muốn sử dụng hóa chất để diệt khuẩn, diệt tạp và kháng sinh để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.

Wednesday. June 10th, 2015
Quảng Bình xử lý dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi Quảng Bình xử lý dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Thời gian qua, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng xuất hiện cao điểm liên tục đã làm bệnh đốm trắng ở tôm xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong tháng 5, diện tích tôm bị bệnh trên địa bàn toàn tỉnh là 25,48 ha tại 31 ao của 25 hộ trên 7 xã, phường thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố.

Wednesday. June 10th, 2015
Tái cấu trúc sản phẩm và chất lượng sản phẩm cá tra Tái cấu trúc sản phẩm và chất lượng sản phẩm cá tra

Tái cấu trúc sản phẩm và chất lượng sản phẩm là một trong 4 nội dung quan trọng trong tái cấu trúc ngành cá tra nhằm tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là một nội dung lớn dựa trên nguyên tắc cơ bản là sản xuất phải theo yêu cầu của thị trường và phải được bắt đầu từ khâu nuôi.

Wednesday. June 10th, 2015